LSO-Là một xã ngoại thành của thành phố Lạng Sơn đang trên đà đô thị hóa, trong những năm qua, xã Hoàng Đồng đã có sự chuyển biến nhanh và tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội (KTXH). Tuy nhiên, chất lượng lao động của địa phương vẫn chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển. Khu dân cư thôn Chi Mạc, xã Hoàng ĐồngĐến cuối năm 2011, xã Hoàng Đồng có 2700 hộ dân với gần 12.000 nhân khẩu, trong đó, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%. Cùng với đà phát triển mạnh mẽ của công tác GD&ĐT thành phố, Hoàng Đồng đã có 4 trường học từ mầm non đến THCS đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm, dân số trong độ tuổi tới trường đạt trên 99%; vì vậy, địa phương vẫn giữ vững thành tích phổ cập THCS, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và đang triển khai mạnh mẽ đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phấn đấu hoàn thành vào năm 2013, đồng thời đang hướng tới phổ cập THPT trên. Với lợi thế có trường Trung cấp nghề...
LSO-Là một xã ngoại thành của thành phố Lạng Sơn đang trên đà đô thị hóa, trong những năm qua, xã Hoàng Đồng đã có sự chuyển biến nhanh và tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội (KTXH). Tuy nhiên, chất lượng lao động của địa phương vẫn chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển.
Khu dân cư thôn Chi Mạc, xã Hoàng Đồng
Đến cuối năm 2011, xã Hoàng Đồng có 2700 hộ dân với gần 12.000 nhân khẩu, trong đó, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%. Cùng với đà phát triển mạnh mẽ của công tác GD&ĐT thành phố, Hoàng Đồng đã có 4 trường học từ mầm non đến THCS đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm, dân số trong độ tuổi tới trường đạt trên 99%; vì vậy, địa phương vẫn giữ vững thành tích phổ cập THCS, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và đang triển khai mạnh mẽ đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phấn đấu hoàn thành vào năm 2013, đồng thời đang hướng tới phổ cập THPT trên. Với lợi thế có trường Trung cấp nghề Việt- Đức trên địa bàn, cơ hội học nghề của thanh niên địa phương rất rõ ràng. Là “điểm nối” giữa thành phố Lạng Sơn và thị trấn Đồng Đăng, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng phát triển, công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư từng bước được thực hiện đã tạo điều kiện cho người dân địa phương nhiều cơ hội phát triển một nền nông lâm nghiệp hàng hóa và việc làm cho lao động trẻ. Được sự quan tâm của tỉnh và thành phố cũng như sự tác động của các doanh nghiệp trên địa bàn, địa phương đã có sự chuyển dịch nhanh về cơ cấu kinh tế dần theo hướng nông lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; nhiều mô hình kinh tế đã manh nha xuất hiện mang lại thu nhập cho người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo. Đến cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ ở mức 1,1% (giảm 0,6% so với năm 2010). Tuy ở vào thế “thiên thời, địa lợi”, song Hoàng Đồng vẫn chưa có sự bứt phá nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới. Các ngành nghề chưa được mở rộng, kinh tế nông lâm nghiệp chưa đạt hiệu quả cao. Địa phương chưa có sự gắn kết giữa hiệu quả đào tạo của công tác GD&ĐT với công tác đào tạo nghề. Anh Đoàn Minh Hiếu, thôn Quán Hồ tâm sự với chúng tôi rằng, với môi trường thuận lợi ở địa phương, thanh niên hoàn toàn có thể tham gia học nghề và tự tạo việc làm cho mình. Bản thân anh, do gia đình thiếu ruộng đất nên anh đã học nghề sửa chữa xe máy từ năm 2003 và mở cửa hiệu. Tuy vậy, ông Lã Nghiệp Mào, Trưởng thôn cho biết: “Ở một thôn có 176 hộ dân này, những người như anh Hiếu còn ít lắm. Tâm lý chung của nhiều người chỉ là “kiếm miếng mỡ nổi”, đi vác hàng thuê, sang Trung Quốc lao động thời vụ hoặc vào một số doanh nghiệp của nước bạn để làm công. Thu nhập cũng khá, nhưng không chắc chắn. Trong những năm qua, Hoàng Đồng là địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng với diện tích khá lớn với trên 400 hộ dân của tổng số 13/20 thôn bản bị ảnh hưởng. Nguyện vọng của người dân là được đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Thực hiện chính sách của Nhà nước trong công tác dạy nghề, nhất là Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn theo Chương trình 1956 của Chính phủ, chính quyền và các ngành đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, song chẳng có mấy thanh niên vào học tại trường Trung cấp nghề Việt Đức. Làm việc với chúng tôi, ông Hoàng Văn Ẩm, thôn Khòn Pịt cho biết, thôn có 76 hộ dân, hầu hết bị ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng khu đô thị nam Hoàng Đồng, nhiều hộ đã mất 100% diện tích đất nông nghiệp. Ông nói rằng, mọi năm sau tháng Giêng là người người đã ra đồng, nhưng vài năm nay, lao động địa phương phân tán đi cả, người thì đi “cất” rau bán cho khách du lịch ở thành phố, người thì đi bốc vác, phu hồ, người thì đi xa hàng chục cây số kiếm củi bán… nhìn chung, hầu hết là lao động giản đơn, thu nhập thấp. Do thiếu đất sản xuất và còn yếu kém về tư duy kinh tế, nên nhiều nông dân trong thôn nhận tiền đền bù lại “đầu tư” vào chuyện sửa sang nhà cửa, mua sắm xe máy, ti vi, phương tiện sinh hoạt trong nhà. Mải “đầu tư”, nhìn đi nhìn lại thấy tiền cứ vơi dần mới thấy lo.
Ông Chu Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Đồng trăn trở rằng, làm sao phải biến vị trí thuận lợi của địa phương thành lợi thế để phát triển. Nguồn lực lao động dồi dào, lại ở vào thế “điểm nối” các khu kinh tế đang phát triển mạnh, nhưng lại chưa có sự bứt phá nhanh. Cấp ủy, chính quyền luôn trăn trở mở hướng cho người dân, song hiệu quả chưa đạt như mong muốn do người dân chưa phát huy tốt tính tự lập của mình.
Minh Hồng
Ý kiến ()