Học giả: Tổng Bí thư tái cử là minh chứng cho sự lãnh đạo xuất sắc
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đang họp để đưa ra các quyết định về đường lối, chính sách lãnh đạo trong tương lai nhằm đối phó các thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thu hút sự chú ý của đông đảo giới chuyên gia quốc tế. Theo Tiến sỹ SD Pradham, nguyên Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ, đại hội quyết định đường lối, chính sách lãnh đạo trong tương lai của Việt Nam nhằm đối phó các thách thức, cũng như tận dụng tối đa các cơ hội.
Xin trân trọng giới thiều bài nhận định của Tiến sỹ SD Pradham, đăng trên tờ Times of India.
Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức 5 năm một lần để chọn ra ban lãnh đạo mới và xác định các đường lối chính sách tổng quan hơn của đất nước.
Đại hội XIII quy tụ 1.587 đảng viên ưu tú và với sự thống nhất rất cao, đại hội đã bầu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Đó là minh chứng cho sự lãnh đạo xuất sắc của ông Nguyễn Phú Trọng đối với đất nước trong thập kỷ qua.
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã trải qua nhiều thời khắc quan trọng; và năm 2020 vừa qua là rất khó khăn đối với Việt Nam như với hầu hết các nước khác bởi đại dịch và tác động của đại dịch với sự phát triển của đất nước. Việc xem xét, đánh giá lại các chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, có 6 nhiệm vụ trọng tâm cho nhiệm kỳ mới đã được đề ra là: (I) Tăng cường xây dựng Đảng; (II) Tập trung xây dựng bộ máy Đảng, đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội; (III) Tập trung nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng cách đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; (IV) Bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong điều kiện mới; (V) Đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững; (VI) Phát huy nhân tố con người trong mọi mặt của đời sống xã hội và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra cải cách thị trường vào năm 1986 (Đổi Mới) và cố gắng chuyển tính hợp pháp chính trị từ chiến thắng quân sự sang “tính hợp pháp dựa trên hiệu quả.” Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam được chỉ ra rằng cần phải được tái cấu trúc để tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao, tìm thị trường xuất khẩu mới, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân địa phương và xử lý với khu vực nhà nước kém hiệu quả thông qua cải thiện thể chế.
Sự chuyển đổi kinh tế đã làm xuất hiện các tầng lớp xã hội và nhóm lợi ích hoàn toàn mới với những nguyện vọng riêng. Tầng lớp trung lưu có mong muốn ngày càng lớn đối với những cơ sở tín dụng tốt hơn, giảm tham nhũng và bảo đảm quyền đối với tài sản. Do đó, đây là những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016-2021.
Trong giai đoạn 2016-2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là rất đáng chú ý. Ngay cả trước khi đại dịch bùng nổ, mức tăng trưởng này cũng đã được đánh giá là một kỳ tích. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã chỉ ra ba nguyên nhân cho điều này.
Thứ nhất, Việt Nam đã thực hiện tự do hoá thương mại một cách tích cực. Thứ hai, Việt Nam đã tiếp sức cho tự do hóa quốc tế với các cải cách trong nước, thông qua bãi bỏ quy định và giảm chi phí kinh doanh. Cuối cùng, Việt Nam đã đầu tư mạnh vào nhân lực và cơ sở vật chất, chủ yếu thông qua nguồn đầu tư công. Những nỗ lực không ngừng cùng với thay đổi trong hệ thống đã mang lại nhiều kết quả nổi bật.
Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam luôn ổn định khoảng 7%. Kể cả trong thời kỳ đại dịch, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng đạt khoảng 3%. Kỳ tích kinh tế này là do Việt Nam chú trọng hơn vào lĩnh vực sản xuất, vốn được thúc đẩy bởi tự do hoá thương mại, đơn giản hoá các quy định trong nước, đầu tư vào nhân lực và cơ sở vật chất.
Điều quan trọng là tỷ lệ lạm phát của Việt Nam năm 2018 đã ổn định ở mức 3,54% và tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2,2%, thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Theo IMF, thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam giảm xuống còn 2,45% GDP vào năm 2017, và tiếp tục giảm xuống 2,16% vào năm 2018.
