Học Bác ở phong cách gần gũi, quần chúng
Cô Đinh Thu Hường đại diện trường Mầm non Tân Thanh nhận cờ thi đua của UBND tỉnh |
Năm 1998, cô Hường tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn khi vừa tròn 21 tuổi. Với niềm đam mê nghề giáo, sự yêu thương con trẻ, cô chọn nghề giáo viên mầm non. Khởi đầu ở Trường Mầm non thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng; với sự nỗ lực cố gắng không ngừng, ba năm sau cô đã được bổ nhiệm là phó hiệu trưởng và từ năm 2003 đến năm 2014 cô được bổ nhiệm và giữ chức hiệu trưởng nhà trường. Từ năm 2014 đến nay, cô được phân công làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Thanh. Dù công tác ở vị trí, đơn vị nào, bản thân cô cũng luôn được đánh giá cao từ chuyên môn đến công tác quản lý.
Để có được kết quả đó, cô Hường đã không ngừng phấn đấu học hỏi, đặc biệt là học tập và làm theo gương Bác. Cô Hường chia sẻ: “Trong học tập và làm theo gương Bác, tôi tâm huyết và thấy học được nhiều nhất ở phong cách quần chúng, gần gũi với nhân dân”. Áp dụng thực tiễn bản thân, sự gần gũi của cô được thể hiện ở sự quan tâm các em học sinh, đồng nghiệp. Cô dành nhiều thời gian gần gũi quan tâm đến các cháu mầm non như vận động gia đình cho các cháu trong độ tuổi đi học; quan tâm, chăm sóc các cháu cẩn thận, chu đáo. Với cương vị lãnh đạo nhà trường, chính sự gần gũi của cô đối với đồng nghiệp đã đem đến hiệu quả rõ rệt.
Minh chứng điển hình là trường hợp cô giáo Hoàng Thị Đạo, sinh năm 1985, công tác tại trường Mầm non xã Tân Thanh. Cô Đạo được đánh giá là một trong những giáo viên có năng lực, nhiệt huyết với nghề. Tuy nhiên, vì lý do gia đình, khiến cô không khỏi buồn nản, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác. Trước hoàn cảnh đó, cô Hường đã tìm hiểu, trực tiếp đến động viên, an ủi và chia sẻ với đồng nghiệp của mình. Chính sự chân thành, cởi mở ấy đã giúp cô Đạo mở lòng, chia sẻ vơi bớt nỗi buồn và dần tập trung vào công việc. Với năng lực sẵn có cộng với sự hỗ trợ, bồi dưỡng của ban giám hiệu, cô Đạo ngày một vững vàng chuyên môn, nghiệp vụ và hiện nay cô đã làm tổ trưởng chuyên môn của trường.
Một trường hợp khác là cô giáo Lê Thị Mạnh, quê Thanh Hóa, năm 2009 nhận công tác tại Trường Mầm non Tân Thanh. Nơi đất khách, quê người, xa lạ từ con người đến phong tục, tập quán khiến cô Mạnh gặp khá nhiều khó khăn. Nắm được tâm tư, suy nghĩ đó, với cương vị hiệu trưởng, cô Hường đã chủ động gặp gỡ, tâm sự từ chuyện nhà, chuyện nghề…. Không chỉ tạo sự gần gũi, cô Hường còn làm cầu nối để cô Mạnh có thể nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống, công việc cũng như bạn bè, đồng nghiệp. Với sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, sự nỗ lực của bản thân, cô Mạnh nhanh chóng hòa nhập và phát huy khả năng. Những năm gần đây, cô đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi.
Sự gần gũi, quan tâm học sinh, đồng nghiệp đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Tập thể nhà trường luôn đoàn kết, thương yêu, cùng chia sẻ và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc; không ngừng rèn luyện, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua. Qua đó, tập thể 2 trường mà cô từng công tác đều đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Ví như tại Trường Mầm non thị trấn Na Sầm thời gian cô Hường còn công tác, tập thể nhà trường đã nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen tập thể lao động xuất sắc; nhiều giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi các cấp. Còn đối với Trường Mầm non xã Tân Thanh, nhà trường đã vinh dự được UBND tỉnh tặng cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm học 2015-2016.
Bên cạnh phong cách giản dị, quần chúng, gần gũi, cô Hường luôn tìm tòi, học hỏi và làm theo gương Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Bản thân luôn gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên; không ngừng nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ông Hứa Văn Tư, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Lãng cho biết: Cô Hường là một trong những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực đó cô đã trở thành tấm gương để mọi người học tập, noi theo.
Ý kiến ()