Học giả Ấn Độ đưa ra giải pháp kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông
Tiến sỹ khoa học Pradhan bày tỏ sự lo ngại về sự “hung hăng” của phía Trung Quốc, đồng thời cho rằng để kiềm chế “con rồng” thì cần đến việc thực thi Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS).
Thông tin Trung Quốc tiến hành tập trận tại quần đảo Hoàng Sa, cùng việc nước này xua tàu thăm dò Hải Dương 4 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Trên tờ Times of India, Tiến sỹ khoa học Pradhan, Chủ tịch Ủy ban Tình báo chung của Ấn Độ, đã bày tỏ sự lo ngại về sự “hung hăng” của phía Trung Quốc, đồng thời cho rằng để kiềm chế “con rồng” thì cần đến việc thực thi Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS).
VietnamPlusxin trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sỹ khoa học Pradhan về vấn đề này.
Thật khó có thể kìm hãm sự hung hăng của Trung Quốc. Năm ngoái, tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã đối đầu với tàu khoan dầu Việt Nam mang tên Hakuryu 5 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần đá Chữ Thập. Tháng Tư năm nay, con tàu này đã tiến vào vùng biển Malaysia, bám sát tàu khoan West Capella của Malaysia.
Để đáp trả, Mỹ đã cử một tàu đổ bộ tấn công USS America và hai chiến hạm tên lửa hành trình tới khu vực tranh chấp. Không lâu sau, một tàu chiến của Australia đã tham gia tập trận cùng ba tàu này.
Trước đó, vào ngày 3/4, Trung Quốc đã đánh chìm một tàu Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và bắt giữ hai tàu cá Việt Nam khác khi họ đang cố gắng giải cứu tám ngư dân. Một tàu Trung Quốc cũng đã chĩa súng, khóa radar vào tàu Philippines hồi tháng Hai vừa qua.
Không chỉ vậy, Trung Quốc còn đe dọa, ngăn không cho các nước ven biển trong khu vực khai thác dầu; đồng thời áp đặt các quy định về đánh bắt cá tại khu vực đặc quyền kinh tế của nước khác kể từ ngày 1/5.
Một tàu Trung Quốc đã đâm tàu cá Việt Nam khi tàu này đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam .
Bắc Kinh đã sử dụng những biện pháp chính trị để củng cố yêu sách trên Biển Đông. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thành lập hai quận mới để quản lý nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trước đây thuộc quản lý của chính quyền huyện Tam Sa, tỉnh Hải Nam. Hai quận đó sẽ hoạt động như một đơn vị hành chính riêng biệt, có thẩm quyền với các đảo tương ứng.
Có thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. ADIZ có thể từ chối máy bay của nước ngoài. Việc làm này không tuân thủ luật pháp quốc tế, song Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông.
Một số yếu tố sau đã thúc đẩy sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc. Thứ nhất, mục tiêu trở thành bá quyền độc nhất. Trung Quốc có tham vọng trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới vào năm 2049. Trung Quốc cho rằng hiện tại chỉ có hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc, và Mỹ đang xúi giục các nước trong khu vực Biển Đông cùng Nhật Bản, Ấn Độ chống lại Trung Quốc.
Thứ hai, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa phi tôn giáo là những điểm chính trong chính sách đối ngoại cũng như sự bành trướng của Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng cần phải lấy lại những gì mà chủ nghĩa thực dân và đế quốc “chiếm đoạt” suốt nhiều thế kỷ vừa qua, và điều này chiếm vị trí trung tâm trong cách tiếp cận của Trung Quốc. Đây chính là “giấc mộng Trung Hoa.” Để củng cố các yêu sách trên Biển Đông , Trung Quốc đã chiếm một số thực thể, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo, thường xuyên tuần tra và phô trương sức mạnh quân sự nhằm đe dọa các nước láng giềng.
Thứ ba, Trung Quốc đang nổi lên như là một cường quốc kinh tế. Sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Trung Quốc đã khiến nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc cũng hiện đại hóa các cơ sở công nghiệp và đẩy mạnh chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đạt được phần lớn thông qua các hành động, chính sách hung hăng, đi ngược lại quy định và chuẩn mực quốc tế.
