Hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần
Tuần qua (từ 9-14/9), đã diễn ra những sự kiện, hoạt động sôi động về công tác đối ngoại của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó là các chỉ đạo quan trọng trong liên kết phát triển vùng miền trong sản xuất, đổi mới pháp luật đất đai, GTVT, giáo dục đại học… ở một số địa phương, Bộ ngành cả nước.
Tuần qua (từ 9-14/9), đã diễn ra những sự kiện, hoạt động sôi động về công tác đối ngoại của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó là các chỉ đạo quan trọng trong liên kết phát triển vùng miền trong sản xuất, đổi mới pháp luật đất đai, GTVT, giáo dục đại học… ở một số địa phương, Bộ ngành cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã long trọng tuyên bố chính thức nâng cấp quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam – Singapore thành đối tác chiến lược. Ảnh: VGP |
Việt Nam – Singapore thiết lập quan hệ đối tác chiến lược
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Longvà Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Singapore thăm chính thức nước ta từ ngày 11-13/9.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Singapore đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ gắn bó và tin cậy giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã long trọng tuyên bố chính thức nâng cấp quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Singapore thành đối tác chiến lượcbao gồm 5 trụ cột.
Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng về quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân hai nước, đặc biệt là hiệu quả của Hiệp định Khung về Kết nối Việt Nam-Singapore, hoạt động của các Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tại Bình Dương, Hải Phòng và Bắc Ninh; tin tưởng Khu Công nghiệp VSIP 5 khởi công tại Quảng Ngãi sẽ thành công, góp phần vào sự phát triển của miền Trung Việt Nam.
Hai nhà Lãnh đạo cũng nhất trí sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, năng lượng-dầu khí, nông nghiệp, xây dựng, giao thông -vận tải, lao động, tài chính, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin…
Trao đổi về hợp tác khu vực và quốc tế, hai Thủ tướng hài lòng về sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM, LHQ. Hai bên nhất trí đẩy mạnh phối hợp và cùng các nước ASEAN khác nỗ lực đẩy mạnh việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định Singapore tiếp tục hợp tác và ủng hộ Việt Nam trong tiến trình đàm phán TPP, đảm bảo TPP là một hiệp định cân bằng, quan tâm thỏa đáng đến lợi ích của các thành viên, nhất là các nước đang phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long dự Lễ khởi công Khu liên hợp công nghiệp – đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi ngày 13/9/2013. Ảnh: VGP |
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long đã dự Lễ khởi công Khu liên hợpcông nghiệp – đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc khởi công VSIP Quảng Ngãi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi diễn ra đúng dịp hai nước Việt Nam – Singapore kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng quan hệ song phương lên đối tác chiến lược, đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Singapore. “Với nỗ lực chung của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, VSIP 5 tại Quảng Ngãi sẽ tiếp tục là một VSIP thành công, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ đối tác chiến lược gắn bó, tin cậy và hiệu quả giữa hai nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng.
Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc
Ngày 9/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc hội kiến với Tổng thống Hàn QuốcPark Geun-Hye nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Park Geun-Hye; tin tưởng chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác đối tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quan hệ hai nước đang phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu hiệu quả trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân… Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, vì vậy, hai bên có thể bổ trợ cho nhau trong quá trình hợp tác để cùng phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, ngày 9/9/2013. Ảnh: VGP |
Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ làm hết sức mình vun đắp cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Tổng thống Park Geun-Hye tiếp tục quan tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là về thương mại, đầu tư, du lịch, an ninh quốc phòng; sớm hoàn thành việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA), tăng mức cung cấp ODA cho Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc sang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Hai bên cũng cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực văn hóa, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, đồng thời đẩy mạnh giao lưu nhân dân giữa hai nước, nhất là sớm có quyết định tiếp nhận lại lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.
