“Học kỳ phổ cập” ở Trấn Yên
LSO-Những tháng mùa hè, cùng với người nông dân hối hả trên những cánh đồng thu chiêm làm mùa, các thầy cô giáo Trường THCS xã Trấn Yên (Bắc Sơn) cũng đang khẩn trương “vào vụ phổ cập”.
Cô giáo Dương Thị Hồng hướng dẫn học sinh lớp 8 bổ túc THCS thôn Lân Cà, xã Trấn Yên làm bài |
Đã hết nửa thời gian của đợt nghỉ hè, nhưng cô giáo Dương Thị Hồng vẫn chiếc cặp giáo án sau lưng, vượt hàng chục cây số đường đèo dốc để đến với Lân Cà. Hôm nay cũng vậy, do có hai tiết đầu nên cô đến sớm hơn để chuẩn bị, cũng là để ngăn học sinh không bỏ tiết. Số là vào ngày chợ phiên Trấn Yên, học sinh của lớp bổ túc này thường có dăm ba em nghỉ học để rủ nhau đi chợ. Tuy vậy, tiết học của cô vẫn có 5 em nghỉ học. Lớp 8 bổ túc tại đây có 18 học sinh, nhưng giờ chỉ còn 13 em giữa cái nhà văn hóa rộng thênh thang, không gian như rộng thêm ra.
Năm học 2012-2013, huyện Bắc Sơn có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất so với tỷ lệ bình quân chung của cả tỉnh; và cùng với các xã Nhất Tiến, Tân Tri, Trấn Yên có tỷ lệ học sinh bỏ học thuộc diện cao nhất huyện: 12 em. Là xã có nhiều thôn bản và dân số đông nhất huyện Bắc Sơn, trong đó có 6 thôn bản người Dao, trong nhiều năm Trấn Yên vẫn giữ được chuẩn phổ cập THCS, song chất lượng chuẩn thấp (72,12%), nên thêm một học sinh THCS bỏ học là ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì chuẩn phổ cập THCS tại địa phương. Hầu hết học sinh bỏ học là con em đồng bào Dao; phân tích các trường hợp này có thể thấy do đường xá đi lại khó khăn, do nhà nghèo và muôn vàn lý do khác. Cháu Dương Thị Ngoan, 13 tuổi, học sinh của lớp bổ túc nói rằng gia đình cháu có 8 anh chị em, cháu là con thứ 7, nhưng do anh chị em đã ở riêng hết nên cháu phải nghỉ học ở nhà trông nhà. Vả lại học bổ túc, năm 2 lớp vừa nhanh, vừa gần nhà. Còn cháu Đặng Hữu Tiên, 17 tuổi nói rằng, cũng đã theo học hệ chính quy tại trường ngoài xã, song vì thương bố mẹ vất vả nên nghỉ học ở nhà giúp gia đình.
Làm việc với chúng tôi, ông Triệu Nho Tiên, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Lân Cà nói rằng, toàn thôn có 58 hộ dân hầu hết sống rải rác (Cà 1, Cà 2), nhiều gia đình có từ 2-3 cái nhà trong các lân lũng. Từ khi con đường Hữu Liên- Trấn Yên được nhựa hóa, học sinh đi lại học hành đã thuận lợi hơn, song do thiếu lao động, nhiều cháu phải bỏ học để giúp gia đình làm ruộng làm nương hoặc chỉ đơn giản là ở nhà để…trông nhà cho bố mẹ đi làm. Cũng có một nguyên nhân sâu xa là từ xưa đến nay, Lân Cà chưa có thanh niên nào học hành đến nơi đến chốn, đi làm ở bên ngoài và có thu nhập khá; chưa có “gương” để lớp trẻ soi vào mà cố gắng.
Cô giáo Nguyễn Thị Ninh, Hiệu trưởng Trường THCS Trấn Yên bày tỏ sự lo lắng thực sự nếu tình trạng bỏ học vẫn tiếp diễn. Cô cho rằng, huy động và duy trì lớp bổ túc THCS như thế này chỉ là giải pháp tình thế, bởi cho dù rất cố gắng, chất lượng cũng không thể bằng hệ chính quy. Và chắc chắn rằng, khi hết khóa học “2 hè-4 lớp”, thì chữ nghĩa và con số cũng sẽ rơi rụng qua từng vụ nương rẫy. Trong những năm vừa qua, nhà trường đã rất cố gắng tham mưu cho UBND xã, các ngành đoàn thể trong hệ thống chính trị vận động người dân các thôn bản người Dao cho con em đến trường. Bản thân cô và đồng nghiệp đi đến từng thôn bản để vận động các cháu đi học cấp THCS; tích cực dạy bù, dạy thêm để phụ đạo học sinh yếu, kém, nhằm chống lưu ban, bỏ học, nâng cao hiệu quả đào tạo của cấp học. Vận dụng tối đa thực tế để thực hiện chế độ chính sách cho học sinh bán trú, dùng tiền hỗ trợ bán trú để nấu cơm cho học sinh ở xa…Tuy nhiên tình trạng bỏ học vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Làm việc với chúng tôi, sau khi “phác thảo” toàn bộ “bức tranh” giáo dục Trấn Yên với những “mảng đậm nhạt” khác nhau, đồng chí Hoàng Văn Chẩn, Chủ tịch UBND xã Trấn Yên cho rằng, đối với Trấn Yên, nhất là vùng đồng bào Dao, học sinh cấp THCS đã bước vào tuổi lao động, thậm chí nhiều cháu đã ngấp nghé tuổi lấy vợ lấy chồng, nên cũng chẳng thiết tha lắm với việc học lên. Đặc điểm ấy cộng với sự nghèo và khó khăn về cơ sở hạ tầng (toàn bộ 6 thôn người Dao vẫn chưa có điện lưới, đường giao thông của 4 thôn chỉ đi được vào mùa khô…), nền sản xuất tự cung tự cấp từ bao đời đã hạn chế tầm nhìn của đồng bào về sự học. Cần có giải pháp lâu dài hơn như tăng cường đầu tư CSVC cho những vùng này, trước hết là điện, đường. Về giáo dục, song song với ưu tiên xây dựng phân trường tiểu học khang trang hơn, cần thành lập được Trường phổ thông dân tộc bán trú trên cơ sở chuyển đổi trường THCS hiện nay. Muốn vậy, ngành GD&ĐT Lạng Sơn, cấp ủy, chính quyền và phòng GD&ĐT huyện cần có sự vận dụng tối đa các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh để Trấn Yên hội đủ các yếu tố chuyển đổi loại hình trường. Trước mắt là Quyết định số 04/2013/QĐ-UBND, ngày 18/4/2013 của UBND tỉnh về ban hành tiêu chí và địa bàn xét duyệt học sinh bán trú tỉnh Lạng Sơn. Được như vậy, những “học kỳ phổ cập” như thế này sẽ bớt dần đi và Trấn Yên sẽ nâng cao chất lượng phổ cập THCS để nâng cao chất lượng lao động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi tạm biệt Lân Cà khi trong nhà văn hóa thôn vẫn vang tiếng đọc bài của các cháu học sinh lớp 8 bổ túc. Nghe tiếng đọc văn của học sinh lớp 8 mà cứ ê a như tiếng học sinh lớp 2 tập đánh vần, tôi tự hỏi: bao giờ thanh niên Lân Cà, Lân Hoèn, Pá Ó, Nà Kéo… có một nền học vấn khá hơn để họ tự đổi đời?
Ý kiến ()