Hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp tại Quảng Lạc: Hiệu quả từ nội lực và chính sách hỗ trợ
– Những năm qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn đã từng bước phát huy hiệu quả hoạt động, thay đổi tư duy sản xuất, hình thành các mối liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Quảng Lạc là xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp với nhiều loại nông sản. Chính vì vậy việc phát triển và nâng cao hiệu quả của HTX nông nghiệp được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm. Ông Phạm Đình Duy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết: Để các HTX duy trì và phát huy hiệu quả, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan đến HTX. Bên cạnh đó, chính quyền xã tiếp tục phối hợp với các phòng chuyên môn của thành phố tổ chức tập huấn, thực hiện ứng dụng kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho người dân, trong đó có các thành viên của HTX. Đồng thời, xã phối hợp với các HTX xây dựng hồ sơ gửi các cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Thành viên HTX Sản xuất và dịch vụ Nông nghiệp Quảng Hồng đóng gói sản phẩm mật ong Hương rừng Xứ Lạng cho khách
Năm 2017, HTX Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp Quảng Hồng được thành lập gồm 9 thành viên với mô hình nuôi ong lấy mật. Ông Hoàng Văn Cương, Phó Giám đốc HTX cho biết: Khi mới thành lập, HTX được Nhà nước hỗ trợ 107 triệu đồng để thực hiện đăng ký, xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm mật ong. Cùng đó, HTX đã chủ động điều hành, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, cộng với kinh nghiệm sản xuất tích lũy từ trước của các hộ thành viên, đến năm 2019, sản phẩm mật ong Hương rừng Xứ Lạng của đơn vị đã được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh; năm 2020, sản phẩm mật ong ngũ gia bì của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao cấp tỉnh. Hiện nay, HTX duy trì trên 400 đàn ong (tăng 200 đàn so với năm 2017). Mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường từ 2.000 đến 3.000 lít mật ong, đem lại doanh thu khoảng 400 đến 500 triệu đồng/năm.
Tương tự, HTX Hoa đào Bản Cao hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng hoa đào cảnh cũng có những bước phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2017, HTX chính thức đi vào hoạt động. Bên cạnh những khó khăn ban đầu về vốn và thị trường, thì HTX rất cần kỹ sư nông nghiệp có trình độ chuyên môn để giúp HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Năm 2020, theo Nghị quyết số 08/2019 của HĐND tỉnh ngày 10/12/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn…, HTX được Nhà nước hỗ trợ đưa trí thức trẻ về làm việc, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển ổn định cho HTX. Từ năm 2020 đến nay, doanh thu của HTX đạt gần 1 tỷ đồng/năm, tăng 40% so với năm 2017.
Không chỉ riêng 2 HTX kể trên, thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn xã Quảng Lạc đã phát huy nội lực và chính sách hỗ trợ của nhà nước để vươn lên như: HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp An Hồng; HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng; HTX nông nghiệp An Sơn… Chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn xã đã và đang không ngừng được nâng lên, các HTX xây dựng được các mô hình sản xuất phù hợp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến nay, trên địa bàn xã Quảng Lạc có 9 HTX đăng kí hoạt động, trong đó, 5/9 HTX hoạt động khá, tốt trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng doanh thu của các HTX đạt trên 7 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho trên 150 lao động ở địa phương, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt từ 4 đến 8 triệu đồng/tháng. Đến nay, toàn xã có 3 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó các sản phẩm đều do HTX làm chủ thể.
Bà Nông Thị Hoa, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lạng Sơn cho biết: Quảng Lạc là một trong những xã điển hình trong việc duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp. Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và sự chủ động của các HTX, thời gian qua, phòng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp như: hỗ trợ thành lập mới, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ các HTX tham gia vào các mô hình, dự án phát triển sản xuất; tuyên truyền vận động thành lập mới HTX…
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố đã hỗ trợ một số HTX nông nghiệp trên địa bàn xã tham gia vào các dự án phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP với tổng kinh phí trên 7,3 tỷ đồng. Trong năm 2021, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn lồng ghép các nội dung về phát triển sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn xã được 28 buổi với sự tham gia gần 840 lượt người. Thời gian tới, phòng tiếp tục tổ chức tập huấn, thực hiện ứng dụng kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho người dân, trong đó có các thành viên của HTX.
Sự chủ động vươn lên của các HTX, cùng với những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước đã giúp các HTX nông nghiệp trên địa bàn xã Quảng Lạc từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả của lĩnh vực kinh tế tập thể, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn.
Ý kiến ()