Thứ 7, 23/11/2024 06:49 [(GMT +7)]
Hoạt động khoa học và công nghệ trong các trường nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức
Thứ 4, 26/05/2010 | 09:30:00 [(GMT +7)] A A
Trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các trường khối đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đã được quan tâm đầu tư, thúc đẩy bằng nhiều biện pháp nên đã tạo được nhiều biến chuyển tác động đến hiệu quả hoạt động dạy và học. Tuy nhiên, dễ nhận thấy mảng hoạt động này ở các trường khối tự nhiên sôi nổi hơn khối các trường xã hội, và càng trầm lắng hơn ở khối các trường nghệ thuật.
Đặt mục tiêu giảng dạy lên hàng đầu, lại thêm đặc thù riêng của lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, thầy và trò khối các trường nghệ thuật chưa đầu tư nhiều tâm sức, trí tuệ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ, hoặc nếu có, thì chủ yếu là làm ở mức chiếu lệ, thực hiện quy định bắt buộc của Bộ Giáo dục- Đào tạo mà thôi. Cũng có một số cá nhân say sưa với hoạt động này, nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, và chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực theo sở thích cá nhân, mà thiếu tính hệ thống trong mục tiêu nghiên cứu.
Tại cuộc hội thảo khoa học “Đánh giá về hoạt động khoa học và công nghệ trong các trường nghệ thuật giai đoạn từ 2005 đến nay” do trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương tổ chức vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội, với sự tham dự của nhiều đại diện các trường đào tạo nghệ thuật trong cả nước, vai trò và hiệu quả của hoạt động khoa học, công nghệ đối với các trường nghệ thuật đã được nhìn nhận, đánh giá, đồng thời, nhiều biện pháp để kích thích hoạt động này sôi nổi, hiệu quả hơn đã được các đại biểu đề xuất.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ được đánh giá là có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với môi trường giáo dục, không những góp phần nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo ra những phát minh, sản phẩm mới có hiệu quả đối với xã hội. Tuy nhiên, ở lĩnh vực nghệ thuật, nhất là khối các cơ sở đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ dường như vẫn là khái niệm mới, và có phần lạ lẫm. Theo TS Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, “nghiên cứu khoa học trong giáo dục âm nhạc mang tính ứng dụng nói riêng ở Việt Nam vẫn chưa phát triển. Các công trình nghiên cưú hoặc chương trình phục vụ giảng dạy còn thiên về lý thuyết, chưa chú trọng yếu tố thực tiễn và tâm lý người học. Các nghiên cứu về âm nhạc nói chung hiện nay đa phần mang tính đúc kết, phục vụ mục tiêu bảo tồn”.
Thạc sĩ Phan Thanh Bình, Hiệu trường Trường ĐH Nghệ thuật Huế cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại: Sự cân nhắc, kết hợp giữa tính đặc thù và tính đại chúng theo quy định chung của ngành nhiều khi còn chịu ảnh hưởng và gặp khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức xây dựng và triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học… Số đề tài đăng ký nghiên cứu, cũng như các hoạt động khác về khoa học công nghệ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn so với tiềm năng, tính ứng dụng rộng rãi kết quả nghiên cứu khoa học vào đào tạo còn hạn chế; kinh phí chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước, ngoài ra cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học không được sự hỗ trợ từ bất kỳ nguồn nào khác nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài; khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác với các cơ sở đào tạo nghệ thuật của nước ngoài nhằm trao đổi, học hỏi…
Để hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ trong khối các trường đào tạo nghệ thuật đạt được hiệu quả cao hơn, nhiều nhà giáo, chuyên gia đề xuất một số giải pháp: Chú trọng hiệu quả ứng dụng vào hoạt động giảng dạy của các đề tài nghiên cứu khoa học; tăng nguồn kinh phí đầu tư cho mỗi đề tài, chú ý tính đặc thù của lĩnh vực hoạt động; chủ động cân đối, đa dạng hóa các hình thức nghiên cứu cũng như mở rộng phạm vi nghiên cứu thích ứng với khuynh hướng toàn cầu; xác định đúng tầm quan trọng của hoạt động này trong chương trình đào tạo, có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học…
Theo Thông tư 12 của Bộ Giáo dục- Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 19-5-2010 về quản lý các đề tài khoa học cấp Bộ, từ năm học tới, các đề tài khoa học cấp Bộ sẽ do Bộ trực tiếp quản lý, tuyển chọn, không giao cho các trường tự quyết định, chọn lựa như trước. Tùy theo quy mô, nhiệm vụ được thuyết minh trong đề tài, kinh phí được cấp sẽ không cố định, mà có thể được cấp lớn hơn mức cho phép hiện nay. Vấn đề là các trường sẽ làm thế naò để thuyết phục được hội đồng tuyển chọn của Bộ. Quy định mới này sẽ kích thích, tạo điều kiện nhiều hơn cho các hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Nhưng, như đã nói ở trên, do đặc thù của khối các trường đào tạo nghệ thuật, các giảng viên khối trường này buộc lòng phải năng động, đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học, mới mong tìm kiếm được nguồn kinh phí.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()