Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường: Động lực để tiếp tục phát triển đất nước
5 năm qua, trong điều kiện khó khăn chung của kinh tế khu vực và thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng bình quân gần 6%. Điều này cho thấy sự đúng đắn của chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đây cũng chính là động lực để Việt Nam bước tiếp trên con đường đã lựa chọn.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm tạo ra xung lực mới cho sự phát triển của đất nước. 5 năm qua, thực hiện chủ trương này, bên cạnh việc không ngừng đổi mới về tư duy, Đảng cùng các cơ quan nhà nước đã không ngừng có những bước đi cụ thể về mặt thể chế, luật pháp để thực sự phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế – xã hội. Từ đó, vai trò, hiệu quả, sức cạnh tranh của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế được nâng lên. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, bình đẳng và thông thoáng hơn.
Đề cập đến hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế – xã hội. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã từng bước phù hợp với cơ chế thị trường; hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh.
Đặc biệt với các quyền tự do kinh doanh của người dân được hiến định trong Hiến pháp và các đạo luật ra đời trong thời gian vừa qua đã tạo nên một xung lực mới, đưa đất nước không chỉ thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, mà còn vươn lên trở thành một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục đạt mức khá cao so với mức bình quân của khu vực và thế giới.
Trong 5 năm qua, đã có hơn 550 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa hay sắp xếp lại. Nhà nước đang chuyển giao nhiều lĩnh vực do Nhà nước quản lý cho khu vực tư nhân để chuyên tâm vào nhiệm vụ kiến tạo, phục vụ phát triển. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa càng được thể hiện rõ nét hơn trong Hiến pháp 2013, trong đó lần đầu tiên quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nhân, của doanh nghiệp được hiến định. Trên nền tảng bản Hiến pháp năm 2013, các bộ luật như: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay Luật Đầu tư (sửa đổi) đã chính thức công nhận người dân được tự do kinh doanh ở mọi lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Cùng với đó là hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu; đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế; tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN; hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO; đàm phán, ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thế hệ mới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém: Hoàn thiện thể chế kinh tế còn chậm, thiếu kiên quyết; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược.
Kết quả triển khai, thực thi thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn hạn chế, chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển. Nhà nước còn can thiệp trực tiếp, quá lớn trong nền kinh tế. Cùng với đó là một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, chưa thể hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. Hầu hết doanh nghiệp tư nhân quy mô còn nhỏ, thiếu liên kết, khả năng ứng phó với các rủi ro yếu. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động chủ yếu trong các ngành sử dụng nhiều lao động, khai thác tài nguyên và còn hạn chế trong chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến.
Mặt khác, vẫn còn tình trạng bao cấp, xin – cho trong xây dựng và thực hiện một số cơ chế, chính sách. Hội nhập kinh tế quốc tế chưa kết hợp và phát huy tốt nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phát triển.
Dự thảo báo cáo Chính trị cũng nêu rõ, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại chủ yếu là do nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đủ rõ, nhất là về kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, cơ chế phân bổ nguồn lực, sở hữu đất đai, cơ chế giá một số hàng hoá, dịch vụ công thiết yếu. Chưa thật sự phát huy đầy đủ quyền tự do kinh doanh của người dân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Cơ chế thực thi và phối kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật còn kém hiệu lực, hiệu quả…
Để khắc phục những hạn chế này, dự thảo Báo cáo chính trị cũng nêu rõ phương hướng, mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến năm 2021.
Theo đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; đặc biệt, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế – xã hội và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế – xã hội…
Đề cập đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh yêu cầu Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Theo đó, Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội… Xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ rõ: Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và căn bản. Kinh tế đã có đổi mới nhiều nhất nhưng phải tiếp tục đổi mới theo hướng kinh tế thị trường hoàn thiện, đến cùng, học kinh nghiệm của các nước phát triển để làm. Về bản chất thì kinh tế thị trường trong chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản không khác nhau, đều phải là kinh tế thị trường. Chỉ có điều, trình độ phát triển thì chủ nghĩa xã hội phải hơn…
Liên quan đến các giải pháp để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế – Luật, (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, khi đã chuyển hóa các hình thức sở hữu theo thị trường, thì vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta phải thể hiện bằng hệ thống các công cụ quản lý. Cụ thể là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm tạo ra một khung pháp lý cho mọi quan hệ kinh tế và quan hệ xã hội, điều chỉnh các chủ thể của hoạt động kinh tế; đổi mới nội dung và phương pháp kế hoạch hóa, chuyển từ chức năng phân phối sang chức năng dự báo, qui hoạch, thông tin và cân đối; can thiệp và điều tiết “bàn tay vô hình” của cơ chế thị trường bằng các chính sách đòn bẩy kinh tế; Nhà nước can thiệp vào thị trường trực tiếp bằng chính sản phẩm và dịch vụ của mình là những hàng hóa và dịch vụ công…. Trong quá trình đó, sẽ là phù hợp nếu kinh tế nhà nước thể hiện vai trò chủ đạo thông qua việc nhà nước thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển và định hướng lại lĩnh vực mà Nhà nước cần đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Nhà nước chỉ làm trong giới hạn quản lý của mình còn thị trường thì có quy luật của thị trường. Dự thảo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định, đã định nghĩa khá rõ thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và sự tác động của Nhà nước vào nền kinh tế thị trường đến đâu, vai trò của nhà nước như thế nào. Chúng ta phải ý thức là việc đó phải làm lâu dài bởi tổ chức lại bộ máy, cơ chế, phân cấp lại trung ương với địa phương, nhiệm vụ các bộ, ngành, chính phủ phải thay đổi… Đây là công việc lâu dài, nhưng không thể chậm trễ vì đó việc rất quan trọng…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()