tle=”Hoạt động đoàn ở nhiều vùng nông thôn còn hình thức và lúng túng” on click=”$('#gallery_74615925_1_349806').click(); return false;” href=”ja vasc ript:void(0);”> Thanh niên xã Tân Bình, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) làm đường giao thông nông thôn. Ở nông thôn, thanh niên là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nhiều tổ chức Đoàn Thanh niên đang bế tắc trong việc thu hút, tập hợp lực lượng. Có thể nói, ở nhiều nơi, nhiều lúc giới trẻ nông thôn đang đứng ngoài các hoạt động và sinh hoạt của Đoàn.
Ngoài nguyên nhân khách quan là sự dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông thôn ra thành phố, còn có thêm những nguyên nhân chủ quan cần tháo gỡ kịp thời, đó là: sự thiếu quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương; năng lực đội ngũ cán bộ đoàn hạn chế; các nội dung hoạt động không sát với nhu cầu chính đáng của thanh niên.
Thiếu và yếu…
Qua khảo sát thực tế hoạt động đoàn khu vực ở nông thôn, chúng tôi nhận thấy, tại nhiều khu vực tuy có tổ chức nhưng lại “trắng” về sinh hoạt đoàn. Hoạt động tại nhiều chi đoàn bị tê liệt, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, hình thức. Thực trạng này không chỉ tồn tại ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa mà còn xuất hiện trong khu vực nông thôn ở những thành phố lớn.
Đến xã thuần nông Chu Phan (huyện Mê Linh, Hà Nội), chúng tôi được biết, phần lớn đoàn viên, thanh niên thường xuyên vắng mặt ở địa phương. Anh Nguyễn Xuân Trường, Bí thư Đoàn xã cho biết: Gần 100% số thanh niên sau khi học xong THPT, nếu không học tiếp là đi làm ăn xa. Phần còn lại, nếu học lên cao, sẽ tìm kiếm công việc ở thành phố, rất ít người trở lại địa phương làm ăn, sinh sống. Cả xã Chu Phan chỉ có hơn 100 thanh niên trong độ tuổi sinh hoạt đoàn (bao gồm cả đoàn viên sinh hoạt hai chiều) nhưng có đến hơn 60% trong số đó không mặn mà với sinh hoạt đoàn. Chu Phan có tám xóm đều thành lập chi đoàn nhưng phần lớn trong số đó hoạt động cầm chừng, mỗi năm tổ chức sinh hoạt từ hai đến ba lần; thậm chí có một chi đoàn không hoạt động, hai chi đoàn nhiều tháng không có bí thư. Do vậy, công tác đoàn và phong trào thanh niên ở Chu Phan gặp khó khăn vì thiếu lực lượng tại chỗ. Mỗi khi có các chương trình hành động, tổ chức đoàn ở đây thường thiếu lực lượng triển khai. Điều này thấy rõ qua các chiến dịch tình nguyện, hoặc phong trào “Năm xung kích, bốn đồng hành”, Đoàn xã thường phải “đẩy” về cho khối trường học vì chỉ ở đây mới có lực lượng để triển khai. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về những hoạt động của phong trào “Năm xung kích, bốn đồng hành” thì các cán bộ Đoàn xã đều không giới thiệu được những hoạt động cụ thể. Cũng chính vì sinh hoạt chi đoàn không thường xuyên, cho nên nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng của Đảng, Nhà nước không đến được với đa số đoàn viên, thanh niên. Thí dụ, xã có 20 đoàn viên là đảng viên nhưng Đảng ủy xã chỉ chọn một số người được cho là đảng viên tiêu biểu để phổ biến, quán triệt Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, số còn lại hầu như không nắm được tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4. Nội dung Đoàn thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới cũng hầu như không đến được với các buổi sinh hoạt chi đoàn.
