Hoạt động của chiến sĩ Cứu quốc quân I thời kỳ ở Long Châu (Trung Quốc)
(LSO) – Tháng 8/1941, khi phong trào cách mạng ở Bắc Sơn bị đàn áp khủng bố khốc liệt, để bảo toàn lực lượng, các chiến sĩ Cứu quốc quân I đã lần lượt rút khỏi căn cứ Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn). Một số đồng chí đã sang Long Châu hoạt động, một số gia nhập đội Cứu quốc quân II ở Thái Nguyên (thành lập ngày 15/9/1941 tại Khuôn Mánh, Tràng Xá, Võ Nhai).
Từ tháng 3/1942, Trung đội Cứu quốc quân II cũng sang Long Châu chỉnh đốn đội ngũ và tránh sự khủng bố của địch vào căn cứ Võ Nhai. Long Châu trở thành nơi ghi dấu hoạt động của một số chiến sĩ Cứu quốc quân I như: Chu Văn Tấn (chỉ huy phó), Hà Khai Lạc (đảng viên đầu tiên của chi bộ Bắc Sơn, tiểu đội trưởng), Nguyễn Cao Đàm, Nông Thái Long (chiến sĩ)…
Các tư liệu ở Bảo tàng Long Châu và nội dung trưng bày tại di tích nhà số 74, 76 phố Nam cho biết: đồng chí Chu Văn Tấn đã dẫn đội Cứu quốc quân gồm 49 người đến vùng Xuân Tú (trấn Hạ Đống, huyện Long Châu) – một địa bàn miền núi giáp ranh với Tràng Định của Lạng Sơn. Nơi đây khá an toàn, có nhiều cơ sở quần chúng tin cậy, hết lòng với cách mạng Việt Nam do đồng chí Hoàng Văn Thụ dày công gây dựng và duy trì từ năm 1930.
Hộp và ấm sắc thuốc đồng chí Hà Khai Lạc đã dùng thời kỳ hoạt động tại Long Châu (Trung Quốc)
Quá trình chỉ đạo hoạt động cách mạng, Hồ Chủ tịch cũng thường xuyên qua lại, lưu trú ở đây. Dưới sự bố trí sắp xếp của ông Nông Kỳ Chấn, Phan Toàn Trân, các chiến sĩ Cứu quốc quân đã nhanh chóng chia thành các tổ phân tán vào nhà dân ở các thôn bản như: Bản Cát, Bản Nặc, Nà Thành, Bản Khiếc, bản Hà Độ, Hữu Trang… Nhà nhiều nhất là 10 người, nhà ít vài ba người. Đồng chí Hà Khai Lạc đã về ở nhà ông Hoàng Bính Chi tại bản Cát. Tại đây, các đồng chí đã cùng ăn, ở và cùng lao động sản xuất với người dân địa phương, được họ che chở, chăm sóc chu đáo, vượt qua sự kiểm duyệt gắt gao của lính Quốc dân Đảng. Có lần đồng chí Hà Khai Lạc đang nghỉ trong nhà thì bị hương cảnh Quốc dân Đảng Trung Quốc vào thôn lùng sục, bà Hoàng Nguyệt Sơ – vợ ông Hoàng Bính Chi đã nhanh trí đưa đồng chí Hà Khai Lạc vào ẩn trong chuồng trâu rồi phủ rơm rạ và lá chuối ngụy trang, giúp cho đồng chí thoát hiểm. Sau khi nhanh chóng ổn định sinh hoạt và tổ chức, đội đã tiến hành chỉnh đốn đội ngũ, tổ chức huấn luyện quân sự, mua sắm vũ khí, từng bước móc nối, phát triển các cơ sở cách mạng ở Tràng Định, Thoát Lãng, Văn Uyên, đẩy mạnh tuyên truyền Cách mạng và tích cực chuẩn bị các điều kiện để trở về nước tiếp tục hoạt động. Ngoài Xuân Tú, còn có địa điểm Lũng Ỷ (xã Xuân Sơn, trấn Hạ Đống) là nơi huấn luyện quân của Cứu quốc quân. Trong hồi ký “Kỷ niệm Cứu quốc quân”, Thượng tướng Chu Văn Tấn cho biết: Thời kỳ đó, nhờ sự giúp đỡ của cơ sở, đồng chí Hà Khai Lạc đã công khai hoạt động ở nhiều địa điểm trên địa bàn huyện Long Châu, Bằng Tường. Hiện trong nhà Lưu niệm Hồ Chủ tịch tại di tích nhà số 74, 76 phố Nam có trưng bày một số di vật của đồng chí thời kỳ hoạt động ở đây như: hộp đựng cơm, ấm sắc thuốc… Từ cuối năm 1942 đến tháng 3/1943, các đơn vị Cứu quốc quân lần lượt trở về nước tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động. Các chiến sỹ Cứu quốc quân đã nhanh chóng bắt nhịp với phong trào cách mạng của địa phương mình, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần quan trọng vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Hơn một năm hoạt động ở Long Châu, Cứu quốc quân đã đạt được mục tiêu ban đầu đề ra: Củng cố lực lượng, sắm vũ khí và xây dựng Tràng Định, Thoát Lãng trở thành bàn đạp mở đường trở về mở rộng căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai (Lịch sử Cứu quốc quân. NXB Việt Bắc, 1975). Đó là những sự kiện, mốc dấu quan trọng trong biên niên sử của cách mạng Việt Nam và Cứu quốc quân, giúp mỗi chúng ta hiểu rõ hơn quá trình, diễn biến của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Hơn một năm hoạt động ở Long Châu, Cứu quốc quân đã đạt được mục tiêu ban đầu đề ra: Củng cố lực lượng, sắm vũ khí và xây dựng Tràng Định, Thoát Lãng trở thành bàn đạp mở đường trở về mở rộng căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai |
Ý kiến ()