Học giả Thái: Cần đưa vấn đề miền Nam Thái Lan vào thảo luận ở ASEAN
Theo giáo sư, tiến sỹ Kriengsak Chareonwongsak của Thái Lan, các nhà lãnh đạo ASEAN nên tận dụng Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2019 ở Bangkok để tìm giải pháp cho vấn đề lâu dài tại miền Nam Thái Lan.
Theo giáo sư, tiến sỹ Kriengsak Chareonwongsak , một học giả uy tín của Thái Lan, các nhà lãnh đạo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á ( ASEAN ) nên tận dụng Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2019 tại Bangkok để tìm giải pháp cho vấn đề lâu dài tại miền Nam Thái Lan.
Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn lời ông Kriengsak Chareonwongsak cho rằng nếu vấn đề Nam Thái Lan được giải quyết, nó sẽ không chỉ mang lại hòa bình cho khu vực này, mà còn có lợi cho ASEAN.
Việc đưa vấn đề này thảo luận trong các hội nghị của ASEAN 35 có nhiều thuận lợi vì tất cả các nhà lãnh đạo các nước ASEAN đều tham dự.
Ông Kriengsak Chareonwongsak nhấn mạnh Malaysia nên tiếp tục đóng vai trò giúp mang lại hòa bình cho khu vực miền Nam Thái Lan .
Chuyên gia này cũng chia sẻ ông đã đề xuất một liên kết Bắc-Nam giữa Malaysia và Thái Lan với vai trò là “chất xúc tác” cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai khu vực biên giới và tạo cơ chế để lực lượng chức năng hai nước cùng phối hợp.
Ông bày tỏ hy vọng đề xuất này sẽ được hoan nghênh ở Bangkok và Kuala Lumpur.
Thái Lan là quốc gia có phần lớn người dân theo đạo Phật, nhưng người Malay Hồi giáo chiếm đa số tại 3 tỉnh Pattani, Yala, Narathiwat ở miền Nam.
Kể từ năm 2004, xung đột vũ trang ở các tỉnh miền Nam nước này đã khiến hơn 7.000 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người bị thương.
Năm 2015, Malaysia cam kết sẽ nỗ lực vì sự hòa bình ở miền nam Thái Lan. Năm 2018, trong chuyến thăm Thái Lan, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tái duy trì cam kết hỗ trợ “bằng mọi cách” tới Thái Lan để chấm dứt vấn đề khủng bố, bạo lực tại biên giới hai nước.
Ông Kriengsak Chareonwongsak là người sáng lập Viện Nghiên cứu Tương lai và Phát triển (IFD), thành viên Ban điều hành đảng Dân chủ Thái Lan, từng tham gia Hạ viện Thái Lan./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()