Ở xã làng nghề thủ công mỹ nghệ Vân Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội), sau khi giới thiệu một số mô hình hoạt động đoàn, Bí thư Đoàn xã Nguyễn Thanh Thủy cho biết, việc thu hút, tập hợp thanh niên sinh hoạt đoàn cũng đạt tỷ lệ không cao, không đồng đều, mặc dù số lượng thanh niên đi làm ăn xa không nhiều. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Thị Hằng lý giải: Nguyên nhân chủ yếu vì thanh niên mải làm kinh tế làng nghề cho nên các hoạt động đoàn thường không được quan tâm. Hoạt động đoàn ở nhiều nơi thường chỉ rộ lên vào thời điểm đầu năm mới và dịp hè; khi thanh niên, sinh viên đi làm ăn, đi học xa trở về địa phương. Còn nhiều tháng sau đó, gần như “chìm xuồng”.
Giữa tháng 5, chúng tôi về xã Đức Lợi – một xã ven biển của huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) và tham dự buổi sinh hoạt đoàn ở đây nhưng có rất ít bạn trẻ dự. Toàn xã có hơn 1.700 đoàn viên, thanh niên, nhưng số người đi làm ăn xa chiếm tới hơn 70%. Buổi sinh hoạt đoàn diễn ra “tẻ nhạt”, chủ yếu phổ biến chính sách, pháp luật và những văn bản liên quan đến cán bộ đoàn rồi kết thúc. Đoàn viên Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Hoạt động đoàn ở đây phần nhiều mang tính hình thức, không đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của giới trẻ. Nội dung, hình thức sinh hoạt và hoạt động còn đơn điệu, ít sáng tạo chưa theo kịp với nhu cầu nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên và sự chuyển dịch nhanh của nền kinh tế, khiến nhiều bạn trẻ không có hứng thú đến với Đoàn. Còn ở xã Ba Cung, huyện Ba Tơ, cũng không ngoại lệ, việc duy trì sinh hoạt chi đoàn hằng tháng cũng gặp nhiều bất cập. Theo quy định, một tháng các chi đoàn tổ chức sinh hoạt đoàn một lần, nhưng hầu hết các chi đoàn sinh hoạt không đều, có nhiều chi đoàn ba đến bốn tháng mới sinh hoạt một lần. Mỗi khi có việc cần bàn bí thư chi đoàn phải đi từ mấy hôm trước để thông báo tập hợp đoàn viên nhưng số lượng đoàn viên tham gia cũng chẳng được bao nhiêu. Thực trạng nêu trên đang phổ biến ở nhiều chi đoàn nông thôn trong tỉnh.
Trò chuyện với các bạn trẻ tại các xã Chu Phan, Việt Hùng (Hà Nội), Đức Lợi, Ba Cung (Quảng Ngãi), họ cho biết, muốn thanh niên đến với đoàn thì chính tổ chức Đoàn phải lôi cuốn họ bằng sức hấp dẫn tự thân. Các bạn trẻ bộc bạch, nhu cầu lớn nhất hiện nay của họ là được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để lập thân, lập nghiệp; trong khi đó nội dung, phương thức hoạt động tổ chức đoàn thường ít gắn với việc chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, thanh niên. Nội dung sinh hoạt đoàn thường cứng nhắc, rập khuôn, chậm đổi mới; việc lồng ghép các nhiệm vụ chính trị tại địa phương khô khan, xa rời thực tế.
Một trong những chìa khóa quan trọng giúp tổ chức đoàn “đến” với thanh niên là việc hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất. Đây chính là một trong những hoạt động quan trọng đáp ứng nhu cầu chính đáng của thanh niên. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn cho vay cũng không dễ dàng vì có những mô hình kinh tế của thanh niên chưa chứng minh được tính hiệu quả. Thêm vào đó, chính sách cho thanh niên nông thôn vay vốn đang bị bó hẹp. Vốn giải quyết việc làm cho thanh niên tại xã Chu Phan trong năm 2012 chỉ là 350 triệu đồng. Tuy nhiên, số kinh phí ít ỏi này còn được phân bổ làm hai giai đoạn và số đối tượng được vay vốn cũng rất hạn chế; nhiều thanh niên có nhu cầu đang rất khó khăn để tiếp cận những nguồn vốn như vậy. Ở xã Vân Hà, trong cả nhiệm kỳ Đại hội Đoàn 2007-2012 mới chỉ lập dự án và đứng ra tín chấp vay vốn cho thanh niên được 390 triệu đồng; số vốn được vay này không thấm vào đâu so với nhu cầu của các “ông chủ trẻ” tại các làng nghề.
