Hoạt động song phương của Bộ trưởng Công Thương bên lề Hội nghị Bộ trưởng RCEP
Trong khuôn khổ chuyến công tác tới Tokyo, Nhật Bản, tham dự Hội nghị Bộ trưởng RCEP từ ngày 29/6 đến ngày 02/7, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã hội đàm song phương với Bộ trưởng phụ trách Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) Nhật Bản Motegi Toshimitsu, hội đàm với Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hiroshige Seko.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hội đàm với Bộ trưởng phụ trách CPTPP Motegi Toshimitsu |
Tại buổi hội đàm với Bộ trưởng phụ trách CPTPP Motegi Toshimitsu, hai bên đã thông báo cho nhau tình hình phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại mỗi nước.
Bộ trưởng Motegi thông báo, trong ngày 29/6, Nhật Bản đã thông qua Luật liên quan đến CPTPP, sắp tới sẽ sửa đổi một số quy định và sau đó thông báo kết quả với New Zealand. Bộ trưởng Motegi cho rằng Nhật Bản sẽ sớm hoàn thiện các thủ tục phê chuẩn cần thiết để Hiệp định CPTPP đi vào thực thi.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao Nhật Bản là một trong các nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định, thể hiện vai trò cũng như tạo động lực và tác động mạnh đến việc phê chuẩn Hiệp định tại các nước khác, đặc biệt khẳng định vai trò, vị thế và sức lan toả hiệu lực của CPTPP trong tương lai. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết chủ trương và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy nhanh tiến trình pháp lý để trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định này tại Kỳ họp cuối năm 2018.
Chia sẻ thông tin về việc mở rộng các thành viên CPTPP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hoan nghênh sự quan tâm của các đối tác đối với việc tham gia Hiệp định CPTPP. Trước mắt, các nước CPTPP cần ưu tiên thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định càng sớm càng tốt để đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp các nước thành viên, cũng như tạo nền tảng cho việc phát triển thương mại, đầu tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảm ơn Nhật Bản đã cung cấp một số hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong thời gian qua và đề nghị Nhật Bản tiếp tục hợp tác chặt chẽ, xem xét cung cấp hỗ trợ kỹ thuật một cách thiết thực và hiệu quả hơn nữa cho Việt Nam trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP để Việt Nam có đủ năng lực triển khai một cách hiệu quả các cam kết của Hiệp định, đồng thời bày tỏ vui mừng vì nhận được sự chia sẻ thông tin, kế hoạch của Bộ trưởng Motegi trong thời gian tới.
Ngoài ra Bộ trưởng cũng khẳng định Việt Nam sẽ tổ chức thực thi cam kết hội nhập CPTPP hiệu quả nhất, trong đó 3 nội dung mà Bộ Công Thương chú trọng: (i) thông tin tuyên truyền Hiệp định đến mọi tầng lớp nhân dân, không chỉ cơ quan chính phủ mà còn cần chú trọng đến các doanh nghiệp; (ii) tăng cường nâng cao năng lực, thể chế của các cơ quan chính phủ có nội dung cam kết trong CPTPP; (iii) hỗ trợ về mặt pháp lý, thông tin giúp cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu biết Hiệp định, có thể tận dụng mọi cơ hội từ Hiệp định, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.
