Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24
Chiều 10-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Ðoàn đại biểu Việt Nam đã tới Thủ đô Nây Pi Ðô, Mi-an-ma, bắt đầu các hoạt động tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 từ ngày 10 đến 11-5. Ðón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay, về phía Mi-an-ma có Bộ trưởng Y tế Pê Thét Khin, Ðại sứ Mi-an-ma tại Việt Nam; đại diện Bộ Ngoại giao Mi-an-ma. Về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ðại sứ Việt Nam tại Mi-an-ma Phạm Thanh Dũng; Ðại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Vũ Ðăng Dũng...
* Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam dự Tiệc chiêu đãi trọng thể chào mừng Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 do Tổng thống CHLB Mi-an-ma Thên Xên và Phu nhân chủ trì.
* Trước đó, trong khuôn khổ chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN-24, tại Nây Pi Ðô, Mi-an-ma đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 11 và Hội nghị Hội đồng Ðiều phối ASEAN (ACC) lần thứ 14. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị.
Các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần tăng cường đoàn kết và phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của mình trong việc xử lý các vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển ở khu vực, thúc đẩy xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, cũng như tăng cường quan hệ với các đối tác. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã dành phần lớn thời gian thảo luận về tình hình hiện nay ở Biển Ðông. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã thông báo về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Ðông, nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 và đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự vào sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 80 hải lý đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế,
Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố DOC; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Ðông cũng như các nỗ lực củng cố lòng tin trong khu vực. Các Bộ trưởng đều nhấn mạnh, trước tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Ðông, ASEAN cần phải kịp thời thể hiện lập trường chung của mình nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, ngăn ngừa gia tăng căng thẳng. Việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thông qua Tuyên bố riêng về tình hình hiện nay ở Biển Ðông lần này đã thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Ðông nói riêng và của khu vực nói chung.
Theo Nhandan
Ý kiến ()