Hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới còn tiềm ẩn những yếu tố bất thường
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trong bảy tháng đầu năm, đã có 17 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến lãnh thổ nước ta. Dự báo trong những tháng cuối năm 2014, hiện tượng El Nino có khả năng phát triển và tiếp diễn đến các tháng đầu năm 2015.
* Mưa, lũ gây thiệt hại tại Cao Bằng, Hà Giang
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, trong bảy tháng đầu năm, đã có 17 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến lãnh thổ nước ta. Dự báo trong những tháng cuối năm 2014, hiện tượng El Nino có khả năng phát triển và tiếp diễn đến các tháng đầu năm 2015.
Khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta ít hơn bình thường. Tuy nhiên, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trong các tháng tiếp theo tiềm ẩn những yếu tố bất thường, đặc biệt là ở khu vực phía nam lãnh thổ do tác động của hiện tượng El Nino đang có dấu hiệu xuất hiện ngày càng rõ.
Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư dự báo, đến ngày 21-8 mực nước sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên mức 3,4 m; thượng nguồn các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xuất hiện lũ nhỏ.
Nguyên nhân do mưa lớn trên thượng nguồn trong những ngày qua, trên sông Đà, lưu lượng đến hồ Sơn La và hồ Hòa Bình sẽ tăng. Mực nước sông Lô tiếp tục dao động theo điều tiết của các hồ Tuyên Quang và hồ Thác Bà; mực nước sông Thao và hạ lưu sông Hồng sẽ lên.
Văn phòng Ban chỉ huy PCLB các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng cho biết, do mưa lớn tại tỉnh Hà Giang đã có 10 nhà bị lún, nứt, sạt lở; hai trường học, một nhà văn hóa thôn bị tốc mái; 24,3 ha lúa, hoa màu bị hư hại; quốc lộ 34 bị sạt lở với chiều dài 10m. Còn tại tỉnh Cao Bằng, mưa to làm ngập cục bộ một số hộ dân ở xóm Thìn Tắng, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng; một số đường giao thông nông thôn thuộc địa bàn xã Xuân Nộn, huyện Trà Lĩnh và các xã Vân An, Lũng Nặm, huyện Hà Quảng bị sạt lở, ngập úng.
Hiện, các địa phương nêu trên đang khẩn trương giúp người dân khắc phục hậu quả mưa, lũ, ổn định đời sống.
Trong khi đó, tại đồng bằng sông Cửu Long tình trạng xói lở bờ biển đang gặm nhấm dần đất nông nghiệp. Tại tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 385 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở. Nhiều đoạn, tuyến khác tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Trong khi đó nguồn vốn đầu tư chống sạt lở vượt khả năng của địa phương. Điển hình như tuyến bờ biển dài hơn 200 km từ Mũi Nai (thị xã Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh) giáp với Cà Mau, có nhiều đoạn bị sạt lở gần đến chân đê Quốc phòng. Tại tỉnh Trà Vinh, tình trạng sạt lở bờ biển huyện Duyên Hải cũng là vấn đề nan giải, trong đó sóng biển đã phá hơn 10 ha rừng phòng hộ. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở hoàn toàn hơn hai km đê biển hồi cuối năm 2013, làm gần 100 hộ và nhiều diện tích hoa màu bị nước biển tấn công. Còn tại tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài sạt lở ven biển đã lên tới hơn 40 km, có nơi biển đã ăn sâu đất liền hơn 100 m. Tỉnh Cà Mau đang xây dựng một tuyến kè ly tâm dài hơn 4,4 km, nhằm tái tạo rừng, chống sạt lở. Tuy nhiên, các tuyến đê biển ở đồng bằng sông Cửu Long chưa thành chuỗi đê liên kết bảo vệ đất liền cho nên nguy cơ sóng lớn sẽ phá các tuyến đê vừa được xây mới là rất cao.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()