Học sinh sinh viên vi phạm pháp luật - thực trạng và giải pháp
Nếu năm học 2009-2010 xảy ra 128 vụ/ 221 đối tượng, năm học 2010-2011 xảy ra 221 vụ/373 đối tượng, năm học 2011-2012 có 228 vụ/365 đối tượng và năm học 2013-2014, tuy số vụ có giảm, nhưng số đối tượng lại nhiều hơn (194 vụ/473 đối tượng). Địa phương có tổng số vụ và đối tượng thấp trong 4 năm qua là Văn Lãng với 6 vụ/190 đối tượng, cao nhất là Hữu Lũng 129 vụ/150 đối tượng, Thành phố 116 vụ/ 329 đối tượng.
Giáo viên Trường THCS xã Mai Sao (Chi Lăng) hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ cho học sinh |
Theo phân tích của Công an tỉnh, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm trong HSSV ngày càng gia tăng. Đó là sự thiếu sót và không đồng bộ trong công tác giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội; sự tác động của tình hình tội phạm và tiêu cực xã hội tới HSSV; diễn biến tiêu cực của tâm lý lứa tuổi như thích khẳng định mình, thích nổi tiếng một cách lệch lạc và thiếu tu dưỡng, rèn luyện của HSSV.
Khi điều kiện kinh tế của mỗi gia đình ngày càng khá hơn, thì việc đáp ứng vật chất nhiều khi chạy theo sự đòi hỏi của con; trong khi đó không quan tâm trong quản lý và giáo dục con cái. Điều đó gây ra hậu quả tai hại là hình thành lối sống hưởng thụ vật chất, sự ích kỷ và cả sự dối trá ở các em. Có con trai học lớp 11, trường THPT Việt Bắc, chị Trần Thị Hương, Khối Hoàng Hoa Thám, phường Chi Lăng đã mua cho con chiếc xe đạp, song con không chịu đi mà đòi phải có xe máy mới đi học. Chiều con, chị đành phải đi xe đạp 4-5 cây số đến chỗ làm và nhường con chiếc xe máy. Khi nghe hàng xóm nói là chúng tụ tập bỏ giờ, bỏ tiết để đi đua xe máy, chị mới tá hỏa, song đã muộn, cháu vẫn chứng nào tật nấy; thậm chí tối còn rủ nhau đi chơi bằng xe máy, sáng hôm sau mới mò về…
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình tội phạm ngày càng phức tạp hơn và chúng luôn chú ý tới đối tượng HSSV- đối tượng có sự hiểu biết chưa đầy đủ, thích đua đòi ăn chơi để dụ dỗ lôi kéo các em thực hiện hành vi phạm tội. Điển hình như vụ 3 nữ học sinh của trường Trung cấp nghề Việt- Đức và trường Cao đẳng Y tế có dấu hiệu bị lừa bán sang Trung Quốc, các đối tượng lấy lý do rủ các em đi bán hàng thuê để đưa các em lên biên giới và bán sang Trung Quốc.Vụ việc phát hiện học sinh trường THPT Việt Bắc mang “tài mà” (một loại ma túy có nguồn gốc từ cây cần sa) vào trường để sử dụng, nguyên nhân là có 1 em bị đối tượng ngoài xã hội rủ rê “hút cho biết” và được hút miễn phí, từ đó lôi kéo các bạn khác. Vụ một nữ sinh trường THPT Chi Lăng bị đối tượng Vi Minh Tiệp, sinh năm 1993 ở xã Quang Lang (Chi Lăng) rủ đi hát Karaoke rồi cho uống thuốc ngủ để thực hiện hành vi hiếp dâm. Rồi sự đam mê những trò chơi bạo lực, phim ảnh đồi trụy… rất dễ tác động tiêu cực đến lứa tuổi đang hình thành nhân cách này.
HSSV thuộc lứa tuổi vị thành niên, tâm sinh lý chưa ổn định, hiếu động, thích hướng tới sự mới lạ, thích bắt chước, đặc biệt là muốn thể hiện cái “tôi” nhiều khi lại là nguyên nhân khiến các em phạm tội, thậm chí phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như cố ý gây thương tích, giết người. Điển hình là vụ Chu Văn Thuật – học sinh trường THPT Hữu Lũng giết người do mâu thuẫn cá nhân, vụ Nguyễn Hữu Kiên, học sinh trường THPT Tràng Định đâm 3 bạn bị thương …
Trong nhưng năm qua, không chỉ ngành GD&ĐT tăng cường công tác giáo dục đạo đức, kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kiến thức sống, kỹ năng sống cho HSSV, mà với trách nhiệm của mình, ngành công an đã rất tích cực vào cuộc. Từ năm 2010 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Công an tỉnh, công an các địa phương đã tổ chức hàng ngàn lượt phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho 100% nhà trường và cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác nắm tình hình, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại tới HSSV, tích cực xử lý các vụ vi phạm pháp luật trong HSSV để tăng tính răn đe. Trong 780 vụ HSSV vi phạm pháp luật trong 4 năm qua, lực lượng chức năng đã xử lý hình sự 88 vụ/108 đối tượng, xử lý hành chính 692 vụ/1.324 đối tượng (có 865 trường hợp vi phạm về trật tự ATGT). Tuy nhiên, việc phát hiện, xử phạt vẫn còn gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân là sự phối hợp giữa lực lượng chức năng và nhà trường còn thiếu chặt chẽ; một số nhà trường còn che giấu để “xử lý nội bộ” mà không thông tin với lực lượng chức năng vì sự ảnh hưởng đến thi đua…
Việc tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống cho HSSV phải được thực hiện đồng thời với sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội và lực lượng chức năng. Đồng thời cần chú trọng hực hiện tốt công tác đấu tranh phòng ngừa xã hội, không để những hành vi tiêu cực vào nhà trường để giảm thiểu tình hình HSSV vi phạm pháp luật.
Ý kiến ()