Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo động lực phát triển
Nhìn lại từ năm 1991 đến năm 2010, giai đoạn nào có sự đổi mới mạnh về thể chế kinh tế thì đều tạo ra sức bật tăng trưởng. Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trở thành một trong ba khâu đột phá chiến lược là hoàn toàn đúng đắn.Sức bật tăng trưởng nhờ đổi mới thể chế kinh tếTrong hai mươi năm thực hiện sự nghiệp CNH-HĐH nền kinh tế, tính từ năm 1991 đến nay, nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng cao nhất là trong năm năm đầu (1991-1995, riêng năm 1995 GDP tăng 9,5%, mức cao nhất cho đến nay) và kéo dài đến hết năm 1996 (GDP tăng 9,3%), trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1999). Có thể nói giai đoạn này là thời kỳ nền kinh tế có sức bật mạnh nhất, nhờ động lực đổi mới thể chế kinh tế (chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế mới). Nhưng thời gian tăng trưởng chỉ được bốn năm (1992-1996), cuộc khủng hoảng tài chính khu...
Sức bật tăng trưởng nhờ đổi mới thể chế kinh tế
Trong hai mươi năm thực hiện sự nghiệp CNH-HĐH nền kinh tế, tính từ năm 1991 đến nay, nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng cao nhất là trong năm năm đầu (1991-1995, riêng năm 1995 GDP tăng 9,5%, mức cao nhất cho đến nay) và kéo dài đến hết năm 1996 (GDP tăng 9,3%), trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1999). Có thể nói giai đoạn này là thời kỳ nền kinh tế có sức bật mạnh nhất, nhờ động lực đổi mới thể chế kinh tế (chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế mới). Nhưng thời gian tăng trưởng chỉ được bốn năm (1992-1996), cuộc khủng hoảng tài chính khu vực đã kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế từ năm 1997 đến năm 2000, mà năm 1999 được xem là đáy của suy giảm (GDP tăng 4,8%). Thể chế kinh tế chưa đồng bộ và đủ mạnh để phát huy năng lực nội sinh của nền kinh tế (nội lực), nên dù quy mô nền kinh tế còn quá nhỏ vẫn không 'trụ' được khi có tác động từ bên ngoài. Trong thời kỳ này, Đảng đề ra chủ trương phát huy nội lực, dựa vào nội lực là chủ yếu để phát triển. Trên thực tế, việc đổi mới thể chế kinh tế không theo kịp và chưa đáp ứng được chủ trương trên. Bước qua giai đoạn 2001-2005, tình hình kinh tế khu vực và thế giới diễn biến thuận lợi, môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện hơn, nền kinh tế đã phục hồi tốc độ tăng trưởng, nhưng chưa lấy lại được tốc độ của giai đoạn 1992-1996 (năm cao nhất là 2005, GDP cũng chỉ 8,4%) và bắt đầu suy giảm dần từ năm 2006 (tăng 8,2%) cho đến chạm đáy vào quý 1-2009 (3,1%) do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong ba năm qua, chúng ta đã thành công trong việc chèo lái để đưa nền kinh tế thoát nhanh khỏi tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; nhưng cũng thể hiện rõ hơn những tiềm ẩn bất ổn từ cơ cấu kinh tế. Trên thực tế, nền kinh tế nước ta chưa ra khỏi giai đoạn 1 (gia công, lắp ráp; xuất khẩu thô, lao động rẻ, dựa vào nước ngoài) của bốn giai đoạn trong quá trình CNH, nên càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, thì tình trạng nhập siêu càng tăng và dễ bị tổn thương do tác động bên ngoài. Sự tăng đột biến về đầu tư từ năm 2001 đến nay, làm tăng nhanh hệ số ICOR (năm 1991, yếu tố vốn chỉ đóng góp 8,4% vào tốc độ tăng trưởng; lao động 16,9%; năng suất tổng hợp 74,7%; thì đến năm 2000, các con số trên vào là 47,4%; 13,8% và 38,8%; năm 2005 là: 59,8%; 16,4% và 23,8%; năm 2007 là: 59,5%; 14,8% và 27,7%…).
Đột phá khâu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN
Điểm qua một số nét về những mặt tích cực và hạn chế qua bốn kế hoạch năm năm để càng khẳng định rằng: trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 tập trung vào ba đột phá chiến lược như đề ra trong Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 là đúng đắn. Chúng tôi cho rằng, cần đột phá vào khâu hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo động lực cho doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng chính là tiền đề để thực hiện hai khâu đột phá còn lại (nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng). Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều nội dung, nhưng trong những năm tới, tôi đề nghị quan tâm các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, chính sách kinh tế ưu tiên cho bài toán 'tam nông'. Chúng ta phải nhận diện cho được những nhược điểm của nền nông nghiệp Việt Nam trên các phương diện cơ cấu sản phẩm, phương thức tổ chức sản xuất và tình trạng 'thất nghiệp trá hình' trong khu vực nông nghiệp. Sự chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp cần đặt trọng tâm là cơ cấu lao động, chứ không phải cơ cấu giá trị. Ở đây có nhiều vấn đề liên quan đến quan điểm lớn như: duy trì mô hình nông hộ với hạn điền 3 ha hay phát triển theo quy mô mang lại hiệu quả nhất? Phương thức tổ chức sản xuất; chính sách giảm rủi ro thị trường cho sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; vấn đề ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác và chế biến nông sản; vấn đề đào tạo để chuyển lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp; vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn… Cần xem lại tư duy cơ cấu kinh tế tỉnh; tránh tình trạng đất đai là 'bờ xôi ruộng mật' biến thành các khu công nghiệp hoặc đô thị; thúc đẩy sự bố trí sản xuất và dân cư trên phạm vi các vùng kinh tế. Xây dựng và ban hành chính sách để các vùng chuyên canh lúa (2, 3 vụ) có thể cải thiện đời sống không thấp hơn người lao động trong các khu công nghiệp nhằm tránh tư tưởng bỏ sở trường chạy theo sở đoản ở các vùng chuyên canh nông nghiệp. Xây dựng các 'cứ điểm công – nông nghiệp' theo quy mô vùng (Agro-industrial Clusters), nhằm nâng cao giá trị nông sản.
