Học sinh đi xe máy và xe đạp điện vi phạm Luật GTĐB - chuyện chưa có hồi kết
LSO-Từ khi Trường THPT chuyên Chu Văn An chuyển sang địa điểm mới ở phường Chi Lăng, hàng ngày, người dân được chứng kiến những cảnh học sinh ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện đi hàng ba hàng tư, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm. Thực trạng đó khiến dư luận khá bức xúc…
Học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An đi xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm |
Trong những năm gần đây, khi kinh tế mỗi gia đình đã khá lên, việc mua cho con chiếc xe máy, xe đạp điện với giá trên chục triệu đồng là không quá khó. Nhiều gia đình còn coi đó là phần thưởng khi con mình thi đỗ vào Trường THPT Việt Bắc hoặc Trường chuyên Chu Văn An. Phải nói rằng với độ tuổi của học sinh THPT (từ 16 trở lên) việc sử dụng xe gắn máy, xe đạp điện tới trường là chuyện bình thường. Đó cũng là phương tiện để giảm bớt thời gian cho các em khi phải “chạy sô” về chuyện học, từ học ở trường đến học thêm và các hoạt động khác. Tuy nhiên việc chấp hành luật lệ ATGT của học sinh lại rất kém mà phổ biến là không đội mũ bảo hiểm (BH) khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện, giăng hàng ba hàng tư trên đường, vừa đi vừa đùa nghịch trêu chọc nhau, thậm chí vượt cả đèn đỏ… tiềm ẩn TNGT đối với bản thân và những người khác.
Thầy giáo Đặng Hùng Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc cho biết: nhà trường có 426 học sinh dùng xe gắn máy, xe đạp điện tới trường. Đó là số liệu thống kê học sinh đăng ký gửi xe, trên thực tế con số này còn lớn hơn vì rất nhiều học sinh gửi xe tại các điểm xung quanh trường. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền ý thức pháp luật nói chung và Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) nói riêng cho học sinh, nhà trường luôn nhắc nhở và đề ra những biện pháp kỷ luật cần thiết đối với học sinh vi phạm. Song thực tế là nhà trường không thể kiểm soát hết được tình trạng học sinh vi phạm luật lệ ATGT vì sự vi phạm chỉ xảy ra ngoài nhà trường.
Trước cổng Trường THPT chuyên Chu Văn An có một tấm biển lớn ghi rõ phải đội mũ BH khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi trên 3 ngả đường dẫn vào trường thì có đến 80% học sinh sử dụng các loại xe này không đội mũ bảo hiểm. Nhà để xe của trường to rộng là vậy mà thấy chật kín xe gắn máy, xe đạp điện. Thầy giáo Bùi Văn Quang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: toàn trường có trên 900 học sinh thì có trên 600 em dùng xe gắn máy, xe đạp điện tới trường. Ý thức được công tác giáo dục toàn diện ở một trường chuyên, song song với việc nâng cao chất lượng giảng dạy văn hóa, nhà trường đã tăng cường giáo dục đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh. Trong nhiều năm, cán bộ giáo viên nhà trường đã làm tất cả những gì có thể làm như phối hợp với các cơ quan chức năng, chỉ đạo các đoàn thể, hội cha mẹ học sinh để nhắc nhở, giáo dục, ký cam kết… thậm chí hạ bậc hạnh kiểm đối với học sinh vi phạm luật lệ ATGT. Song cũng như Trường THPT Việt Bắc, việc vi phạm chỉ xảy ra trên đường, nhà trường không kiểm soát hết được. Thông qua Báo Lạng Sơn và các phương tiện thông tin đại chúng, thầy Hiệu trưởng rất mong lực lượng CSGT lập các chốt và tuần tra xử phạt nghiêm để răn đe, khi xử phạt cần thông báo về nhà trường để nhà trường xử lý kỷ luật với mức độ thấp nhất là hạ một bậc hạnh kiểm.
Theo ông Hoàng Đức Tú, Phó trưởng Công an thành phố Lạng Sơn, lực lượng chức năng đã rất quan tâm đến hiện tượng này và đã chỉ đạo lực lượng CSGT, Công an các phường phối hợp với các nhà trường để tăng cường giáo dục ý thức chấp hành luật lệ ATGT cho học sinh, mà trước hết là đội mũ BH khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện; không đi xe gắn máy hàng ba hàng tư trên đường, không vượt đèn đỏ, dừng xe sai làn đường… Cùng với tuyên truyền, trong năm 2013, lực lượng CSGT thành phố đã xử phạt trên 10 trường hợp vi phạm, trong đó phần lớn là học sinh. Tuy vậy, do lực lượng “mỏng” lại làm nhiều việc, nhất là trong tháng cuối năm, tết Nguyên đán, tháng lễ hội… nên vẫn chưa thực hiện kiểm tra xử lý được nhiều. Sau những lễ hội tháng Giêng, lực lượng CSGT thành phố sẽ tập trung tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm ATGT, trong đó chú trọng đối tượng học sinh đi xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ BH, giăng hàng ba hàng tư, vượt đèn đỏ, dừng xe sai làn. Không chỉ xử phạt vi phạm, công an còn thông báo vi phạm về nhà trường để nhà trường có biện pháp xử lý kỷ luật.
Học sinh vi phạm trật tự ATGT một cách rất “hồn nhiên” và thường xuyên nên không thể nói là đó là các hoạt động ngoài nhà trường mà cán bộ, giáo viên không biết. Vấn đề là có sâu sát hay không và việc xử lý có nghiêm khắc để thêm tính răn đe hay không? Được biết, trong học kỳ I vừa qua, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt của Trường THPT Việt Bắc là 68,55%, của Trường THPT chuyên Chu Văn An là 94,44%. Một tỷ lệ cao như vậy, chứng tỏ 2 trường này vẫn chưa thật sự quan tâm đến các hành vi ngoài nhà trường của học sinh. Và như vậy, việc học sinh vi phạm trật tự ATGT sẽ vẫn tiếp tục diễn ra mà không biết đến bao giờ mới được chấm dứt?
MINH HỒNG
Ý kiến ()