Hoạt động đo đạc và bản đồ phải đảm bảo quốc phòng, an ninh
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng
trình bày Báo cáo thẩm tra dự án.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều 1/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và Bản đồ; nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Chăn nuôi.
Thực hiện nguyên tắc đảm bảo bí mật nhà nước
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến của các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 4), một số ý kiến đề nghị bổ sung các nguyên tắc: bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh; kế thừa, sử dụng chung, chia sẻ thông tin để bảo đảm thống nhất, không gây lãng phí; thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động đo đạc và bản đồ; các hoạt động đo đạc và bản đồ phải phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung nguyên tắc hoạt động đo đạc và bản đồ phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; phù hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; kịp thời ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.
Đại biểu K’Nhiễu (Lâm Đồng) cho rằng việc bổ sung nội dung “bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội” vào nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ là rất cần thiết.
Theo đại biểu, hoạt động đo đạc và bản đồ liên quan đến địa giới, địa hình, địa vật từng vị trí bên trong lãnh thổ, gắn với từng khu vực trong các loại bản đồ như bản đồ hành chính, bản đồ địa hình, bản đồ công trình ngầm, bản đồ hàng không dân dụng… của từng địa phương nên cần phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đại biểu cũng kiến nghị bổ sung thêm nguyên tắc “hoạt động đo đạc và bản đồ phải bảo đảm cung cấp dữ liệu địa lý phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao dân trí, thúc đẩy tiến bộ xã hội,” vì đây vừa là nguyên tắc, đồng thời là mục tiêu quan trọng của đo đạc và bản đồ.
Nhấn mạnh một trong những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động đo đạc và bản đồ là phải phù hợp với địa giới hành chính các cấp, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc này. Theo đó, khoản 2 điều 4 dự thảo Luật được điều chỉnh là: “Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, phù hợp với địa giới hành chính các cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.”
Theo đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang), hệ thống cơ sở dữ liệu về đo đạc và bản đồ là tài liệu đặc biệt, vừa để phát triển kinh tế-xã hội nhưng cũng phải đảm bảo an ninh, quốc phòng nên trong quá trình đo đạc, khai thác, sử dụng bản đồ phải thực hiện nguyên tắc đảm bảo bí mật nhà nước. Vì vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc này.
Quy định này cũng phù hợp với khoản 7, điều 6 dự thảo Luật về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc, bản đồ. Cụ thể, khoản 7 điều 6 quy định: Nghiêm cấm phát tán, làm lộ thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Thống nhất quản lý bản đồ công trình ngầm
Về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm (Điều 29), một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát quy định rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; về bản đồ quy hoạch không gian ngầm, bản đồ xây dựng công trình ngầm phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát chỉnh sửa quy định về nội dung đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm bao gồm đo đạc, thành lập, cập nhật bản đồ hiện trạng công trình ngầm; đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ quy hoạch không gian ngầm; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu bản đồ công trình ngầm. Đồng thời, rà soát chỉnh sửa lại quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm, xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ công trình ngầm trong phạm vi quản lý.
Tuy hiện nay năng lực của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh về quản lý hồ sơ, tài liệu các công trình ngầm trên địa bàn còn nhiều bất cập, nhưng quy định nêu trên là cần thiết nhằm thống nhất quản lý tại “một đầu mối,” phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng các công trình ngầm trên địa bàn bảo đảm hiệu quả.
Nêu quan điểm, đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) cho rằng nên để Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm thay vì giao cho Bộ Xây dựng như trong dự thảo Luật.
Đại biểu Lê Minh Chuẩn phân tích việc đo đạc, lập bản đồ trong các công trình ngầm đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, quy chuẩn về công tác đo đạc rất chặt chẽ mà hiện nay đang thực hiện theo chủ trì của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh đó, khoản 2 điều 57 dự thảo Luật quy định rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo trong thực hiện, đại biểu Lê Minh Chuẩn đề nghị giao chủ trì về quản lý bản đồ công trình ngầm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Góp ý về chính sách của nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ (điều 5), đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) đánh giá, ngành đo đạc bản đồ có lịch sử hình thành và phát triển gần 60 năm, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay, ngành đo đạc bản đồ tiếp tục tạo nền tảng cho các hoạt động điều tra cơ bản, thống kê, quy hoạch, sử dụng, bảo vệ các nguồn tài nguyên, nguồn lực thiên nhiên và xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Mặt khác, trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây… đã mang lại những thay đổi có tính chất đột phá cho công nghệ đo đạc và bản đồ làm thay đổi phương thức hoạt động, sử dụng những sản phẩm đo đạc và bản đồ.
“Trên tinh thần đó, tôi mong muốn Điều 5 thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ hơn tầm nhìn chính sách đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, cần nhấn mạnh vai trò của chính sách đầu tư trước một bước để phát triển nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng ngành đo đạc và bản đồ hiện đại, hội nhập quốc tế,” đại biểu Nghiêm Vũ Khải nêu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày
Tờ trình dự án Luật Chăn nuôi.
Thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi
Trước đó, tại phiên làm việc chiều 1/6, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Chăn nuôi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện nay, ngành chăn nuôi đã thay đổi cơ bản về quy mô, phương thức chăn nuôi, ngày càng trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nông nghiệp đồng thời, phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh pháp luật tương ứng để quản lý hiệu quả hơn. Vì thế, việc xây dựng và ban hành Luật Chăn nuôi là hết sức cần thiết nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, kinh tế, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định về quản lý trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi động vật cảnh và động vật bán hoang dã gây nuôi, chế biến, xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước về chăn nuôi. Dự thảo Luật gồm 8 Chương, 65 Điều
Thẩm tra dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản tán thành các nội dung nêu trên như trong Tờ trình Chính phủ, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật liên quan đến điều kiện đầu tư và kinh doanh; đánh giá sự cần thiết và tác động của dự án Luật cho phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính hiện nay.
Đối với nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh (Điều 34), các đại biểu nhấn mạnh, việc sử dụng chất kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để trị bệnh và phòng bệnh cho vật nuôi phải tuân theo quy định của pháp luật về thú y.
Tồn dư kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm chăn nuôi vượt ngưỡng cho phép sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vì vậy không khuyến khích sử dụng kháng sinh, hóa chất trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí với các nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh quy định tại Điều 34 của Dự thảo Luật.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, giải trình cơ sở khoa học của quy định chỉ sử dụng tối đa hai loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi; đồng thời chỉnh sửa các quy định về nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh cho rõ ràng, khả thi hơn./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()