Học nghề: Con đường bao giờ tới đích?
Mỗi năm cả nước có một lực lượng thanh niên đến tuổi lao động chưa được đào tạo nghề nghiệp lên đến hàng trăm nghìn người. Đa phần trong số đó là các học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS) không vào học Trung học phổ thông (THPT), học sinh bỏ học THPT, thi trượt tốt nghiệp lớp 12, trượt cao đẳng và đại học… Hiệu quả nhất về mặt kinh tế là số học sinh này được đi theo hướng học nghề. Nhưng trên thực tế, việc phân luồng học sinh trong những năm qua hết sức khó khăn, học sinh đi học nghề hiện nay chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 5-6% so với mục tiêu đề ra là 30%. Ba năm qua, có những trường nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không tuyển đủ chỉ tiêu, có trường đứng trước nguy cơ giải thể mặc dù nguồn tuyển trên địa bàn không thiếu.
Được chú trọng nhưng chưa hiệu quả
Phân luồng giáo dục được hiểu là việc tạo ra các hướng đi tiếp tục phù hợp cho học sinh sau khi tốt nghiệp một cấp học, bậc học. Phân luồng giáo dục có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi không chỉ liên quan đến sự nghiệp của mỗi cá nhân mà còn liên quan đến quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội.
Ý nghĩa của phân luồng là ở chỗ mỗi một học sinh có những thiên hướng, năng lực, sở trường, nguyện vọng, sở thích, hoàn cảnh khác nhau, việc các em chọn đúng hướng đi theo những luồng được cơ cấu hợp lý sẽ vừa phát huy được khả năng cá nhân vừa mang lại lợi ích cho xã hội. Theo Theo GS.TSKH Nguyễn Minh Đường: “Phân luồng nhằm tạo cơ hội cho mỗi học sinh đều có thể lựa chọn cho mình được con đường nghề nghiệp thích hợp với sở trường, năng lực, hoàn cảnh của mình, đồng thời phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực của đất nước, của từng địa phương.” Phân luồng học sinh hợp lý có lợi cho cả cá nhân và xã hội.
Chính vì ý nghĩa quan trọng này, công tác phân luồng đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng. Mới đây nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành TƯ khóa XI về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, nhiều văn bản của Quốc hội đã phê duyệt về vấn đề này cũng như đã có các văn bản chỉ đạo của Chính phủ cũng như các bộ ngành.
Tuy nhiên cho đến nay, công tác phân luồng học sinh vẫn “hết sức khó khăn”- theo đánh giá của thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga, và thứ trưởng cũng đưa ra số liệu dẫn chứng chỉ có 5-6% học sinh sau THCS đi học nghề trong khi mục tiêu đề ra là 30%.
Theo thống kê của Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ GD-ĐT) ngày càng nhiều học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn học tiếp THPT và nhóm này đang chiếm đa số. Năm học 2011-2012, tỷ lệ này là 80,4%. Trên thực tế, nhiều học sinh do hoàn cảnh gia đình hoặc năng lực không phù hợp đã bỏ học khi chưa hoàn thành bậc THPT. Như vậy, riêng năm học 2011-2012, sau khi tốt nghiệp bậc học THCS chỉ có gần 1,9% học sinh vào TCCN, 4% đi học nghề và gần 14% tham gia vào thị trường lao động mà không được đào tạo về nghề nghiệp.
Học sinh ở bậc THPT sau khi tốt nghiệp thì đều có xu hướng thi vào các trường ĐH-CĐ chứ không lựa chọn học nghề hay TCCN. Theo kết quả Khảo sát về phân luồng học sinh sau THPT của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam năm 2011 cho thấy có 97,7% học sinh của các trường THPT trên 10 tỉnh thành phố đại diện cho ba vùng Bắc, Trung, Nam cho biết sẽ thi vào ĐH. Ở bốn tỉnh là Hưng Yên, Thanh Hóa, Đồng Nai, Quảng Nam 100% học sinh PTTH cho biết sẽ chọn con đường học ĐH.
Thực tế cho thấy các học sinh tốt nghiệp THPT thường dự thi ĐH-CĐ, nếu không đỗ mới chuyển sang học TCCN hoặc học nghề, phần lớn ở nhà ôn tập chờ năm sau thi tiếp hoặc đi làm.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy năm học 2011-2012 quy mô tuyển sinh vào ĐH, CĐ đã tăng lên so với các năm trước, đưa số sinh viên vào học chiếm 46,5%, học sinh tốt nghiệp THPT, vào học TCCN chiếm 22,4%, số còn lại đi học nghề hoặc chưa tiếp tục học.
Ước tính, cả nước mỗi năm có khoảng 350.000 học sinh tốt nghiệp THPT không tiếp tục vào ĐH, CĐ hoặc TCCN; học sinh bỏ học, trượt tốt nghiệp THPT. Nếu các em được đi học nghề sớm thì rõ ràng sẽ hiệu quả hơn về mặt kinh tế.
