Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm
Việc phong tỏa xã hội nghiêm ngặt trên diện rộng liên quan tới đại dịch COVID-19 đã làm ngừng trệ hoạt động sản xuất công nghiệp và làm gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4/2022 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020, do việc phong tỏa xã hội nghiêm ngặt trên diện rộng liên quan tới đại dịch COVID-19 đã làm ngừng trệ hoạt động sản xuất công nghiệp và làm gián đoạn chuỗi cung ứng, dấy lên lo ngại về sự suy giảm mạnh của nền kinh tế Trung Quốc trong quý 2/2022 sẽ ảnh hưởng đến đà tăng trưởng toàn cầu.
Đây cũng là dấu hiệu kinh tế mới nhất được công bố sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách “Zero COVID.”
Cụ thể, theo báo cáo ngày 30/4 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) thuộc lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc chỉ đạt mức 47,4 điểm trong tháng 4/2022, dưới mốc 50 điểm – phân định giữa tăng trưởng và suy giảm, với việc các nhà chức trách nước này cho rằng sự suy giảm trong hoạt động sản xuất và nhu cầu tiêu thụ đã sâu sắc hơn.
Số liệu trên được đưa ra trong bối cảnh chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc nhằm nhanh chóng dập dịch bằng các phong tỏa xã hội và xét nghiệm hàng loạt đã bị thách thức nghiêm trọng bởi sự trỗi dậy của biến thể Omicron.
Hàng chục thành phố của Trung Quốc, bao gồm các “trụ cột” kinh tế như Thâm Quyến và Thượng Hải, đã bị phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần trong những tháng gần đây.
Cách tiếp cận này, giữa lúc hầu hết thế giới đang học cách sống chung với virus, đã gây ra tổn thất kinh tế ngày càng nặng nề, với các quy định khắc nghiệt làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và khiến hàng hóa chất đống tại các cảng container bận rộn nhất thế giới.
Nhà thống kê cấp cao Zhao Qinghe thuộc NBS thừa nhận rằng, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã phải cắt giảm hoặc ngừng hẳn hoạt động sản xuất, trong khi nhiều doanh nghiệp báo cáo tình hình vận chuyển khó khăn gia tăng, đồng thời lưu ý chỉ số giá nguyên vật liệu thô vẫn ở mức “tương đối cao.”
Với hàng trăm triệu người dân bị “mắc kẹt” trong nhà, tiêu dùng của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề, khiến nhiều nhà phân tích cắt giảm dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo số liệu của NBS, chỉ số PMI thuôc lĩnh vực phi chế tạo của Trung Quốc chính thức cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020, khi quốc gia này chuẩn bị cho kỳ nghỉ Lễ Lao động.
Trước đó, ngày 28/4, gã khổng lồ công nghệ Apple đã cảnh báo rằng phong tỏa xã hội của Trung Quốc là một trong những yếu tố có thể làm giảm lợi nhuận kinh doanh quý 2/2022 của công ty này khoảng 4-8 tỷ USD.
Trong khi đó, nhà sản xuất ôtô điện Tesla đã quyết định giảm sản lượng tạm thời do các hạn chế liên quan tới COVID-19 của Trung Quốc.
Một số nhà phân tích thậm chí đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế Trung Quốc đang gia tăng, cho rằng các nhà hoạch định chính sách nước này cần phải cung cấp nhiều gói kích thích hơn để đạt được mục tiêu tăng trưởng vào năm 2022 là khoảng 5,5%.
Ngoài các hạn chế về COVID-19 và rủi ro gia tăng từ xung đột Nga-Ukraine, tiêu dùng liên tục sụt giảm và đà suy thoái kéo dài trên thị trường bất động sản cũng đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa để củng cố niềm tin tiêu dùng và ngăn chặn tình trạng mất việc làm tại nước này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nhiệm vụ của các nhà chức trách Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn trừ khi họ nới lỏng chính sách “Zero COVID.”
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm hơn 4% trong tháng 4/2022, mức giảm hàng tháng lớn nhất trong 28 năm, trong khi thị trường chứng khoán nước này cũng có diễn biến tồi tệ sau khi Nga bị phương Tây trừng phạt.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 4,8% trong quý I/2022 so với một năm trước đó, đánh bại kỳ vọng của các nhà phân tích về mức tăng 4,4%, nhưng dữ liệu kinh tế của nước này đã suy yếu đáng kể trong tháng 3/2022, với sự sụt giảm doanh số bán lẻ và tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ tháng 5/2020./.
Ý kiến ()