Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến ngày 22-7, cả nước có hơn 20 trường đại học hoàn thiện công tác chấm thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2012. Kết quả chấm thi của các trường cho thấy, có hơn 100 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên (trong đó, thí sinh Nguyễn Ngọc Thiện dự thi khối A vào Trường ĐH Ngoại thương tạm giữ vị trí đứng đầu với tổng số ba môn thi đạt 29 điểm).Giống như những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, tốp 100 thí sinh đạt điểm cao nhất và đỗ đầu của các trường tiếp tục có nhiều thí sinh không phải "con nhà nòi", không phải xuất thân từ những thành phố có điều kiện tập trung chăm lo cho việc học hành. Nhiều thí sinh đỗ đầu các khoa xuất thân từ các vùng nông thôn như Nguyễn Ngọc Thiện, quê ở tỉnh Hải Dương đỗ đầu khối A ĐH Ngoại thương; Vũ Hồng Ái, quê Nghệ An và Nguyễn Văn Khuynh, quê ở Quảng Nam đỗ đầu khối B của ĐH Quốc gia Hà Nội...Thực tế cho thấy,...
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến ngày 22-7, cả nước có hơn 20 trường đại học hoàn thiện công tác chấm thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2012. Kết quả chấm thi của các trường cho thấy, có hơn 100 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên (trong đó, thí sinh Nguyễn Ngọc Thiện dự thi khối A vào Trường ĐH Ngoại thương tạm giữ vị trí đứng đầu với tổng số ba môn thi đạt 29 điểm).
Giống như những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, tốp 100 thí sinh đạt điểm cao nhất và đỗ đầu của các trường tiếp tục có nhiều thí sinh không phải “con nhà nòi”, không phải xuất thân từ những thành phố có điều kiện tập trung chăm lo cho việc học hành. Nhiều thí sinh đỗ đầu các khoa xuất thân từ các vùng nông thôn như Nguyễn Ngọc Thiện, quê ở tỉnh Hải Dương đỗ đầu khối A ĐH Ngoại thương; Vũ Hồng Ái, quê Nghệ An và Nguyễn Văn Khuynh, quê ở Quảng Nam đỗ đầu khối B của ĐH Quốc gia Hà Nội…
Thực tế cho thấy, trong giáo dục phổ thông, vấn đề chọn trường điểm, trường có “danh tiếng” hoặc mở lớp dạy thêm, học thêm, luyện thi tràn lan như một phong trào và trở thành lựa chọn “tối ưu” cho con đường học hành, thành tài của học sinh, trở nên phổ biến. Tuy nhiên, những thí sinh đạt điểm cao thi vào các trường ĐH xuất hiện ngày càng nhiều ở các “tỉnh lẻ”, ở các trường THPT bình thường thuộc các vùng quê hoặc các thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Các em đã vươn lên thi đỗ đầu và sau đó trở thành các cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi của các trường ĐH… Điều này đặt ra vấn đề cho việc nhìn nhận và đánh giá về chất lượng thật của dạy và học hiện nay.
Trong giáo dục, để có được một học sinh giỏi, một nhân lực chất lượng cao hay một nhân tài, cần có sự nỗ lực đồng bộ của ngành giáo dục và đào tạo của mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi học sinh, gia đình và toàn xã hội. Điều kiện học tập tốt là cần nhưng chưa phải là đủ cho kết quả học tập tốt của mỗi học sinh nói riêng cũng như trong nâng cao chất lượng giáo dục nói chung. Với nội dung, chương trình giáo dục như hiện nay, ngoài những nỗ lực đổi mới nói chung của ngành giáo dục và đào tạo, mỗi thầy giáo, cô giáo cần nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách linh hoạt, sáng tạo, dễ hiểu, không nặng về hàn lâm… giúp học sinh tiếp thu tốt kiến thức. Học sinh cần chuyên cần học tập, bám sát chương trình học, tiếp thu bài giảng tốt, biết vượt lên những khó khăn của chính mình thì sẽ có thể học tập tốt. Đối với cha mẹ học sinh cần tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm, chăm sóc cho con em học tập tốt, không “chạy” theo tâm lý phải vào trường điểm, lớp chọn học thêm thật nhiều,… Có như vậy mới thật sự có được những học sinh giỏi, tài năng có ích cho đất nước mai sau.
Theo Nhandan
Ý kiến ()