Hoạt động giám sát của Quốc hội tập trung vào những vấn đề bức xúc
Trong nhiệm kỳ khóa XIV, hoạt động giám sát của Quốc hội không ngừng được cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện và tập trung giám sát những vấn đề bức xúc của cuộc sống.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV |
Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, hoạt động giám sát của Quốc hội luôn được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao.
Thông qua hoạt động giám sát, đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những việc làm tốt, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy các cơ quan hữu quan thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.
Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện khá hiệu quả, thảo luận kỹ lưỡng, công khai, minh bạch, có tính xây dựng, góp phần bảo đảm tổ chức và thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Cùng với việc xem xét các báo cáo công tác theo quy định, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm và 5 năm về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn và kết quả thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là các nội dung quan trọng, góp phần vào kết quả chung trong điều hành kinh tế-xã hội của đất nước.
Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả rõ nét, lựa chọn “trúng” và “đúng” vấn đề mà cử tri quan tâm với 7 chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân; cách thức tiến hành được đổi mới, cải tiến, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, góp phần nâng cao đáng kể hiệu quả giám sát.
Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã tạo điều kiện để tăng cả về số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.
Quốc hội đã 2 lần tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc đi “đến cùng” vấn đề được giám sát, bảo đảm việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát hiệu quả hơn.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội; kết quả lấy phiếu không chỉ là “thước đo” hiệu quả hoạt động của người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, mà còn là nguồn động lực để những người được tín nhiệm cao tiếp tục phát huy, cống hiến, những người chưa được tín nhiệm cao phấn đấu khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nâng cao hiệu quả công việc.
Cũng trong nhiệm kỳ 2016-2021, hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có nhiều chuyển biến rõ rệt, hiệu quả được nâng cao, nhất là trong giám sát chuyên đề, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri.
Hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban được tăng cường, có nhiều đổi mới, đã kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề “nóng”, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân và xã hội.
Các đoàn đại biểu Quốc hội đã chú trọng hơn đến việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn./.
Ý kiến ()