Ngày 23-9, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về tình hình hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn Thủ đô.Từ năm 2006 đến 2010, thành phố Hà Nội đã có 54 đơn vị tham gia nghiên cứu 242 đề tài, dự án trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều đề tài, dự án có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao. Trong 5 năm qua, thành phố đã ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho phát triển khoa học và công nghệ đạt gần 1.740 tỷ đồng. Công tác quản lý công nghệ trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao việc UBND thành phố đã ban hành quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án, đề án khoa học và công nghệ nhằm đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng thể chế, chiến lược khoa học công nghệ đến năm 2020. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc thực hiện đề tài khoa học công nghệ phải dài hơi, nâng cao tính ứng dụng. Các đơn...
Ngày 23-9, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về tình hình hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn Thủ đô.
Từ năm 2006 đến 2010, thành phố Hà Nội đã có 54 đơn vị tham gia nghiên cứu 242 đề tài, dự án trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều đề tài, dự án có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao. Trong 5 năm qua, thành phố đã ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho phát triển khoa học và công nghệ đạt gần 1.740 tỷ đồng. Công tác quản lý công nghệ trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao việc UBND thành phố đã ban hành quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án, đề án khoa học và công nghệ nhằm đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng thể chế, chiến lược khoa học công nghệ đến năm 2020. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc thực hiện đề tài khoa học công nghệ phải dài hơi, nâng cao tính ứng dụng. Các đơn vị cần định hướng sản phẩm đúng với nhu cầu của thị trường, triển khai đề tài nghiên cứu phù hợp mới lựa chọn thiết bị, rồi nội địa hóa dần các thiết bị để tạo đầu ra cho sản phẩm, giảm chi phí đầu tư. Việc trang bị công nghệ cao và nhân lực có chất lượng sẽ tăng năng suất lao động, dần dần làm giảm nhu cầu về vốn. Đối với đề xuất của Hà Nội về cơ chế phát huy vai trò động lực của khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững của thành phố giai đoạn 2011-2020, Phó Thủ tướng cho rằng: Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ khắc phục rủi ro trong hoạt động khoa học – công nghệ, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng khoa học – công nghệ. Bên cạnh đó, cần xem xét việc phê duyệt, giao đề tài và tài chính, từ đó đổi mới cơ chế tài chính, sử dụng đồng tiền hiệu quả. Phó Thủ tướng yêu cầu hằng năm, lãnh đạo thành phố phải tổ chức gặp gỡ giới khoa học, giao nhiệm vụ cụ thể, đi kèm với đó là công khai những chính sách khuyến khích họ tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Phó Thủ tướng đề nghị, bên cạnh hình thức tổ chức chợ công nghệ quốc gia, nên xây dựng chợ công nghệ trên mạng in-tơ-nét. Thành phố cần tăng cường giám sát năng suất lao động của ngành nông nghiệp và ngành cơ khí, giám sát về không khí, nước thải, môi trường, hạn chế dần việc chôn lấp rác thải mà thay vào đó là ứng dụng khoa học – công nghệ mới để biến rác sinh hoạt thành những sản phẩm hữu ích; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng chính phủ điện tử…
* Sáng 23-9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành đã đến thăm, làm việc với Tổng Công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem).
Tổng Giám đốc Vicem Nguyễn Ngọc Anh cho biết, mặc dù doanh thu chín tháng đầu năm của Tổng Công ty đạt gần 20,5 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 730 tỷ đồng nhưng lại lỗ gần 219 tỷ đồng. Các nguyên nhân chính là: giá cả vật tư đầu vào tăng mạnh; lãi suất vay vốn ngân hàng tăng từ 12 đến 21,5%; chênh lệch tỷ giá lên tới 540 tỷ đồng, nguồn than, điện cung cấp cho sản xuất xi-măng vừa thiếu vừa không ổn định… Hơn nữa, việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ cùng sự trầm lắng của thị trường bất động sản và chính sách thắt chặt tài chính khiến nhiều công trình, dự án phải đình, hoãn, giãn tiến độ. Bên cạnh đó, tất cả các dự án xi-măng đầu tư mới của Tổng Công ty đều bước vào chu kỳ trả nợ đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh, làm giảm lợi nhuận của Vicem.
Sau khi nghe ý kiến của một số lãnh đạo bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận: Mặc dù thị phần của Vicem giảm xuống còn 31%, tuy nhiên, Tổng Công ty vẫn thực hiện theo đúng định hướng của Chính phủ trong việc để các thành phần kinh tế khác tham gia vào thị trường xi-măng. Về ngắn hạn, việc xuất khẩu xi-măng dù chưa đem lại nhiều hiệu quả nhưng cần thiết và hợp lý; về lâu dài, Nhà nước không khuyến khích xuất khẩu xi-măng. Giai đoạn tiếp theo, Vicem cần tập trung xây dựng từng tiêu chí, lộ trình cụ thể để giảm định mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, nâng cao năng suất lao động; duy trì, mở rộng thị trường; tăng cường khả năng dự báo; nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tăng cường công tác tiêu thụ, thị trường, có các giải pháp cơ cấu lại sản xuất, chi phí tài chính, đổi mới công nghệ khai thác trên tiêu chí bảo vệ môi trường, xây dựng chương trình các trạm phát điện tận dụng khí thải lò nung… Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên ngoại tệ để doanh nghiệp trả nợ. Bộ Xây dựng cần tiếp tục tập trung cho công tác quy hoạch phát triển ngành xi-măng phù hợp nhu cầu thị trường; kiên quyết quản lý chặt quy hoạch; nghiên cứu cụ thể và đề xuất với Chính phủ về chương trình làm đường giao thông bằng bê-tông, đồng thời phối hợp Bộ Công thương triển khai chương trình cơ khí trọng điểm để sản xuất thiết bị cho các nhà máy xi-măng thay thế hàng nhập khẩu… Với vai trò là doanh nghiệp Nhà nước, Vicem phải đi đầu trong bình ổn giá trên thị trường, chia sẻ với Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, phấn đấu trong năm 2012, tỷ lệ lạm phát sẽ giảm xuống một con số.
Theo Nhandan
Ý kiến ()