Học nghề cũng sẽ có thu nhập cao
Thợ giỏi tay nghề không sợ thất nghiệp, thu nhập cũng cao và ổn định... Đó là ý kiến của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân tại cuộc trao đổi với báo chí bên lề Hội thi tay nghề quốc gia lần thứ bẩy, năm 2012.Hỏi: Xin ông cho biết ý nghĩa Hội thi Tay nghề quốc gia lần năm nay?Ông Dương Đức Lân: Hội thi tay nghề quốc gia để tìm ra những thí sinh giỏi nghề, tiến tới dự thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế. Chương trình đã tạo ra một sân chơi, và cũng hình thành phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” ở nhiều các đơn vị. Trước khi các thí sinh đến sân chơi thi tay nghề quốc gia, các địa phương, bộ, ngành, cơ quan đã hỗ trợ thí sinh rèn luyện tay nghề để tham dự kỳ thi hai năm một lần này. Hội thi tay nghề quốc gia lựa chọn những người có kỹ năng nghề đỉnh cao (top skilled) của Việt Nam trong một lĩnh vực nhất định. Sau đó, thí sinh đoạt giải có thể tập huấn tham...
Thợ giỏi tay nghề không sợ thất nghiệp, thu nhập cũng cao và ổn định… Đó là ý kiến của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân tại cuộc trao đổi với báo chí bên lề Hội thi tay nghề quốc gia lần thứ bẩy, năm 2012.
Hỏi: Xin ông cho biết ý nghĩa Hội thi Tay nghề quốc gia lần năm nay?
Ông Dương Đức Lân: Hội thi tay nghề quốc gia để tìm ra những thí sinh giỏi nghề, tiến tới dự thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế. Chương trình đã tạo ra một sân chơi, và cũng hình thành phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” ở nhiều các đơn vị. Trước khi các thí sinh đến sân chơi thi tay nghề quốc gia, các địa phương, bộ, ngành, cơ quan đã hỗ trợ thí sinh rèn luyện tay nghề để tham dự kỳ thi hai năm một lần này. Hội thi tay nghề quốc gia lựa chọn những người có kỹ năng nghề đỉnh cao (top skilled) của Việt Nam trong một lĩnh vực nhất định. Sau đó, thí sinh đoạt giải có thể tập huấn tham gia hội thi tay nghề ASEAN và sân chơi lớn hơn là kỳ thi tay nghề thế giới năm 2013 diễn ra tại thành phố Leipzig, CHLB Đức.
Việt Nam có sáu lần tham gia thi tay nghề ASEAN và ba lần tham gia hội thi tay nghề thế giới. Trong khu vực, chúng ta đã hai lần giành ngôi quán quân, còn ở cấp thế giới chưa đoạt giải cao nhưng qua các lần thi, chúng ta có cơ hội học hỏi, tiếp cận, cập nhật nhiều công nghệ, vật liệu, kỹ thuật mới giúp cải thiện trình độ, năng suất lao động và kỹ thuật. Do đó, có thể nói tất cả hoạt động này nhằm hướng tới việc hình thành một đội ngũ lao động trẻ có tay nghề cao, góp phần tăng năng suất lao động cũng như khả năng cạnh tranh, đẩy nhanh sự phát triển kinh tế của đất nước.
Hỏi: Những nghề dự thi lần này được lựa chọn theo tiêu chí nào?
Ông Dương Đức Lân: Cuộc thi năm nay sẽ có 21 nghề thi, đều là những nghề thông dụng và sử dụng nhiều lao động. Đó cũng là các nghề sẽ tổ chức trong cuộc thi tay nghề ASEAN thể hiện mức phổ biến trong khu vực. Điều này khá quan trọng vì đến năm 2015, cộng đồng ASEAN sẽ công nhận lẫn nhau về kỹ năng nghề. Lao động trong khu vực có thể di chuyển, làm việc trong các nước của khối.
Hỏi: Làm gì để cuộc thi tay nghề góp phần thay đổi tư duy, thu hút nhiều bạn trẻ học nghề nhiều hơn?
Ông Dương Đức Lân: Các cuộc thi tay nghề quốc gia, khu vực hay quốc tế còn mang ý nghĩa tôn vinh những người có tay nghề cao. Họ sẽ được tôn trọng, tương lai sáng sủa, thu nhập cao. Dần dần, xã hội cũng sẽ thấy rằng, để thành công trong cuộc đời không nhất thiết chỉ có con đường duy nhất là vào đại học. Học nghề và giỏi nghề cũng có triển vọng.
Hỏi: Thực tế là có nhiều cơ sở đào tạo, nhưng khi nhận sinh viên tốt nghiệp, các công ty – doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại? Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Dương Đức Lân: Đó cũng là một vấn đề của xã hội. Trong những năm gần đây, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã định hướng đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội. Việc xây dựng hơn 200 bộ chương trình khung cũng có sự tham gia của doanh nghiệp. Trong đó, mỗi nghề có các tiêu chí đòi hỏi học viên phải biết những gì, làm được ở mức độ nào. Những năm gần đây, việc dạy, thực hành nghề và công việc thực tế tại các doanh nghiệp đã gần nhau hơn, khoảng cách không quá xa như trước đây. Chúng ta đang hướng tới dạy nghề theo luật cung- cầu và cũng là một cách làm thay đổi căn bản, toàn diện trong hoạt động dạy nghề giai đoạn 2011-2020.
Hỏi: Ông nhận xét gì về trình độ và tay nghề của người lao động Việt Nam?
Ông Dương Đức Lân: Năm ngoái, chúng tôi có thực hiện một cuộc điều tra. Và các doanh nghiệp vẫn đánh giá thấp kỹ năng của người lao động. Hiện nay, cần bổ sung một số kỹ năng mềm, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, tính kỷ luật trong công việc…Có lẽ các nhà đầu tư kêu nhiều về những kỹ năng đó hơn là khả năng làm việc.
Hỏi: Tư tưởng “thích vào đại học” dường như là rào cản lớn nhất trong xã hội, ông có lời khuyên nào cho người trẻ?
Ông Dương Đức Lân: Tôi nghĩ nên có một chính sách phân luồng tốt hơn. Tại nhiều quốc gia khác, Nhà nước sẽ định hướng tỷ lệ học sinh sau trung học cơ sở và tỷ lệ học lên THPT không phải gần 100% như chúng ta hiện nay, chỉ 20-30%, còn lại vào trường nghề. Chúng tôi có tham khảo mô hình của một số nước như Đức, Anh, hay Nhật Bản, Australia..
Trong Quyết định số 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020, Chính phủ có giao cho Tổng cục Dạy nghề hoàn thành Khung trình độ nghề quốc gia, và Bộ Giáo dục – Đào tạo thực hiện khung trình độ quốc gia, trong đó có khung trình độ học nghề.
Hỏi: Xin hỏi ông, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trường nghề có việc làm như thế nào?
Ông Dương Đức Lân: Các nghề kỹ thuật gần như 100% có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Có công ty, hiện nay sinh viên đi thực tập tốt nghiệp cũng được trả lương.
Nhu cầu nhận sinh viên có nghề là rất cao. Năm 2010, khoá cao đẳng nghề đầu tiên với 23 nghìn sinh viên tỷ lệ có việc làm cũng cao.
Theo Nhandan
Ý kiến ()