Cách tiếp cận xâm lược kinh tế này bao gồm bốn yếu tố bảo vệ thị trường Trung Quốc khỏi hàng nhập khẩu và sự cạnh tranh; mở rộng thị phần của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu; đảm bảo và kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng trên toàn cầu bằng cách sử dụng mô hình kinh tế, tài chính “bẫy nợ” và “săn mồi”; áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm thống trị ngành sản xuất công nghiệp các mặt hàng nhu cầu cao như ôtô, tủ lạnh, TV màu,…
Trung Quốc đang giành được các công nghệ tiên tiến qua ăn cắp tài sản trí tuệ, bao gồm ăn cắp phần cứng, gián điệp trên không gian mạng, tìm cách lách luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, sản xuất hàng giả, vi phạm bản quyền, sử dụng các biện pháp cưỡng chế để buộc công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ nhằm đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc; cưỡng chế về kinh tế thông qua hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô quan trọng và sức mua độc quyền.
Tuy nhiên, gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đang xuống dốc do cuộc chiến thương mại với Mỹ và phản ứng của cộng đồng quốc tế trước việc Trung Quốc giấu giếm thông tin về COVID-19.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp.
Thứ tư, Trung Quốc tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự. Theo Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong khi chi tiêu quốc phòng của Mỹ giảm 15%, Nhật Bản chỉ tăng 2% trong giai đoạn 2009-2019, chi tiêu quốc phòng cùng kỳ của Trung Quốc đã tăng 85%. Tốc độ và phạm vi của các khoản đầu tư quân sự bền vững đã cho phép Trung Quốc có khả năng tác động đến thế cân bằng quân sự của khu vực, làm tăng nguy cơ tính toán sai lệch và đẩy khu vực vào tình trạng căng thẳng, bất ổn.
Trung Quốc cũng tái cấu trúc lực lượng; hiện đại hóa hải quân nhằm phát triển năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập (đối phó với Mỹ) và cũng nhằm ngăn chặn các nước láng giềng chống lại Trung Quốc. Trung Quốc tái cơ cấu các đơn vị hải quân để thành lập lực lượng hải cảnh, có vai trò như “nắm đấm sắt.”
Chiến lược của Trung Quốc đã được tính toán cẩn thận, thực hiện những bước đi nhỏ nhưng có ý nghĩa chiến lược mà không cần thực chiến và gồm ba bước. Thứ nhất, thay đổi hiện trạng một cách tinh vi; thứ hai là thay đổi thực tế địa lý tại khu vực; thứ ba là tuyên bố chủ quyền với khu vực đã bị thay đổi. Đồng thời, Trung Quốc cũng tham gia đàm phán ngoại giao nhằm khiến các nước tranh chấp khác hy vọng rằng có thể giải quyết tranh chấp qua đàm phán. Mục đích là để kéo dài thời gian thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Bên cạnh đó, bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đang không ngừng đổ lỗi cho các nước yêu sách khác và Mỹ về tình hình căng thẳng; đồng thời tuyên truyền về yêu sách lịch sử của Trung Quốc ở các khu vực ngoại vi.
Mỹ đã có những phản ứng mạnh mẽ. Ngày 25/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đang xem xét việc triển khai lực lượng trên khắp thế giới nhằm đối phó với mối đe doạ từ Trung Quốc đối với các nước Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Philippines. Ấn Độ và Australia đã nâng mức quan hệ song phương. Những bất ổn trong nội bộ Trung Quốc sẽ buộc họ áp dụng cách tiếp cận thù địch hơn với các nước khác để chuyển hướng sự chú ý của người dân trong nước. Cần phải hiểu rằng có một nước Trung Quốc hung hăng và bành trướng. Trung Quốc không đi chệch mục tiêu mà đang thực hiện những bước đi được “lập trình” sẵn để đạt được chúng.
Việc ASEAN (trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam) đưa ra tuyên bố chung vào ngày 27/6 rằng UNCLOS 1982 phải là cơ sở để xác định quyền hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển là một động thái quan trọng.
Tuyên bố cũng khẳng định “UNCLOS đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cho toàn bộ các hoạt động ở biển và đại dương,” nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và kiềm chế mọi hoạt động có thể tiếp tục gây phức tạp và leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực của các bên có liên quan, tránh các hành động có thể làm phức tạp tình hình.”
Điều này cho thấy sự thắt chặt đoàn kết của ASEAN trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam. Việt Nam đã liên tục đề cập đến tầm quan trọng của UNCLOS. Phán quyết của PCA cũng được đưa ra dựa trên UNCLOS.
Một số nước thành viên ASEAN đã tiếp cận Liên hợp quốc để thúc đẩy việc thực hiện phán quyết của Tòa PCA, và đây là cách duy nhất để thiết lập hòa bình tại khu vực. Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ cũng ủng hộ quan điểm này. Giờ đây, cộng đồng quốc tế và ASEAN nên hợp tác thông qua Liên hợp quốc để phán quyết của Tòa PCA được thực hiện trên Biển Đông./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()