Thứ hai, sử dụng chính sách tài khóa và tín dụng để phát triển công nghiệp phụ trợ, chuyển nền kinh tế từ gia công sang sản xuất là nhân tố quyết định sự thành công khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm hàng hóa dịch vụ được nhìn nhận dưới ba công đoạn: (1) Công đoạn nghiên cứu, thiết kế mẫu mã, sản xuất linh kiện phụ kiện, chi tiết của sản phẩm; (2) Công đoạn sản xuất bao gồm gia công, lắp ráp tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh và (3) Công đoạn phân phối, tổ chức bán hàng. Trong ba công đoạn trên thì công đoạn 1 có giá trị gia tăng cao nhất, tiếp đến là công đoạn 3; công đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất là công đoạn 2. Nền công nghiệp nước ta chủ yếu ở công đoạn thứ hai này. Trong chiến lược CNH, phải hướng nền kinh tế vào công đoạn 1 và tham gia vào công đoạn 3. Nếu không làm như vậy thì nền kinh tế nước ta chỉ là một công xưởng để gia công cho các tập đoàn đa quốc gia mà thôi. Sử dụng chính sách thuế và chính sách tín dụng như là những công cụ chủ yếu để phát triển công nghiệp phụ trợ và sự hình thành các cứ điểm sản xuất công nghiệp.
Thứ ba, sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước như công cụ để khắc phục và hạn chế những khuyết tật của thị trường.
Tái cấu trúc lực lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để lực lượng này thật sự là sức mạnh vật chất, cùng với thể chế kinh tế trở thành công cụ điều tiết thị trường có hiệu quả. Đây là một nội dung rất quan trọng, không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, mà còn gắn kết được vấn đề kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Cần ban hành Luật kinh doanh vốn nhà nước để điều chỉnh hoạt động kinh doanh vốn nhà nước (từ 1-7-2010 Luật DNNN hết hiệu lực đã tạo ra lỗ hổng về hoạt động của lực lượng DNNN). Luật Doanh nghiệp hiện hành chỉ điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp, không điều chỉnh mối quan hệ giữa chủ sở hữu là Nhà nước với pháp nhân doanh nghiệp và người quản trị doanh nghiệp; không điều chỉnh mục tiêu sử dụng vốn của Nhà nước.
Thứ tư, chế định mô hình 'công tư hợp tác' (PPP) trong đầu tư.
Mô hình PPP là phương thức đầu tư, mà theo đó Nhà nước bù đắp cho nhà đầu tư phần hiệu quả kinh tế của dự án mang lại, nhưng không mang lại hiệu quả tài chính trực tiếp cho nhà đầu tư. Hiện nay ở nước ta nhiều dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng được thực hiện theo hình thức này, trong đó có các dự án về giao thông, cấp nước, thu hút công nghiệp công nghệ cao… Với phương thức này, vốn đầu tư của ngân sách nhà nước trở thành 'vốn mồi' để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay chưa có khung pháp lý rõ ràng cho hình thức đầu tư này, mà còn mang tính tự phát, nên cần được chế định khung pháp lý ở tầm quốc gia. Nếu áp dụng rộng rãi mô hình PPP, thì nhiều loại dịch vụ và hàng hóa công cộng có thể thu hút khu vực tư nhân đầu tư, thu hẹp số lượng DNNN đang thực hiện. Đây chính là hình thức đầu tư, mà nhà nước bổ khuyết cho thị trường, góp phần thực hiện chức năng của nhà nước trong quản lý kinh tế.
Thứ năm, xây dựng nền hành chính phục vụ dựa trên cơ sở hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ công, các định chế yểm trợ. Hiện nay, luật pháp nước ta chưa chế định các định chế cung cấp dịch vụ công phi lợi nhuận. Cần xác định rõ bản chất của định chế cung cấp dịch vụ công phi lợi nhuận là các tổ chức cung cấp các dịch vụ công cho xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học, dịch vụ đô thị, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ thông tin; các tổ chức khuyến nông, khuyến ngư… do các thành phần kinh tế và Nhà nước đầu tư; được thành lập để phục vụ cho lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng, mà nhà đầu tư không thu lợi nhuận về cho mình (nhà đầu tư không thu lợi nhuận không có nghĩa là tổ chức đó không hoạt động kinh doanh, mà phải mang tính chất kinh doanh nhằm tích tụ vốn để không ngừng phát triển). Để thực hiện vai trò này của Nhà nước, cần sớm xây dựng một đạo luật về các tổ chức dịch vụ công phi lợi nhuận. Khi có đạo luật này, thì vai trò quản lý Nhà nước chính là giám sát sự hoạt động của các tổ chức trên, chứ không phải làm thay các tổ chức này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()