Nghĩ và làm
Sự lúng túng trong việc nâng cao chất lượng tổ chức đoàn ở nông thôn có nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tại huyện Mê Linh (Hà Nội), công tác quy hoạch cán bộ đoàn còn bị bỏ ngỏ. Có đồng chí bí thư Đoàn xã sinh năm 1966, đã có cháu nội nhưng vẫn làm bí thư đoàn xã nhiều năm liền có Bí thư đoàn xã sinh năm 1969 đã giữ bốn khóa liên tục làm bí thư, nhưng đến nay mới bắt đầu được quan tâm “đầu ra”… Nhiều bí thư đoàn xã tại địa phương này cũng phải kiêm nhiệm, gánh vác nhiều công tác khác; cho nên công tác đoàn với họ chỉ là việc phụ.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi Nguyễn Thị Ánh Lan cho biết: Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhiều cán bộ Đoàn, nhất là cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Các chi đoàn tại các thôn, xóm hoạt động còn thiếu sáng tạo, thiếu sức hấp dẫn thanh niên và sự gắn kết còn khá lỏng lẻo. Mặc dù trong thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, cũng như đào tạo ngắn hạn, dài hạn dành cho lực lượng cán bộ đoàn cơ sở, nhưng công tác quy hoạch, chuẩn bị lực lượng kế cận chưa được các cấp ủy đảng quan tâm đúng mức. Chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đoàn và chính sách quan tâm tạo đầu ra cho cán bộ đoàn, chế độ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ đoàn chưa được quan tâm đúng mức. Chính những nguyên nhân này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đoàn tại địa phương, nhất là hoạt động đoàn ở vùng nông thôn, miền núi. Việc đào tạo, tìm kiếm người cán bộ đoàn tâm huyết và tạo điều kiện thuận lợi để họ cống hiến là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng đoàn khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, chế độ đối với cán bộ cơ sở và kinh phí cho hoạt động đoàn khu vực nông thôn còn eo hẹp. Anh Nguyễn Xuân Trường cho biết: Tại xã Chu Phan, trợ cấp cho bí thư đoàn xã chưa đến hai triệu đồng/tháng, cán bộ cấp dưới còn thấp hơn nữa. Mặt khác, kinh phí dành cho hoạt động đoàn cả năm tại xã Chu Phan là 20 triệu đồng. Số tiền này chi lương, chế độ cho cán bộ đoàn theo quy định đã hết 16,8 triệu đồng, còn lại 3,2 triệu đồng dành cho hoạt động… cả năm thì không thể đủ được. Mỗi khi có hoạt động, chúng tôi đều phải kêu gọi tài trợ nhưng cũng không được nhiều.
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu tỏ rõ sự trăn trở về những hạn chế ở ngay cả một số huyện của Thủ đô – nơi được đánh giá là một trong những thành phố có công tác đoàn mạnh nhất cả nước. Tuy nhiên, theo anh Hiểu, hiện nay hoạt động đoàn khu vực này đang chịu rất nhiều “sức ép” khách quan, nhất là việc thanh niên nông thôn phải phấn đấu tự lập thân, lập nghiệp. Khi mà những lo lắng về mưu sinh đang “đè nặng” lên đôi vai của mỗi bạn trẻ thì rõ ràng nhu cầu đến với đoàn là không nhiều, thậm chí có thể bị “bỏ qua”. Trong khi đó, việc giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp là trách nhiệm của toàn xã hội, của từng gia đình, tổ chức đoàn chỉ là một nhân tố trong đó. Các cán bộ Đoàn cần có cách nghĩ và làm sáng tạo hơn. Đồng tình với quan điểm này, nhiều cán bộ đoàn tại Hà Nội, Quảng Ngãi, Anh Giang cho rằng: Việc thanh niên rời quê hương đi làm ăn xa là một nhu cầu chính đáng. Không thể phê phán thanh niên nông thôn về việc chưa nhiệt tình tham gia sinh hoạt đoàn bởi bản thân mỗi người đang phải đối mặt và giải quyết những vấn đề thiết thân. Vấn đề quan trọng là tổ chức đoàn, hội cần “có mặt” ở những nơi thanh niên đến và tổ chức đoàn địa phương thì cần mở nhiều hướng đến “giữ” được tổ chức của mình ở cơ sở.
