LSO-Nằm cách thành phố Lạng Sơn hơn 16 km, là một xã vùng II của huyện Cao Lộc – nơi có 80% đồng bào Nùng sinh sống, xã Tân Thành từ lâu đã “nức tiếng” với làn điệu Sli Phàn Slình. Hát Sli trong hội xuân - Ảnh:Việt ThịnhTừ năm 2010, được Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng CLB hát Sli tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc Nùng sinh sống, cùng với sự hướng dẫn của Phòng văn hóa và Thông tin huyện Cao Lộc, Tân Thành đã vận động được đông đảo nhân dân yêu mến hát Sli trong và ngoài xã tự nguyện tham gia. Đến nay CLB đã đi vào ổn định để hoạt động, số lượng hội viên tăng lên đến 120 người, quy tụ nhiều hạt nhân hát Sli của các xã bạn như: Xuân Long, Bình Trung, Thạch Đạn – huyện Cao Lộc; Quảng Lạc – TP Lạng Sơn; Lâm Sơn – huyện Chi Lăng.Tại lễ tổng kết 1 năm hoạt động hát Sli và trao thẻ cho các hội viên của Hội bảo tồn dân ca tỉnh mới diễn...
LSO-Nằm cách thành phố Lạng Sơn hơn 16 km, là một xã vùng II của huyện Cao Lộc – nơi có 80% đồng bào Nùng sinh sống, xã Tân Thành từ lâu đã “nức tiếng” với làn điệu Sli Phàn Slình.
Hát Sli trong hội xuân – Ảnh:Việt Thịnh
Từ năm 2010, được Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng CLB hát Sli tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc Nùng sinh sống, cùng với sự hướng dẫn của Phòng văn hóa và Thông tin huyện Cao Lộc, Tân Thành đã vận động được đông đảo nhân dân yêu mến hát Sli trong và ngoài xã tự nguyện tham gia. Đến nay CLB đã đi vào ổn định để hoạt động, số lượng hội viên tăng lên đến 120 người, quy tụ nhiều hạt nhân hát Sli của các xã bạn như: Xuân Long, Bình Trung, Thạch Đạn – huyện Cao Lộc; Quảng Lạc – TP Lạng Sơn; Lâm Sơn – huyện Chi Lăng.
Tại lễ tổng kết 1 năm hoạt động hát Sli và trao thẻ cho các hội viên của Hội bảo tồn dân ca tỉnh mới diễn ra vào trung tuần tháng 12/2011 vừa qua, ông Hoàng Văn Định, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Năm qua, CLB hát Sli Tân Thành đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân trong vùng, nhiều hoạt động hát Sli tại các lễ hội tháng giêng (lễ hội Bắc Nga, hội Khòn Lèng), giao lưu các đội văn nghệ xã Tô Hiệu – huyện Bình Gia, huyện Lộc Bình và huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang… từ đó góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở các thôn bản, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân.
Nhận xét về CLB hát Sli Tân Thành, ông Vi Hồng Nhân – Chủ tịch Hội bảo tồn dân ta tỉnh cho biết: Đây là một CLB tiêu biểu cho Hội, là hạt nhân cơ sở vững mạnh và đi đầu về xây dựng đội ngũ hội viên, không chỉ thu hút đông đảo bà con trong xã mà còn ở các xã bạn. Tiến tới, Hội sẽ hướng dẫn cho CLB xây dựng thêm đội ngũ trẻ, kế cận cho CLB, sưu tầm nhiều hơn vốn cổ, đặc biệt là Sli và Cỏ Lẩu của đồng bào Nùng Phàn Slình. Còn ông Lành Văn Sành, Chủ nhiệm CLB thì phấn khởi chia sẻ: Những ngày đầu, khó khăn lắm, gian nan lắm. CLB mới ra đời, còn non trẻ nên ít kinh nghiệm tổ chức, tài chính hoạt động hạn hẹp, bà con lo nhiều thứ cho cuộc sống hơn là đi hát Sli… nhưng rồi dần dần, các thành viên cũng đã ý thức được giá trị của việc gìn giữ câu Sli, nên cũng khắc phục được. Chúng tôi mong từ đây, CLB sẽ có nhiều cơ hội tìm hiểu, học hỏi nhiều về dân ca các dân tộc trong tỉnh, được đi giao lưu nhiều hơn với các dân tộc anh em trên quê hương Xứ Lạng và đặt biệt là được “vạ Sli – hát Sli” nhiều hơn cho bà con thôn bản nghe.
Trong nhịp sống của thế giới hiện đại như hôm nay, việc giữ gìn cho thế hệ mai sau những vốn di sản văn hóa đang dần bị mai một đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn. Tuy vậy, những hoạt động hiệu quả và thiết thực của CLB hát Sli Tân Thành là một minh chứng sinh động cho sức sống mạnh mẽ của mạch nguồn dân ca, điều này tin tưởng chắc chắn vào tương lai tươi sáng cho các CLB dân ca dân tộc trong tỉnh.
Hoàng Việt Bình
Ý kiến ()