Học sinh lớp 1 học trực tuyến thế nào cho hiệu quả?
Mặc dù chuẩn bị bước vào năm học mới nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, học sinh không thể đến trường. Để không làm gián đoạn học tập, các trường học đã kích hoạt việc dạy và học trực tuyến, nhưng làm thế nào để học trực tuyến chủ động, hiệu quả, bảo đảm chất lượng đang là vấn đề khiến cha mẹ có con vào lớp 1 không khỏi lo lắng.
Thấu hiểu được nỗi lo của phụ huynh, ngày 3/9, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức toạ đàm trực tuyến “Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến”. Đây là sự kiện đầu tiên nằm trong chuỗi hoạt động ra mắt Kênh hỗ trợ dạy – học trực tuyến bậc Tiểu học cho giáo viên vùng khó khăn do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Tại toạ đàm, các chuyên gia đã trao đổi về những cách thức để chuẩn bị tâm thế học tập trực tuyến cho học sinh lớp 1, những kỹ thuật để duy trì sự hứng thú, sự tập trung cũng như cách thức cân bằng sức khỏe tinh thần và cuộc sống trong bối cảnh học tập trực tuyến.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng bàn thảo về việc thiết kế bài học trực tuyến, phương pháp sư phạm và gợi ý tổ chức hoạt động cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh lớp 1 nhằm giúp giáo viên bậc Tiểu học có cái nhìn thực tế hơn, đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo trẻ được tốt hơn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Theo khảo sát từ hãng bảo mật Kaspersky, có 55% tổng số trẻ em trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch. Báo cáo cũng cho thấy, 74% trẻ em không thích học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình.
Có đến 57% học sinh cảm thấy bài giảng trực tuyến khó hiểu hơn, khó tập trung hơn so với học trên lớp. Các vấn đề kỹ thuật đường truyền và thiết bị công nghệ cũng là một nguyên nhân (chiếm 60%) gây xao nhãng và giảm hứng thú học tập.
Tuy vậy, trong bối cảnh giáo dục đang chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, học trực tuyến sẽ sớm trở thành một hình thức học chính thức và sử dụng thành thạo hình thức học này sẽ là một chỉ báo của năng lực công dân số. Học trực tuyến cũng được chứng minh mang lại lợi ích cho những đứa trẻ hướng nội, những bạn nhỏ rụt rè.
Đối với học sinh lớp 1, đây là độ tuổi rất háo hức khám phá nên dễ bị mất tập trung với những yếu tố xung quanh. Đây cũng là độ tuổi rất hiếu động và ồn ào, khoảng chú ý ngắn nên rất khó khăn khi phải ngồi vào một chỗ, phải tập trung trong thời gian dài.
Mặc khác, các em không thể thực hiện nhiều thao tác cùng lúc như vừa nghe, vừa nhìn, vừa thao tác do kỹ năng phối hợp thính giác – vận động hoặc thị giác – vận động vẫn đang phát triển. Chưa kể những khó khăn thiếu thốn cơ sở vật chất của các trường học và gia đình.
Để có thể dạy học trực tuyến hiệu quả, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, phụ huynh và giáo viên cần phải hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ, những khó khăn khi các con học trực tuyến và cần có những chiến lược phối hợp giữa gia đình và nhà trường chặt chẽ giúp con vượt qua trở ngại tâm lý để sẵn sàng cho việc học trực tuyến.
Phụ huynh cũng cần xác định vai trò mình là một giáo viên, “huấn luyện viên” hiện trường để điều hướng các thiết bị công nghệ, định hướng sự chú ý của con cũng như nhắc nhở và hỗ trợ kịp thời để con có thể thành công trong các nhiệm vụ học tập.
Trước khi bắt đầu vào năm học với hình thức học trực tuyến, phụ huynh cần hạn chế lại thời gian sử dụng màn hình của con trong các hoạt động hàng ngày để tổng thời gian sử dụng màn hình trong ngày không quá tải, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam lưu ý.
Đối với giáo viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên các thầy cô dành tuần đầu tiên cho việc thiết lập mối quan hệ, làm quen và các trò chơi để kết nối với trẻ. Đồng thời, thống nhất về nội quy lớp học, hướng dẫn cha mẹ thực hiện các hoạt động chuẩn bị tại gia đình như hình thành thói quen học tập như ngồi đúng tư thế, cầm bút đúng cách, rèn cách làm việc với sách và đồ dùng học tập.
Để bài giảng không quá tải với học sinh, giáo viên nên giới hạn thời gian cho mỗi phiên học kéo dài 15 phút làm việc với màn hình, nghỉ 5 phút và tiếp tục một phiên học 15 phút khác. Sau bốn phiên như vậy thì sẽ nghỉ vì khoảng chú ý của học sinh lớp 1 không dài quá 15 phút. Việc thiết kế thời khóa biểu, thiết kế các phiên học phải được cân nhắc dựa trên các đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Quang Tiệp, Trưởng bộ môn Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Để giúp trẻ tự tin trong quá trình học tập, ngoài yếu tố tâm lý để trẻ sẵn sàng về mặt tâm thế, trẻ cần được chuẩn bị về mặt kiến thức như nhận diện chữ cái, con số, nét viết cơ bản; kỹ năng để thích ứng với môi trường học tập mới với thầy cô, bạn bè.
Ngoài ra, khi thiết kế bài học trực tuyến, giáo viên phải lượng hoá nội trung trong tâm của bài học. Mỗi một bài học theo hình thức trực tuyến cần hấp dẫn, lôi cuốn trẻ, trò chơi hoá hoạt động học tập để kích hoạt sự chú ý và tập trung của trẻ. Giáo viên tổ chức trao đổi, trò chuyện với học sinh vào đầu mỗi buổi học hoặc tổ chức chia nhóm thảo luận tương tác học sinh với học sinh.
Để không bỏ sót học sinh, giáo viên tăng cường tuyên dương, gọi tên trong quá trình học tập. Học sinh chỉ nên tương tác với màn hình không kéo dài quá 30-35 phút cho 1 tiết học và tối đa 2 tiếng mỗi ngày.
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Phạm Quang Tiệp, sự đồng hành của cha mẹ được xem là yếu tố quyết định hiệu quả của việc học trực tuyến. Bản thân phụ huynh phải sẵn sàng tâm lý, tránh hoang mang, lo lắng và chủ động đồng hành cùng con trong việc tổ chức môi trường học tập tại nhà. Ngoài ra, nắm bắt được những nội dung bài học của con để hỗ trợ trong và sau mỗi buổi học.
Ý kiến ()