Học lại một lời dạy của Bác Hồ
Bác Hồ thăm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958 – Ảnh: TƯ LIỆU |
Trong Di chúc của Người ở những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, trước lúc chuẩn bị “ra đi”, Người viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần – kiệm – liêm – chính – chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Vậy thì, lãnh đạo là gì? Bác Hồ nói – đó là nói theo cách dân dã là dẫn đường chỉ lối. Hiểu theo cách lý luận, đó là sự hoạch định mục tiêu, nhiệm vụ, định ra phương pháp, biện pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đó.
Ở tầm vĩ mô như đối với Đảng ta, đó là sự vận dụng thế giới quan, phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng của đất nước trong bối cảnh cục diện thế giới ở từng thời kỳ mà vạch ra cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược cùng những chính sách chủ trương để thực hiện cương lĩnh, đường lối đó. Ở tầm vĩ mô, đối với cấp tổ chức thực hiện cụ thể, là sự quán triệt, vận dụng tư tưởng chỉ đạo của đường lối vào hoàn cảnh thực tiễn của từng khu vực, địa phương, đơn vị mà định ra chủ trương, biện pháp thích hợp để thực thi nhiệm vụ.
Vấn đề củng cố, xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng của đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và tiếp tục đẩy mạnh việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là cần thiết và cấp bách phải thực hiện đến nơi đến chốn để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của nhiệm vụ mới.
Bác Hồ nói: là đầy tớ thì trước hết là lòng trung thành với chủ là nhân dân. Thể hiện đức trung phải hiểu biết lợi ích, nguyện vọng, tâm tư của dân và phải biết làm gì, làm thế nào để phục vụ đắc lực đáp ứng nguyện vọng, tâm tư ấy. Lợi ích của dân vận động, phát triển theo thời gian, theo tiến trình cách mạng. Khi mất nước thì lợi ích tập trung vào phá ách gông cùm “Thà hy sinh tất cả, nhất quyết không chịu làm nô lệ”. Khi buộc phải chấp nhận chiến tranh để giữ lấy độc lập, chủ quyền của Tổ quốc thì lợi ích là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dù chiến tranh kéo dài mười năm, hai mươi năm, hay lâu hơn nữa. Ngày nay đất nước đã độc lập thống nhất, giang sơn đã thu về một mối, nhu cầu của nhân dân sau những năm dài chiến tranh bị dồn nén nay mở ra. Mưu cầu một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc là lợi ích hoàn toàn chính đáng.
Bác Hồ đã nói “Nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Vậy thì, trung với chủ thì phải hiểu lợi ích, nguyện vọng chính đáng của dân và tìm mọi cách để đáp ứng ngày càng tốt hơn những lợi ích, nguyện vọng đó.
Nói tới lợi ích của dân cũng cần và nên hiểu theo cách Bác vận dụng rất hay tư tưởng của người xưa. Mạnh Tử nói: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Bác dịch ra:
Lợi ích dân là trước hết
Lợi ích của Chính phủ là thứ sau
Lợi ích của vua là không có gì
Và Người dạy “Ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Lòng trung là như vậy.
Cái đức thứ hai của đầy tớ là tận tụy phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Các lớp cách mạng tiền bối, học trò và đồng chí của Bác đã thực hiện tuyệt vời tinh thần đó, để lại những tấm gương sáng cho hậu thế. Quân đội ta do Bác và Đảng tổ chức, lãnh đạo, rèn luyện cũng đã xây dựng cho mình truyền thống quý báu đó: vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh. Trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tụy phục vụ nhân dân quên mình, hy sinh, xả thân cho sự nghiệp vì dân, vì nước.
Di chúc của Bác trước lúc ra đi, về phần việc riêng đã nêu một tấm gương về tinh thần phục vụ “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Như vậy là đầy tớ cho dân, công bộc cho dân là phải trọn đời vì nhân dân phục vụ.
Người xưa cũng đã nói: “Quan giả chi công bộc”, nghĩa là người quan là đầy tớ của dân – tất nhiên phải là liêm quan, thanh quan. Đối với đảng viên ta, lãnh đạo giỏi cũng là đầy tớ giỏi và ngược lại làm đầy tớ giỏi cũng là lãnh đạo giỏi vậy. Vì muốn lãnh đạo giỏi thì cái trí phải dựa trên nền của cái tâm; đầy tớ theo đúng nghĩa công bộc thì cái tâm phải được trí dẫn đạo. Trí và tâm hòa quyện trong nhân cách đảng viên, thể hiện ở tầm nhìn rộng, cách nghĩ xa. Đồng thời cũng thể hiện ở tấm lòng trong những việc làm hàng ngày của người lãnh đạo đối với quần chúng nhân dân. Cái ăn, cái mặc, việc học hành, cụ thể đến mắm muối tương cà, thếp giấy, cây bút của dân… lãnh đạo đều phải quán xuyến giải quyết- đâu chỉ có vạch ra đường lối, chủ trương chung chung. Chẳng vậy mà Bác Hồ đã dạy “Để dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi, để dân dốt, Đảng, Chính phủ đều có lỗi”. Như vậy làm lãnh đạo, làm đầy tớ đúng như lời dạy của Người thật khó.
Tiếc thay lời dạy đạt lý thấu tình thâm thúy mà mộc mạc ấy, không ít người trong đảng viên ta xem nhẹ, không chịu tìm hiểu học tập làm theo, cố tình không chịu tìm hiểu, thậm chí làm ngược lại hoàn toàn.
Chúng ta mừng đất nước đổi mới, Đảng vững vàng kiên định con đường cách mạng theo tư tưởng Mác – Lê ninh, tư tưởng Hồ Chí Minh, những thành tựu bước đầu cơ bản rất đáng tự hào.
Niềm tin của dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước ngày càng được củng cố. Nhưng những nguy cơ còn đó. Để triệt, diệt nguy cơ, điều quyết định là sự lỗ lực của toàn Đảng, đảng viên thực sự là người lãnh đạo giỏi, người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Thực hiện được lời dạy của Bác Hồ là cái đức lớn của Đảng, cái phúc lớn của dân. Mong rằng từ thực tiễn sống động mà hiểu sâu, nắm chắc, thực hiện đúng lời dạy của Người trong tình hình mới của đất nước nhằm đạt cho được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ý kiến ()