Trong cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề xuất xây dựng chương trình hợp tác giữa hai chính phủ để việc thực thi Hiệp định CPTPP đạt hiệu quả cao hơn. Bộ trưởng Motegi nhất trí với đề xuất này và tin tưởng, với kinh nghiệm của Nhật Bản và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành hai nước thì việc thực thi Hiệp định sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hội đàm với Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hiroshige Seko |
Tại buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hiroshige Seko, Bộ trưởng METI đánh giá tần suất gặp nhau khoảng 10 lần trong năm 2018 giữa hai Bộ trưởng chứng tỏ thiện chí và tầm quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng trở nên sâu sắc.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao hỗ trợ của METI trong việc đôn đốc các đơn vị Nhật Bản triển khai Ý định thư (LOI) đã ký giữa hai Bộ trưởng vào tháng 9/2017. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã thẳng thắn nêu một số vấn đề trong nội dung hợp tác và đề xuất cụ thể:
Đối với lĩnh vực công nghiệp, (i) phía Nhật Bản hỗ trợ kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật để Việt Nam xây dựng Luật Phát triển Công nghiệp hỗ trợ; (ii) phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành nghiên cứu kết nối sản xuất và tiêu dùng trong các KCN (KKT, KCN) trên toàn lãnh thổ Việt Nam để hình thành “bản đồ” ngành công nghiệp hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp Việt Nam. Theo đó, phía Việt Nam nhấn mạnh sự hỗ trợ trong việc đào tạo tư vấn, nâng cao nguồn lực theo mô hình KOSEN của Nhật; iii) xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) trực thuộc Bộ Công Thương theo mô hình Trung tâm máy móc dùng chung của Nhật Bản; (iv) hỗ trợ Việt Nam Gói tín dụng riêng để phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam với lãi suất phù hợp theo hình thức tín dụng 2 bước (tập trung vào 06 ngành ưu tiên bao gồm: Dệt may da giầy, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao).
Đối với lĩnh vực năng lượng ,Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị METI xem xét hỗ trợ: (i) Thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho một số ngành sử dụng nhiều năng lượng và tại các địa phương; (ii) nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực dài hạn về quản lý năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (iii) hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn nghiên cứu và đưa ra giải pháp về chính sách sử dụng năng lượng và tiết kiệm hiệu quả ở các lĩnh vực trọng điểm.
Đối với Hiệp định CPTPP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thể hiện quyết tâm hoàn thành các thủ tục phê chuẩn và cũng đề xuất METI hỗ trợ triển khai Hiệp định trong tương lai: (i) Hỗ trợ xây dựng Cổng thông tin điện tử về Hiệp định CPTPP; (ii) hỗ trợ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định CPTPP.
Đối với lĩnh vực chế biến thực phẩmlà sáng kiến của METI, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất hai bên sẽ tiếp tục trao đổi cụ thể tại Kỳ họp Uỷ ban hỗn hợp lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam sắp tới. Nhân dịp này Bộ trưởng cũng gửi lời mời Bộ trưởng METI tham dự, đồng chủ trì Kỳ họp Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Nhật Bản và đồng chủ trì Hội nghị Xúc tiến thương mại và Đầu tư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Cần Thơ vào tuần thứ 2 tháng 8/2018.
Đáp lại các đề xuất của phía Việt Nam, Bộ trưởng METI vui mừng thông báo các nội dung hợp tác trong Ý định thư mà hai bên ký kết tháng 9/2018 cơ bản đã và đang được triển khai, một vài nội dung còn lại cũng đang được tiếp tục xem xét. Đối với đào tạo nguồn nhân lực, METI cũng luôn quan tâm và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu. Bộ trưởng METI cũng khẳng định đối với việc kết nối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ quan tổ chức của Nhật Bản như JETRO, JICA luôn tổ chức các hội thảo, triển lãm, kết nối để các doanh nghiệp Nhật Bản có cơ hội tìm kiếm đối tác là các doanh nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng METI hy vọng Việt Nam sẽ tham khảo hình thức hỗ trợ này của Nhật Bản và áp dụng hiệu quả vào thực tế thị trường Việt Nam. Về đề xuất của Việt Nam áp dụng mô hình KOSEN vào hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng thuộc Bộ Công Thương, cơ quan quản lý chuyên ngành giáo dục đào tạo của Nhật làm việc với phía Việt Nam và METI sẽ theo dõi, phối hợp triển khai các nội dung liên quan. Về các Trung tâm hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển chuỗi công nghiệp chế biến, METI cũng đề nghị giao cấp kỹ thuật có đề xuất cụ thể và sẽ thảo luận tại Kỳ họp Uỷ ban hỗn hợp sắp tới.
Kết thúc buổi làm việc hai Bộ trưởng cam kết sẽ nỗ lực hết sức để các thỏa thuận, cam kết tiếp tục được triển khai hiệu quả và các đề xuất hợp tác mới tiếp tục được đưa ra trong tương lai vì sự phát triển kinh tế của mỗi nước và khu vực./.
Ý kiến ()