Hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu và gần dân
Đánh giá cao kết quả kỳ họp, nhiều đại biểu cho rằng kỳ họp bất thường lần thứ nhất không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược và lâu dài.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 7, sáng 19/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Đổi mới, quyết liệt hành động vì lợi ích của nhân dân
Trình bày dự thảo Báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV được tiến hành trong bối cảnh thực tiễn đất nước đòi hỏi Quốc hội cần phải xem xét, quyết đáp ngay một số vấn đề quan trọng để giải quyết kịp thời những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và phòng, chống dịch COVID-19.
Sau 4,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao, kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công rất tốt đẹp. Thành công của kỳ họp tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt hành động vì lợi ích của nhân dân, luôn trăn trở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và nhân dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, đoàn kết, dân chủ, gần dân, sát với thực tiễn.
Ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh sự kế thừa những kinh nghiệm từ các kỳ họp trước, như việc chuẩn bị từ sớm của các cơ quan hữu quan; sự chỉ đạo, điều hành rất sâu sát, quyết liệt, quyết đoán, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức và tiến hành kỳ họp Quốc hội; việc tuyệt đối tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, nhạy bén, kịp thời, sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị cũng góp phần quan trọng vào thắng lợi của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Đây là tiền lệ tốt, cần được tiếp tục phát huy để hướng tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp hơn, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đáp ứng mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển bền vững của đất nước, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thích ứng linh hoạt, an toàn trong và sau đại dịch.
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu khẳng định việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất có cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý vững chắc. Trong quá trình chuẩn bị cũng như tổ chức thực hiện đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và nội quy kỳ họp, dù là kỳ họp bất thường nhưng đã thực hiện đầy đủ các quy trình theo quy định của pháp luật. Đánh giá cao kết quả kỳ họp, nhiều đại biểu cho rằng, kỳ họp không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược và lâu dài.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng theo dự thảo Báo cáo tổng kết, việc tổ chức kỳ họp nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách nhưng cần nhấn mạnh thêm đây không chỉ là vấn đề cấp thiết trước mắt mà còn đến giai đoạn 2023, 2025 và là tiền đề cho cả nhiệm kỳ tiếp theo.
“Đây là kỳ họp chưa có tiền lệ, chuẩn bị trong thời gian rất ngắn, cấp bách nhưng kết quả rất tích cực, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu của cử tri, nhân dân,” ông Huy đánh giá.
Bên cạnh đó, Báo cáo cần phân tích kỹ hơn nguyên nhân dẫn đến thành công. Trong đó, cần nhấn mạnh đến sự phối hợp của các cơ quan bởi trong một thời gian ngắn, khối lượng công việc lớn, nếu không có sự phối hợp của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc thì rất khó hoàn thành. Một nguyên nhân khác dẫn đến thành công của kỳ họp theo ông Huy là sự điều hành linh hoạt, tinh tế của Đoàn Chủ tịch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá ý tưởng tổ chức kỳ họp đúng, sát thực tiễn, yêu cầu, đường lối chính sách. Việc chuẩn bị cũng được thực hiện sớm, từ trước 6 tháng. Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội. Kỳ họp chỉ diễn ra trong 4,5 ngày với 4 nội dung và đạt đồng thuận cao.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ quyết định triệu tập và tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất cho thấy tinh thần tiếp tục tìm tòi, trăn trở, đổi mới của Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội đã thể hiện tính chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt; thể hiện rõ 3 “quyết” là quyết đoán, quyết tâm và quyết định. Những việc Quốc hội đã quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất nếu để đến khi Quốc hội họp thường kỳ vào tháng 5 tới mới bàn thì sẽ làm lỡ thời cơ của đất nước. Những việc này không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt cho năm 2022, 2023, mà còn có ý nghĩa quan trọng cho cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo. Tất cả các khâu chuẩn bị và tổ chức kỳ họp đều thể hiện rõ tầm nhìn xa, trông rộng và sự vào cuộc chuẩn bị từ sớm, từ xa.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các nghị quyết đã được Quốc hội thông qua cần được tổ chức triển khai thực hiện khẩn trương, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyền truyền rộng rãi kết quả kỳ họp; sớm tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác phục vụ kỳ họp.
Bố trí vốn tập trung, không dàn trải
Trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 từ số vốn chưa phân bổ, phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, điều chỉnh vốn hợp lý giữa các dự án để tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan có liên quan để hoàn thiện danh mục, mức vốn cho từng dự án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với những dự án và mức phân bổ vốn cụ thể cho từng dự án của các bộ, ngành, địa phương đã tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, giao Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn thiện danh mục dự án, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn; đảm bảo việc phê duyệt và giao danh mục phân bổ vốn cho từng dự án phải tuân thủ đúng các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Việc bố trí vốn phải tập trung, không dàn trải; việc thay thế dự án không làm thay đổi tổng mức vốn theo cơ cấu ngành, lĩnh vực đã được Quốc hội quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm và quyết liệt tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị đầu tư, không để tiếp tục ách tắc, chậm trễ kéo dài qua nhiều năm.
Đối với danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án của các bộ, ngành, địa phương chưa tuân thủ đúng quy định, số vốn còn lại chưa phân bổ kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục rà soát, tổng hợp danh mục và phương án phân bổ vốn cho từng dự án theo nguyên tắc, tiêu chí quy định trong Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, khẩn trương phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia trong quý 1/2022 và tập trung trước hết phải xác định đối tượng, tiêu chí, định mức phân bổ để có cơ sở phân bổ vốn cho các chương trình này./.
Ý kiến ()