Học sinh nghiên cứu khoa học hướng tới xây dựng cộng đồng hiến máu
Gương mặt sáng, giọng nói khúc chiết, biểu lộ sự thông minh và niềm đam mê khám phá, tìm tòi để áp dụng kiến thức, hiểu biết phục vụ cuộc sống thực tế, đó là ấn tượng khi gặp gỡ, trò chuyện với Trần Phong và Trần Mỹ Chi, hai học sinh của Trường THPT Chuyên Lào Cai. Hai em cũng là đồng tác giả của Dự án “Ngân hàng máu di động” đoạt giải nhất Hội thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học phổ thông toàn quốc năm 2022.
Chúng tôi đến Trường THPT Chuyên Lào Cai, khung cảnh yên tĩnh, ở một phòng học trên tầng ba, thầy giáo Mai Hồng Kiên và hai em học sinh Trần Phong, lớp 11 chuyên Anh và Trần Mỹ Chi, lớp 11 chuyên Lý vẫn miệt mài bổ sung, hoàn thiện Dự án “Ngân hàng máu di động” để chuẩn bị tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF) tại Hoa Kỳ, vào tháng 5 tới.
Những việc mà thầy hướng dẫn và hai em phải hoàn thành trong thời gian ngắn là bổ sung, hoàn thiện câu lệnh của phần mềm lập trình, được coi như “trái tim” của Dự án. Bản thuyết trình cũng phải bảo đảm khoa học, ngắn gọn cùng dữ liệu kiến thức, khảo sát thực tế dự phòng để trả lời phỏng vấn, sát hạch của Hội đồng giám khảo và luyện thêm khả năng nói tiếng Anh để bảo vệ Dự án. “Nhóm tác giả sẽ nỗ lực hết sức để đạt thành tích cao, khi mang chuông đi đánh xứ người”- thầy giáo Mai Hồng Kiên chia sẻ.
Trần Phong và Trần Mỹ Chi đều ham học, có chung sở thích và niềm đam mê tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Hai em từng chứng kiến người thân, bạn bè khi lâm bệnh vào bệnh viện cần đến tiếp máu nhưng gặp nhiều khó khăn khi nguồn máu dự trữ của bệnh viện không sẵn nhóm máu đang cần. Cũng đã từng đi hiến máu tình nguyện, em Trần Phong nghĩ làm sao để bệnh viện có được nguồn máu nhanh nhất, chính xác nhất, phù hợp nhất sẽ cứu sống được nhiều bệnh nhân, giảm thiểu chi phí bảo tồn máu bằng phương tiện chuyên dùng.
Từ thực tế đó, em Phong bàn với em Chi là học sinh chuyên Lý, giỏi tin học cùng nhau viết phần mềm “Ngân hàng máu di động”. Được Ban Giám hiệu nhà trường tạo điều kiện cao nhất và được thầy giáo Mai Hồng Kiên, Tổ phó Tổ toán tin của trường tận tình chỉ bảo, hướng dẫn, hai em dành thời gian buổi chiều và những ngày nghỉ cuối tuần để thực hiện dự án. Phong có lợi thế tiếng Anh thì đọc thêm tài liệu tham khảo, còn Chi giỏi tin học thì viết câu lệnh phần mềm, rồi chạy thử. Thầy Kiên đưa ra ý tưởng, mục tiêu và yêu cầu hai em thực hiện, khi gặp phần khó, thầy liên hệ với các học sinh cũ của trường hiện đang làm việc ở các công ty về phần mềm tin học để hỗ trợ thêm.
Để sát thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn y tế, nâng cao tính khả thi của dự án, hai em còn khảo sát thêm các bác sĩ, nhân viên y tế ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, Bệnh viện đa khoa thành phố Lào Cai, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai… Khi hoàn thành phần mềm “Ngân hàng máu di động”, thầy Kiên và các em lại đưa xuống cài vào smartphone của bác sĩ, nhân viên y tế các bệnh viện vận hành, sử dụng để đánh giá và kiểm nghiệm sản phẩm.
Theo thầy giáo Mai Hồng Kiên, Dự án “Ngân hàng máu di động” nhằm tạo ra kết nối nhanh chóng, mạnh mẽ giữa bệnh viện và tình nguyện viên đi hiến máu dùng ứng dụng để kịp thời cung cấp những giọt máu quý giá cứu sống bệnh nhân đang thiếu máu nguy cấp. Ứng dụng cũng giúp bệnh viện có thể chủ động trong việc kêu gọi và giảm nguy cơ lãng phí nguồn máu quý hiếm do bảo quản quá hạn. Có thể nói, dự án là sản phẩm hữu ích của chuyển đổi số trong công tác y tế, đặc biệt, hướng tới xây dựng cộng đồng hiến máu cho những người tình nguyện hiến máu, nhằm lan tỏa tính nhân đạo đến mọi người.
Thầy giáo Ngô Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lào Cai cho biết, đây là năm thứ 4 liên tiếp nhà trường đoạt giải nhất về nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; năm thứ 3 liên tiếp 2/2 dự án dự thi đều đoạt giải nhất và nhì. “Ngoài “sân chơi” nghiên cứu khoa học kỹ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, học sinh của trường còn tham gia nhiều cuộc thi khác, như: Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lào Cai, Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh; các cuộc thi quốc tế, như cuộc thi sáng chế: Canada, Pháp, Ba Lan; cuộc thi Sáng tạo trẻ châu Á… Tại các cuộc thi, các em học sinh của tỉnh tham dự đều đoạt giải cao. “Phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật đã và luôn được nhà trường coi trọng, quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho giáo viên và học sinh tham gia…”, thầy Xuân khẳng định.
Theo Nhandan
Ý kiến ()