Học múa ở VN có đáng sợ như tự sự của sinh viên TQ?
Quy định rất chặt chẽ về trang phục tập luyện, trơ cảm xúc giới tính, ký túc xá nam nữ riêng biệt, thay đồ biểu diễn trước nhau và nhiều bí mật hậu trường của sinh viên múa ở Việt Nam được chính giảng viên Bích Ngọc của Cao đẳng múa VN tiết lộ.
Sinh năm 1985, đã từng tỏa sáng trên sân khấu múa Ballet rồi xuất hiện trong một số bộ phim tạo được dấu ấn như Ban mai xanh, Quán kem tình nhân…rồi đóng quảng cáo, chụp hình thời trang, cuộc sống đang trải ra cho Bích Ngọc quá nhiều cơ hội để trở thành một người nổi tiếng và gần gũi hơn với công chúng. Thế nhưng, chỉ vì niềm đam mê từ nhỏ, hấp lực của những giai điệu, những vũ khúc đã kéo tài năng múa này về trường Cao đẳng múa VN và trở thành một giảng viên của bộ môn múa dân gian dân tộc. Tuy nhiên, cô gái năng động này hoàn toàn tự tin với công việc hiện tại. Cô cũng khẳng định đang sống được rất tốt bằng nghề của mình.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi xoay quanh những chuyện riêng của Bích Ngọc và cả hậu trường học sinh múa ở Việt Nam sau khi tâm sự của một sinh viên múa ở Trung Quốc đăng trên một tờ báo Việt Nam gây sốc trong dư luận.
Tự sự này, đăng trên tờ Sina, nhắc đến những “nguyên tắc ngầm” đáng sợ trong sinh viên một trường múa, như: Nữ sinh nếu để tăng cân thì bị phạt múa nude trước mặt các nam sinh, chỉ mặc độc một chiếc quần lót và biểu diễn các động tác xoạc, đá chân… Hay những nữ sinh học kém nhất phải làm nhiệm vụ giải tỏa những ức chế tình dục cho một số nam sinh… Những câu chuyện này khiến người ta đặt dấu hỏi tò mò và nghi hoặc về thế giới của sinh viên trường múa tại Việt Nam.
Trơ cảm giác giới tính, không múa nude và những bí mật khác
– Thưa chị, những quy định cho học sinh múa ở trường Cao đẳng múa có khác nhiều các trường khác?
– Có, khác nhiều lắm. Quy định học sinh lớp bé đến lớp lớn đều học từ 7h sáng đến 12 giờ trưa, nghỉ ăn trưa một tiếng lại học đến 6 giờ tối. Hôm nào cũng thế. Các em ngoài học chuyên môn còn phải học văn hóa. Tối về lại ôn bài nên chẳng có thời gian để làm việc khác.
– Gần đây, người ta chú ý đến một bài tự sự của sinh viên múa Trung Quốc với những quy định khắt khe từ việc mặc đồ. Ở Việt Nam, quy định về trang phục tập luyện, đầu tóc thì như thế nào?
– Các quy định về trang phục khi học cho cả nam lẫn nữ đều chặt chẽ. 18 em tập mà một em thiếu giày tập, thậm chí sẽ cho ra ngoài lớp luôn. Quy định về việc mặc đồ cũng tùy từng môn. Nếu là học múa Ballet sẽ mặc một chiếc váy mỏng và quần tico bó sát. Con trai cũng bắt buộc phải mặc quần đùi tico bó sát. Bắt buộc như vậy vì phải căn ke từng centimet động tác chính xác trên người. Nếu mặc rộng ra một chút là giáo viên không nhìn thấy và không thể sửa được.
Và đó là thói quen rồi. Con trai thì có thể mặc áo hoặc không. Giày tập là không thể thiếu. Riêng chuyện tóc để mái cũng cấm tiệt. Lớp bé, học sinh không được nhuộm tóc, không được cắt tóc ngắn, không được để mái mà lúc nào cũng búi ngược. Giảng viên đi dạy cũng phải như vậy. Phải rèn tính kỷ luận như vậy từ bé vì khi làm nghệ sỹ múa thì phục trang rất quan trọng. 10 người múa như một, nếu một người thiếu phục trang là không có thể lên sân khấu rồi. Như vậy, rèn luyện kỷ luật ngay từ bé là một điều bắt buộc với học sinh múa.
– Những bộ đồ sát mỏng dễ tạo ra những cảm giác về giới tính giữa hai người nam nữ, việc này phải hạn chế thế nào?
– Việc này có nhiều người rất thắc mắc. Nhưng ở trong trường, tuyển học sinh vào lớp múa đôi là tuyển từ bé, từ khi các em còn rất nhỏ tuổi. Nó giống như một ngôi nhà, học chung nhưng như trong một gia đình. Các em cũng ý thức được giới tính nhưng cũng giống như ngành diễn viên, sân khấu, nghệ sỹ còn phải thể hiện bằng tình cảm, tiếng nói, ánh mắt, hành động, nếu cứ yêu nhau hết thì chết.
Khi dạy múa thì chúng tôi dạy cho học sinh đây là tác phẩm chứ không phải ngoài đời. Ở trường, ký túc xá nam và nữ cũng tách riêng. Hơn nữa, đã sống, đã quen nhau từ nhỏ nên khi vào lớp hay có đi qua các lớp thấy hình ảnh ấy cũng là rất bình thường, chẳng có cảm giác trai gái.
Ý kiến ()