Hoãn tiêm chủng COVID-19 với 3 trường hợp
Ngày 10/8, Bộ Y tế đã ra Quyết định 3802/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Theo đó, Bộ hướng dẫn trì hoãn tiêm chủng đối với 3 trường hợp.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, trì hoãn tiêm chủng khi có bất kỳ một điểm bất thường đối với các đối tượng sau: 1- Tiền sử rõ ràng bị COVID-19 trong vòng 6 tháng; 2- Đang mắc bệnh cấp tính; 3- Phụ nữ mang thai < 13 tuần.
Chống chỉ định tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khi có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine phòng COVID-19.
Chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu phản vệ đối với đối tượng phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.
Nhóm thận trọng khi tiêm chủng gồm: 1- Phụ nữ mang thai >= 13 tuần; 2- Đang bị suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối đang điều trị hóa trị, xạ trị; 3- Tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; 4- Tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu; 5- Rối loạn tri giác, rối loạn hành vi; 6- Bất thường dấu hiệu sống.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ, chống chỉ định vaccine Sputnik V với phụ nữ mang thai và cho con bú. Với phụ nữ mang thai >= 13 tuần, giải thích lợi ích/nguy cơ và ký cam kết nếu đồng ý tiêm và chuyển đến cơ sở có cấp cứu sản khoa để tiêm.
Theo Bộ Y tế, các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; phụ nữ mang thai >= 13 tuần; người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: Nhiệt độ < 35,5 oC và > 37,5 oC; mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hằng ngày (ở người tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế), nhịp thở > 25 lần/phút.
Ý kiến ()