* Trong tuần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải đã tiếp các đoàn khách quốc tế (gồm Đoàn của Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt của Thượng viện Pháp, Christian Poncelet; Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, GTVT và Du lịch Nhật Bản, Akihiro Ohta; Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh và Cán bộ lão thành của Tổ quốc Angola, Kundi Paihama; Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật-Việt, ông Takebe Tsutomu; Chủ tịch Hội Hữu nghị Thái Lan – Việt Nam, Prachuab Chaiyasan; Tổng Giám đốc IFC (thuộc WB), Jin Yong Cai) sang thăm, làm việc tại nước ta.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam chào mừng các đoàn công tác quốc tế và đánh giá cao những kết quả làm việc tích cực tại Việt Nam của các đoàn, coi đây là bằng chứng sinh động nhằm tăng cường, củng cố mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế.
Các buổi gặp gỡ cũng đề cập tới những biện pháp tăng cường hợp tác, trao đổi giữa các nước, các tổ chức quốc tế với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hỗ trợ ODA, thúc đẩy các dự án hạ tầng, triển khai các mô hình thu hút vốn đầu tư xã hội, trao đổi giáo dục đào tạo, hợp tác trong lĩnh vực lao động, đào tạo nghề và giao lưu văn hóa, du lịch giữa Việt Nam và các nước.
Thủ tướng phát lệnh khởi công xây dựng cầu Vàm Cống tại Đồng Tháp ngày 10/9/2013. Ảnh: VGP |
Trong tuần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp và Quảng Ngãi, chỉ đạo các địa phương khai thác triệt để hơn nữa các tiềm năng, lợi thế để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chủ động tính toán đầu ra của sản phẩm, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ nhằm tạo giá trị gia tăng cao; chủ động đón đầu các thị trường khi Việt Nam kết thúc đàm phán thành công hàng loạt hiệp định thương mại tự do sắp tới…
Thủ tướng cũng yêu cầu 2 tỉnh cần tập trung giải quyết những hạn chế, bất cập của nền KTXH địa phương. Đối với Đồng Tháplà vấn đề quy mô kinh tế còn nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, thu nhập đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Còn Quảng Ngãicần hết sức quan tâm hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư phát triển các cụm, khu công nghiệp.
Trong chuyến công tác tại Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát lệnh khởi công Dự án xây dựng cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu. Đây là một hợp phần quan trọng thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong gồm 5 dự án thành phần với tổng chiều dài 78km, trong đó có cầu Cao Lãnh, tuyến nối Cao Lãnh-Vàm Cống, cầu Vàm Cống, tuyến tránh TP Long Xuyên và tuyến Mỹ An-Cao Lãnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc giao ban 3 Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, ngày 14/9. Ảnh: VGP |
Đẩy mạnh liên kết 3 vùng địa bàn chiến lược
Ngày 14/9 tại TPHCM, 3 Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộđã họp giao ban thường niên với hai nội dung chính là liên kết vùng và kiện toàn bộ máy, hoạt động dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh- Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Tại buổi làm việc, các Trưởng Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá, cả 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ là những địa bàn chiến lược quan trọng nhưng đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn. Do đó, vấn đề liên kết vùng trong phát triển sản xuất của mỗi địa phương và của vùng, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo vững mạnh về an ninh, quốc phòng là yêu cầu hết sức quan trọng.
Các ý kiến chỉ đạo tập trung nêu và phân tích rõ những vấn đề còn tồn tại trong yêu cầu liên kết vùng trong bài toán phát triển, đặc biệt là các liên kết cấu thành, liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông), liên kết giữa các doanh nghiệp, liên kết giữa nông dân với nhau… Ghi nhận những kết quả bước đầu về liên kết vùng mà vùng Tây Nam Bộ đã thực hiện, lãnh đạo các Ban Chỉ đạo nhấn mạnh 2 vùng còn lại cần đẩy nhanh việc thực hiện để phát huy lợi thế mỗi vùng, tránh đầu tư dàn trải, tập trung nguồn lực cho sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Mỗi vùng phải quan tâm xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, trong sạch để làm chỗ dựa cho đồng bào các dân tộc. Các Ban Chỉ đạo làm tốt việc nắm tình hình, báo cáo kịp thời các vấn đề mới nảy sinh, đồng thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước có chính sách quản lý phù hợp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết số 16/2008/NQ-CP về khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội và TPHCM, ngày 11/9. Ảnh: VGP |
Chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 nămthực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP về khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội và TPHCM, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét tình hình đã chuyển biến rõ rệt, số vụ ùn tắc giao thông giảm khoảng 50%. Tuy nhiên, việc triển khai còn những điểm chưa đồng bộ, như việc di dời các trụ sở của các bộ, ngành chưa quyết liệt, việc lấn chiếm vỉa hè còn phổ biến, vấn đề quy hoạch bến xe đảm bảo thông tuyến, đặc biệt tại một số đô thị trực thuộc Trung ương đã có dấu hiệu ùn tắc gia tăng. Do vậy, cần có các giải pháp mạnh hơn nữa cũng như mở rộng triển khai tại các dự án giao thông trọng điểm, đường Hồ Chí Minh, các thành phố trực thuộc Trung ương thay vì chỉ triển khai tại TP Hà Nội và TPHCM như hiện nay.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu 2 TP tiếp tục có những giải pháp mới phù hợp trong bối cảnh hiện nay, kiên quyết xử lý các cán bộ, đảng viên có biểu hiện tiếp tay cho các bến xe, lái xe vi phạm. Đồng thời, hai địa phương này cần triển khai quy hoạch bãi đỗ xe tĩnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành giao thông. Bộ GTVT phối hợp với hai TP nghiên cứu kiểm soát xe cá nhân, xã hội hoá mạnh mẽ hoạt động vận tải hành khách. Ngành Công an cần rà soát hệ thống biển báo cũng như lắp đặt bổ sung, tạo điều kiện để người tham gia giao thông dễ dàng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh VGP |
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 296của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao kết quả 100% các trường đại học, cao đẳng cả nước đã được quán triệt Chỉ thị 296 với tinh thần đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả, cách làm nghiêm túc của Bộ GDĐT trong việc thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo các trường đại học mới thành lập. Trong thời gian tới tiếp tục nghiêm túc thực hiện việc cắt chỉ tiêu tuyển sinh, tạm dừng tuyển sinh đối với những cơ sở đào tạo giáo dục đại học không đảm bảo chất lượng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Chính phủ sẽ đầu tư mạnh mẽ đối với các trường: ĐH Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, các đại học vùng và 2 đại học xuất sắc (Việt – Đức và Đại học KH – CN Hà Nội).
Tại một số cuộc họp trong tuần, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện nội dung dự thảo các chương trình hành động của Chính phủ về một số nhiệm vụ quản lý quan trọng và cấp bách hiện nay. Đó là: Chương trình hành động về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp; Chương trình hành động về chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và Kế hoạch hành động, hiện thực hóa Chiến lược công nghiệpcủa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp về xây dựng Kế hoạch hành động, hiện thực hóa Chiến lược công nghiệp của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản ngày 12/9. Ảnh: VGP |
Phó Thủ tướng lưu ý một số nội dung, trong đó có vấn đề tính toán, cân đối các nguồn lực thực tế để đảm bảo khả thi, trọng tâm các mục tiêu, dự án trong các Chương trình hành động. Cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ vấn đề vốn thực hiện, các nội dung có thể trùng lắp với các công việc các Bộ, ngành đang triển khai hiện nay. Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý vấn đề tham vấn ý kiến của người dân, của các doanh nghiệp, hiệp hội và nhà đầu tư để việc triển khai các mục tiêu được khả thi, hiệu quả.
Chủ trì cuộc họp về tiến độ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá Xvề “tam nông”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các địa phương chưa sơ kết cần sớm thực hiện để đóng góp vào kết quả chung của cả nước. Các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập cần nghiên cứu đúc rút những vấn đề nổi bật sau 5 năm thực hiện phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để xây dựng báo cáo có chất lượng cao nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu trong buổi làm việc với TP Hà Nội. Ảnh: VGP |
Trong tuần, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nộivề tình hình kinh tế – xã hội 8 tháng đầu năm, dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2013 và xây dựng dự toán năm 2014.
Cuộc họp này là bước chuẩn bị giúp Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2011-2015) của Đại hội XI của Đảng, xây dựng báo cáo trình Ban Chấp hành Trung ương trong năm nay.
Đánh giá những kết quả đạt được của TP là khá toàn diện mặc dù kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng cho rằng Hà Nội cần tiếp tục có các biện pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, khắc phục dần tình trạng ùn tắc giao thông, tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng tình với các giải pháp mà UBND TP kiến nghị nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp cũng như thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến ()