Hoạt động khuyến công: Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
- Những năm qua, chương trình khuyến công đã góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, giúp nhiều cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chương trình, đề án khuyến công vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần tập trung tháo gỡ.
![Cán bộ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh kiểm tra dây chuyền sản xuất trước khi nghiệm thu đề án khuyến công tại Công ty TNHH MTV Nông lâm sản Dung Sơn](https://mediabls.mediatech.vn/upload/image/202502/medium/531311_529871_img_175_09475306_21013211.jpg)
Hoạt động khuyến công đã được tỉnh quan tâm thực hiện nhiều năm nay. Mặc dù mức hỗ trợ đối với từng đề án chưa lớn nhưng đã góp phần giúp cho các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất mạnh dạn mở rộng đầu tư phát triển, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc công nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh...
Khẳng định hiệu quả
Những năm qua, bình quân mỗi năm có từ 9 đến 12 đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương (KCĐP) được triển khai trên địa bàn tỉnh. Các đề án đã góp phần quan trọng thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp nông thôn, xây dựng thành công nhiều thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ cấp tỉnh, cấp khu vực đến cấp quốc gia. Trong số đó đã có những sản phẩm xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển vốn có nhiều tiêu chuẩn khắt khe.
Gần nhất là trong năm 2024, UBND tỉnh phê duyệt 11 đề án KCĐP tại Quyết định số 2007/QĐ-UBND ngày 2/12/2023 với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng. Các đề án tập trung vào những vấn đề chính như: phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường; tập huấn kiến thức khởi sự kinh doanh; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và khoa học kỹ thuật.
Đơn cử Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị sơ chế làm sạch và phân loại hoa hồi được triển khai tại Công ty TNHH MTV Nông lâm sản Dung Sơn (thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng) với tổng vốn đầu tư 568,2 triệu đồng. Trong đó, kinh phí từ nguồn KCĐP năm 2024 hỗ trợ 190,5 triệu đồng. Từ nguồn vốn đầu tư và sự tư vấn về công nghệ của các chuyên gia lĩnh vực khuyến công, công ty đã đầu tư dây chuyền tiên tiến, hiện đại vào quy trình sơ chế, phân loại hoa hồi như: băng tải, sàng rung lọc, tủ điện điều khiển hệ thống... qua đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng hoa hồi khô.
Bà Cao Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông lâm sản Dung Sơn chia sẻ: Công ty muốn phát triển từ chính sản phẩm thế mạnh của địa phương, nên khi được cán bộ khuyến công tư vấn, tạo điều kiện giúp công ty thụ hưởng chương trình KCĐP để nâng cấp dây chuyền sản xuất, sơ chế hoa hồi khô chúng tôi rất phấn khởi và bắt tay vào triển khai ngay. Sau khi lắp đặt hoàn thiện dây chuyên, máy móc thiết bị mới đã giúp công ty tăng công suất sản xuất từ 800 tấn lên khoảng 1.600 tấn hoa hồi khô/năm; tạo việc làm cho 13 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
Hay như đề án Hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất nước đá sạch, nước lọc tinh khiết cho hộ kinh doanh Hoàng Thị Ngọc Mai (thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập), với kinh phí KCĐP năm 2023 hỗ trợ là 200 triệu đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ này, hộ kinh doanh đã đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại, nâng công suất sản xuất lên hơn 91.000 bình nước lọc tinh khiết/năm (18,5 lít/bình); 200.000 túi nước đá sạch/năm (0,5kg/túi), tăng gấp 3 đến 4 lần so với trước đây.
Danh mục khuyến công địa phương năm 2025 được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh xây dựng trình phê duyệt gồm có 10 đề án, trong đó có 7 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1932/UBND-KT gửi Bộ Tài chính về việc hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư số 64/2024/TT-BTC ngày 28/8/2024 của Bộ Tài chính về công tác khuyến công, trong đó UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Bộ Tài chính về việc giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh thực hiện lập dự toán và phân bổ kinh phí khuyến công địa phương. Ngay khi có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan tham mưu triển khai xây dựng kinh phí và giao dự toán kinh phí khuyến công địa phương năm 2025 theo đúng quy định để các đề án nhanh chóng được thực hiện. |
Không riêng 2 cơ sở trên, trong 10 năm qua, đã có khoảng 60 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được thụ hưởng chương trình khuyến công để thúc đẩy sản xuất. Các cơ sở sản xuất xây dựng thành công 45 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, trong đó có 13 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực và trong 13 sản phẩm này có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp quốc gia. Đồng thời, nhiều sản phẩm đã đủ điều kiện xuất khẩu như: chè Ô long, tinh dầu sở, hoa hồi khô…
Vẫn còn những khó khăn
Mặc dù kết quả từ hoạt động khuyến công mang lại khá rõ ràng, tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chương trình khuyến công cũng phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc cần được các cấp, ngành liên quan sớm quan tâm tháo gỡ.
Ngay như trong năm 2024 vừa qua, trong tổng số 11 đề án KCĐP thì trong quá trình triển khai có 6 đề án xin dừng thực hiện và 2 đề án xin điều chỉnh máy móc thiết bị theo đề án đã được phê duyệt... Nguyên nhân chính dẫn đến việc dừng đề án là do các cơ sở chưa mạnh dạn cũng như chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cấp dây chuyên công nghệ trong sản xuất đối với giai đoạn hiện nay, cùng với đó là nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cũng còn hạn chế nên chưa thu hút được nhiều cơ sở tham gia thực hiện.
Anh Hoàng Văn Hậu, chủ cơ sở sản xuất nước lọc tinh khiết, nước đá Thái Sơn (xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng) cho biết: Năm 2024, cơ sở sản xuất đã đăng ký và được cơ quan chức năng lựa chọn tham gia thực hiện đề án KCĐP. Theo đề án, tổng vốn đầu tư thực hiện là gần 1 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn KCĐP chỉ hỗ trợ khoảng 28%. Do nguồn vốn đối ứng lớn, vượt khả năng đầu tư của cơ sở nên chúng tôi đã xin ngừng triển khai đề án.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan đến từ chủ các cơ sở sản xuất và nguồn lực hỗ trợ hạn chế, hoạt động khuyến công vẫn còn những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Ông Trần Anh Thuần, Trưởng Phòng Xúc tiến thương mại và Khuyến công, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cho biết: Thời gian qua, công tác tuyên truyền chính sách khuyến công đến các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cũng chưa thực sự hiệu quả. Điều này dẫn đến nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn chưa nắm bắt và tận dụng đầy đủ các cơ hội từ chính sách khuyến công, các cơ sở tập trung vào sản xuất kinh doanh là chính, tâm lý ngại quan hệ với cơ quan Nhà nước, ngại làm hồ sơ thủ tục để được hỗ trợ vẫn còn phổ biến.
Được biết, bên cạnh những vấn đề trên, hiện nay chính sách cho hoạt động khuyến công vẫn có một số vướng mắc nên đến thời điểm hiện tại, các đề án KCĐP năm 2025 vẫn chưa được cơ quan chức năng của tỉnh thẩm định về nội dung và mức kinh phí. Nguyên ngân chính là do từ ngày 28/8/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 64/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TTBTC ngày 28/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công, có hiệu lực thi hành từ ngày 18/10/2024. Theo quy định của Thông tư 64, HĐND cấp tỉnh quyết nghị về nội dung và mức chi hoạt động KCĐP. Hiện tại, các sở, ngành liên quan mới đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết về nội dung và mức chi cho hoạt động KCĐP để trình HĐND tỉnh xem xét ban hành để có căn cứ thẩm định nội dung và mức chi các đề án KCĐP năm 2025.
Cùng với đó, trước đây, đơn vị chủ trì tham mưu lập dự toán kinh phí khuyến công là Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, trực thuộc Sở Công Thương, nhưng hiện tại, trung tâm này đã được hợp nhất vào Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch. Do vậy, thay vì Sở Công Thương thực hiện việc lập dự toán và phân bổ kinh phí KCĐP như trước đây thì Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh triển khai sẽ phù hợp và thuận lợi hơn. Đây cũng là nội dung mà tỉnh đang trình xin ý kiến bộ, ngành trung ương chỉ đạo.
Ông Trần Anh Thuần, Trưởng Phòng Xúc tiến thương mại và Khuyến công, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh nhấn mạnh: Tới đây, khi các vấn đề vướng mắc được tháo gỡ, danh mục đề án khuyến công năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt, phòng sẽ tham mưu lãnh đạo trung tâm thay đổi phương thức tuyên truyền hoạt động khuyến công theo hướng đa dạng hơn; không dừng lại ở các lớp tập huấn mà đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách khuyến công trên cổng thông tin điện tử, trang web của trung tâm; trên báo, đài; lồng ghép tuyên truyền trong các hội thảo, hội nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã... Đồng thời, trung tâm sẽ rà soát, lựa chọn và phối hợp với chính quyền xã, cụm xã có tiểu thủ công nghiệp phát triển, tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các buổi gặp gỡ, tuyên truyền trực tiếp... giúp các cơ sở sản xuất nắm bắt rõ hơn về các cơ chế, chính sách hỗ trợ, từ đó, mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình khuyến công.
Phát triển công nghiệp nông thôn là một trong những động lực quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững mà tỉnh đã đề ra. Do vậy, mong rằng các cấp, ngành liên quan sẽ sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khuyến công, để từ đó tiếp thêm nguồn lực, thúc đẩy công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()