Hiện nay, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã ban hành Đề án “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2010- 2020”, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, đảm nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới… Trước mắt, Tỉnh đoàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức và lối sống trẻ cho thanh niên. Xây dựng một đội ngũ cán bộ đoàn năng động, tâm huyết cùng với những chương trình, dự án thiết thực, đem đến lợi ích cho ĐVTN sẽ phát huy hiệu quả hoạt động của Đoàn trong thời kỳ mới. Tại An Giang, Tỉnh đoàn triển khai Cuộc vận động chi đoàn bốn chủ động, từ năm 2004 đến nay, đã tạo nên một phong trào thi đua tích cực, lan tỏa đến tận các chi đoàn khóm ấp, được sự đồng thuận ủng hộ của các cấp ủy đảng, đặc biệt là đã giúp đội ngũ cán bộ đoàn khóm, ấp xác định được một cách cụ thể các nội dung thực hiện. Tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Quốc Kỷ cho biết: Ngoài việc trẻ hóa và tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, kinh phí cho cán bộ đoàn xã đi học nâng cao trình độ, UBND và Đảng ủy xã luôn ủng hộ tối đa tất cả các hoạt động do Đoàn Thanh niên tham mưu, thậm chí, các anh còn sẵn sàng cấp thêm kinh phí cho Đoàn. Đây là những nguyên nhân quan trọng góp phần để Đoàn xã Việt Hùng trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu của huyện Đông Anh và TP Hà Nội.
Để nâng cao chất lượng tổ chức đoàn, hoạt động đoàn tại khu vực nông thôn, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đoàn viên; chất lượng chi đoàn, đoàn cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn đáp ứng yêu cầu. Đi cùng với đó, nội dung sinh hoạt và hoạt động của Đoàn cần sáng tạo hơn nữa để bắt kịp với sự chuyển động của thanh niên. Cần đặc biệt chú trọng xây dựng và triển khai mạnh mẽ các mô hình giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp; các mô hình sinh hoạt chi đoàn nông thôn. Nhà nước cần đầu tư hợp lý nguồn kinh phí đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vốn phát triển kinh tế gia đình, các tụ điểm vui chơi, sinh hoạt giải trí đối với lực lượng đoàn viên, thanh niên nông thôn.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những khó khăn, hạn chế của hoạt động đoàn tại khu vực nông thôn, có một số cán bộ đoàn chủ chốt các cấp tỏ rõ sự lúng túng, khất hẹn nhiều lần… Có nhiều lý do được đưa ra, trong đó, có người nói rằng, bây giờ là “thời điểm đang tiến hành Đại hội, nếu nhà báo viết về vấn đề này, chúng tôi sẽ dễ bị cấp trên khiển trách”; hay “Nhà báo có thể đổi đề tài khác được không? Thực trạng hoạt động đoàn ở nông thôn đang được chúng tôi tập trung giải quyết, khi nào có kết quả thì mời nhà báo về…”. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn, đặc biệt trong khu vực nông thôn hiện nay là rất cấp thiết. Muốn thực hiện thành công, một trong những yếu tố quan trọng là đội ngũ cán bộ đoàn chủ chốt cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế để từ đó tìm ra những phương thức giải quyết hiệu quả, đồng thời tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền hỗ trợ hoạt động khu vực nông thôn.
Thanh niên nông thôn chiếm tỷ lệ lớn và là lực lượng lao động chính tại địa phương. Thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh niên vào tổ chức đoàn là một trong những khâu then chốt để thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng nông thôn mới; cuốn hút thanh niên tham gia vào các hoạt động, phong trào của Đoàn. Vẫn còn đó một câu hỏi lớn. Phải làm gì để thanh niên nông thôn “ly nông bất ly hương”, giúp họ lập thân, lập nghiệp ngay trên quê hương mình?
Theo Nhandan
Ý kiến ()