Theo GS-TSKH Nguyễn Minh Đường, nếu không thực hiện được phân luồng học sinh phổ thông, nhất là sau THCS thì chúng ta có nguy cơ không có được đội ngũ nhân lực đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và trình độ để tiến hành công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Không chỉ do nhận thức
Để thực hiện phân luồng tốt và hiệu quả, chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng phải thừa nhận đây là vấn đề rất lớn và rất khó. Bởi vốn dĩ việc này chưa được coi trọng. “Không phải ngành giáo dục mà cả xã hội chưa coi trọng. Lịch sử, văn hóa của chúng ta coi trọng bằng cấp, cả gia đình hy sinh để cho con cháu được học hành, nghề nghiệp chưa phải là cái coi trọng.” – Bộ trưởng phát biểu tại Hội nghị phân luồng học sinh sau THCS và THPT cuối tháng 12-2013 tại Hà Nội.
Tại Hội nghị các chuyên gia cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong công tác phân luồng học sinh nhưng quan trọng vẫn là nhận thức của gia đình, xã hội và học sinh về vai trò giáo dục nghề nghiệp chưa thấu đáo. Tâm lý thanh niên cũng như phụ huynh chuộng bằng cấp và coi đại học là con đường duy nhất để thăng tiến cùng với sự chậm đổi mới tư duy giáo dục khiến cho giáo dục nghề nghiệp chưa phát triển đúng như cần phải có.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, chúng ta đã coi việc phân luồng học sinh như nhiệm vụ buộc phải làm và phải cân đối lại cũng như quyết tâm đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh nhưng từ nhiều năm nay vẫn gặp nhiều rào cản. “Rào cản lớn nhất hiện nay là tâm lý của thí sinh và phụ huynh. Thứ hai là sự tham gia của các doanh nghiệp trong tạo công ăn việc làm cho các thí sinh phối hợp với các trường đào tạo chưa tốt đã khiến cho thí sinh không mặn mà.”
Cho rằng con đường để đi lên THPT, ĐH, CĐ có thể là một con đường chính, rộng mở, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn ví học nghề là một “con đường mòn nho nhỏ ngoằn nghèo, không ai đi. Chỉ có sa cơ lỡ vận thì mới bước vào”. Nhận thức về học nghề đến nay vẫn là một vướng mắc nhưng Bộ trưởng cũng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng không ai đi học nghề: “Chúng ta đang hô hào giải pháp như thế, nhưng nhìn lại con mình có vào đâu. Vì sao không vào vì chính mình cũng thấy nó chưa ổn, chưa an toàn. Thế thì phải tạo lập một con đường an toàn, tới đích, có thể dài thời gian một chút nhưng giá phải rẻ hơn, chi phí phải rẻ hơn, cuốc sống ổn định hơn, phù hợp với gia đình người ta.”
Những chính sách ưu đãi cho đào tạo nghề hiện nay chưa đủ thuyết phục phụ huynh lẫn học sinh cũng là nguyên nhân khiến cho việc phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề vẫn trầy trật. Ngoài việc xây dựng, đổi mới chương trình giáo dục hướng nghiệp cho các trường THCS phù hợp để các em có nhận thức đầy đủ về việc chọn nghề phù hợp khi tốt nghiệp THCS thì cũng cần có những chính sách đảm bảo về việc làm, cơ hội thăng tiến, khả năng tiếp tục học cao lên cho các em. Theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, hiện vẫn thiếu chính sách khuyến khích học sinh học nghề và các trường nghề tuyển học sinh. Nhà nước đã có chương trình cho học viên học nghề vay 8,6 triệu đồng/năm để trang trải học phí nhưng nhiều gia đình gặp khó khăn vẫn không có tiền cho con học, nhiều gia đình cũng chưa nắm được thông tin này để tiếp cận nguồn cho vay.
Việc tìm ra cơ chế gắn kết các doanh nghiệp với trường nghề, hoạt động đào tạo nghề được xem như một trong các giải pháp. TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD và ĐT cho biết qua kinh nghiệm về phân luồng giáo dục trên thế giới thì: “Hãy khuyến khích doanh nghiệp phân luồng gắn với việc làm”.
Hiện trong Luật Dạy nghề chưa có quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp về việc đóng kinh phí cho việc duy trì và phát triển hệ thống dạy nghề. Nhiều ý kiến cho rằng cần cho phép doanh nghiệp được trừ khi tính thu nhập chịu thuế đối với chi phí hoạt động đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân và cho người lao động của doanh nghiệp.
Ngoài ra cũng cần tính đến việc tạo điều kiện liên thông của các chương trình đào tạo trong các trường TCCN, trường dạy nghề lên trình độ CĐ, ĐH đáp ứng nguyện vọng chính đáng về cơ hội học lên cao của các em.
Như vậy, để làm tốt công tác phân luồng học sinh sau THPT và THCS, bên cạnh việc thay đổi nhận thức về đào tạo nghề nghiệp trong tâm lý của phụ huynh, học sinh và xã hội, điều cần nhất vẫn là một chính sách vĩ mô, tổng thể, quy hoạch phân luồng hợp lý. Nói như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là cần sự phối hợp nhiều bộ ngành để giải chính xác đề bài: “Đào tạo bao nhiêu người, đào tạo ở đâu, giai đoạn nào, trình độ nào?” rồi đi theo là các cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ học sinh, nhà trường thực hiện công tác đào tạo và cả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nhân lực đào tạo nghề.
Hy vọng trong thời gian tới, Bộ GD và ĐT và các bộ, ban, ngành liên quan sẽ sớm đưa ra được những lời giải, để những học sinh lựa chọn con đường “nho nhỏ” ấy ít nhất cũng hình dung được nó sẽ dẫn cuộc đời mình về đâu.
Ý kiến ()