Việt Nam đã nổi lên trở thành một trong những điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài ở khu vực Đông Nam Á với dòng vốn FDI tăng hàng năm kể từ năm 2011, đạt 19,5 tỷ USD 2018 (tăng từ 17,1 tỷ năm 2017). Trong tình hình đại dịch như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã chuyển đi hoặc tính toán chuyển ra khỏi Trung Quốc, và Việt Nam được cho là một điểm đến yêu thích.
Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để tạo môi trường thân thiện cho các công ty công nghiệp hoạt động tại đây. Việt Nam có một lực lượng lao động thiếu kỹ năng dồi dào với mức giá rẻ, song cũng có tiềm năng tạo ra một nguồn lao động có kỹ năng thông qua đào tạo. Việc cải thiện điều kiện lao động tại Việt Nam cũng rất đáng chú ý.
Việt Nam cũng thực hiện các biện pháp cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh trong nước. Một số công ty đã bị phá sản. Việt Nam đã công bố gói hỗ trợ tín dụng trí giá 10,8 tỷ USD (khoảng 0,4% GDP) vào đầu tháng 3 năm 2020, bao gồm các chính sách cơ cấu lại thời hạn cho vay, giảm lãi suất và phí.
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng đưa ra hai gói hỗ trợ ngân sách trị giá 1,3 tỷ USD, bao gồm giảm thuế, phí cho các công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch và kéo dài thời hạn nộp thuế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ thông qua gia hạn thời hạn thanh toán tín dụng và các hình thức khác.
Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam đã giúp loại bỏ các “hủ tục” tham nhũng mà đang là những rào cản đối với sự phát triển kinh tế. Cuộc trấn áp nạn tham nhũng này do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu và được mệnh danh là “lò lửa.” Kết quả của công cuộc chống tham nhũng đã nâng cao niềm tin của người dân trong việc quản lý đất nước.
Việc Việt Nam xử lý hiệu quả đại dịch đã khiến đất nước này trở thành một quốc gia kiểu mẫu trong ứng phó với virus SARS-CoV-2. Việt Nam đã sớm thực hiện một số sáng kiến và nhận định chính xác bản chất của thách thức, coi đại dịch như kẻ thù và tuyên chiến chống lại virus SARS-CoV-2, đồng thời thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự lây lan như: đóng cửa biên giới, áp đặt các đợi giãn cách xã hội, thiết lập các cơ sở cách ly, kiểm tra và truy tìm liên hệ của những trường hợp mắc một cách nghiêm ngặt thông qua các ứng dụng trong giai đoạn đầu của dịch.
Việt Nam đã triển khai các chính sách kiểm dịch nghiêm ngặt và kết quả là chỉ có 1.500 trường hợp mắc bệnh, 35 ca tử vong trên ca nước. Việt Nam cũng cung cấp các thiết bị y tế và đồ bảo hộ cần thiết không chỉ trong khu vực mà còn ở châu Á, châu Âu, Mỹ và Nam Mỹ. Tuy nhiên, việc mới phát hiện 84 trường hợp nhiễm COVID-19 chỉ trong một ngày 28/1/2021 cho thấy vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Nhìn chung, Việt Nam đã triển khai tốt các mặt kinh tế, chính trị, phúc lợi xã hội trong giai đoạn 2016-2021. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang ở trong thời khắc quan trọng và cần có một lực đẩy lớn hơn nữa để tiếp tục đưa đất nước theo đà đi lên.
Mặc dù các mục tiêu được xác định trong năm 2016 vẫn còn phù hợp, nhưng cần có cách tiếp cận mới và cần có sự phối hợp chính sách phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hoá. Thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức mới và phức tạp. Điều này đòi hỏi phải có sự đánh giá khách quan về những tồn tại, hạn chế và có biện pháp phù hợp để loại bỏ hoặc vô hiệu hoá chúng.
Nếu muốn đạt được các mục tiêu kinh tế vào năm 2030 thì tăng trưởng GDP phải được nâng lên mức hai con số. Do đó, cần nỗ lực tận dụng lợi thế từ cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ và quyết tâm theo đuổi các cơ hội trên toàn cầu với những tính toán phù hợp để tạo thuận lợi cho kinh doanh, mở rộng cơ sở đào tạo cho lực lượng lao động tay nghề cao và phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()