Ngày 8-10, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức thông xe đường Lê Trọng Tấn. Tuyến đường Lê Trọng Tấn dài gần 6,8 km, điểm đầu giao với quốc lộ 6, điểm cuối giao với Đại lộ Thăng Long, đi qua địa bàn quận Hà Đông và huyện Hoài Đức. Đường có mặt cắt rộng 42 m, gồm sáu làn xe chạy, dải phân cách giữa và hè hai bên, các công trình hạ tầng kỹ thuật gồm thoát nước, cây xanh, chiếu sáng được thi công đồng bộ.Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng tăng cường năng lực giao thông thành phố, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía tây - nam Thủ đô. * Sáng 8-10, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp Hội cây cảnh nghệ thuật Thăng Long, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại sinh vật cảnh Thăng Long đã khai mạc Triển lãm cây cảnh Thăng Long lần thứ nhất. Triển lãm trưng bày hơn 2.500 cây cảnh, tiểu cảnh, non bộ... mang nhiều ý tưởng độc đáo, trong đó có hơn...
Ngày 8-10, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức thông xe đường Lê Trọng Tấn. Tuyến đường Lê Trọng Tấn dài gần 6,8 km, điểm đầu giao với quốc lộ 6, điểm cuối giao với Đại lộ Thăng Long, đi qua địa bàn quận Hà Đông và huyện Hoài Đức. Đường có mặt cắt rộng 42 m, gồm sáu làn xe chạy, dải phân cách giữa và hè hai bên, các công trình hạ tầng kỹ thuật gồm thoát nước, cây xanh, chiếu sáng được thi công đồng bộ.
Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng tăng cường năng lực giao thông thành phố, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía tây – nam Thủ đô.
* Sáng 8-10, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp Hội cây cảnh nghệ thuật Thăng Long, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại sinh vật cảnh Thăng Long đã khai mạc Triển lãm cây cảnh Thăng Long lần thứ nhất. Triển lãm trưng bày hơn 2.500 cây cảnh, tiểu cảnh, non bộ… mang nhiều ý tưởng độc đáo, trong đó có hơn 100 tác phẩm đặc sắc có giá trị nghệ thuật cao được giới chơi cây cảnh yêu thích, nhiều bộ sưu tập cây cảnh cổ và quý hơn 100 năm tuổi; có cây đang được Hội Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long đưa vào danh mục bảo tồn. Ngoài các tác phẩm của nhiều nghệ nhân và những người yêu cây cảnh Thủ đô, còn có tác phẩm của nhiều nghệ nhân trong nước và các nước Nhật Bản, Trung Quốc tham dự triển lãm.
* Quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2011 và phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập quận (1-9-1997 – 1-9-2012). Thời gian qua, bằng việc triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, thực hiện nghiêm túc các giải pháp ngăn chặn suy giảm và duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, chín tháng đầu năm 2011, kinh tế quận tiếp tục tăng trưởng khá, thu ngân sách ước đạt 2.390,1 tỷ đồng (bằng 85% kế hoạch). Ngành giáo dục và đào tạo quận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận cờ thi đua xuất sắc của TP Hà Nội. Quận hỗ trợ giải quyết việc làm cho 4.510 lao động, giảm 48 hộ nghèo… Nhân dịp này, quận khen thưởng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cho 191 cá nhân tiêu biểu.
* Tổng công ty Thương mại Hà Nội vừa tổ chức kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Xí nghiệp Gốm Chu Đậu, nay là Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu, đóng tại huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương). Từ khi thành lập đến nay, công ty đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, khôi phục lại dòng gốm cổ Chu Đậu đã bị thất truyền. Hàng nghìn mẫu gốm cổ cùng với những thiết kế mới đã được công ty phục hồi, đưa vào sản xuất, hình thành mạng lưới bán hàng rộng khắp. Doanh thu của đơn vị tăng trung bình 125%/năm, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Sản phẩm gốm Chu Đậu không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước, mà còn được xuất khẩu đến hơn 30 nước trên thế giới. Thời gian tới, công ty sẽ xây dựng thêm khu sản xuất làng nghề tập trung với diện tích khoảng 10 ha, hình thành khu du lịch sinh thái làng nghề gốm sứ Chu Đậu với quy mô lớn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()