Hoàn thiện phương án phân vùng để tăng liên kết, hợp tác phát triển
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
2 phương án phân vùng
Phương án phân vùng là tiền đề để lập các quy hoạch vùng. Do đó, việc xây dựng và thông qua Phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết để có cơ sở kịp thời triển khai lập các quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030.
Hiện nay, nước ta được phân thành 6 vùng kinh tế- xã hội gồm vùng trung du và miền núi phía Bắc (14 tỉnh), vùng đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố), vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố), vùng Tây Nguyên (5 tỉnh), vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố).
Triển khai Luật Quy hoạch , Bộ KH&ĐT đã chủ động nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí và đề xuất các phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các bộ, ngành về phương án phân vùng, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ 2 phương án phân vùng.
Phương án 1 sẽ giữ nguyên 2 vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, tách vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện tại thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc, tách vùng duyên hải miền Trung hiện tại thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ (tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa vào vùng Nam Trung Bộ), điều chỉnh 1 tỉnh (Bình Thuận) sang vùng Đông Nam Bộ và gộp 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông) vào vùng Nam Trung Bộ. Vùng Đông Nam Bộ mới được hình thành trên cơ sở vùng Đông Nam Bộ hiện nay và bổ sung thêm 2 tỉnh (Lâm Đồng và Bình Thuận).
Theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, phương án này được 1 bộ và 4 địa phương đồng thuận.
Trong khi đó, phương án 2 được đa số các bộ, ngành, địa phương đồng thuận. Tính đến ngày 4/6, phương án này được 10/14 bộ, ngành và 49/59 địa phương chọn. Đây là phương án do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề xuất và chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện.
Theo đó, tách vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành 2 vùng, đó là vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ (tỉnh Thừa Thiên-Huế ở vùng Bắc Trung Bộ), mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.
Với phương án này, vùng miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh; vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ gồm 15 tỉnh, mở rộng thêm 4 tỉnh là Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang; vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế; vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Các vùng Tây Nguyên (5 tỉnh), Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố)vẫn giữ nguyên như hiện nay.
Nhóm các tỉnh có điều kiện tương đồng để phát triển nhanh hơn
Theo ý kiến các bộ, ngành, phương án 2 được đánh giá là có tính kế thừa phương án phân vùng trước đây, tính ổn định cao và ít gây xáo trộn về vùng. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển mới cho vùng đồng bằng sông Hồng, hình thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và tạo điều kiện cho một số tỉnh trước đây thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc có điều kiện phát triển nhanh hơn.
Việc tách vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành hai vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ cũng được đánh giá là hợp lý, do vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hiện quá dài, đến hơn 1.300 km, do đó các hoạt động giao lưu, kết nối hạn chế. Vùng này lại có diện tích quá lớn, trải qua nhiều vùng văn hóa, lịch sử và con người rất khác nhau, có sự khác biệt đặc trưng về khí hậu tiết giữa hai phần Nam và Bắc đèo Hải Vân ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế-xã hội.
Phương án phân vùng này cũng đưa ra việc mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang để hình thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, do đây là các tỉnh có điều kiện tự nhiên và xã hội rất thuận lợi để tăng tốc phát triển, có có sự gắn kết hữu cơ, hai chiều với Hà Nội và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.
Cụ thể, Hòa Bình-Hà Nội gắn kết về thị trường dịch vụ du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng. Phú Thọ, Thái Nguyên-Hà Nội và các tỉnh gắn kết qua phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu như gang thép Thái Nguyên, Samsung, giấy Bãi Bằng… Bắc Giang gắn kết với các địa phương qua phát triển các khu công nghiệp xuất khẩu…
Với phương án này, các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ có điều kiện tương đồng về nhiều mặt, do đó rất thuận lợi cho việc triển khai các chính sách ưu tiên đầu tư phát triển.
Việc mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng là yêu cầu tất yếu để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, để có thêm không gian cho phát triển, đồng thời kết nối, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển của các tỉnh mở rộng. Sau khi mở rộng, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ có đặc điểm: Tổng số gồm 15 tỉnh, tuy nhiên có nhiều tỉnh diện tích nhỏ nhất cả nước như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình.
Về vùng Tây Nguyên, phương án 2 cho rằng cần phải giữ quy hoạch vùng, không thể ghép với vùng Nam Trung Bộ. Lý do là vùng Tây Nguyên có những đặc trưng văn hóa, dân tộc và đời sống xã hội cần được chú trọng để phát huy. Tây Nguyên có nhiều yếu tố về kinh tế-xã hội, an ninh chính trị cần được quan tâm, có chính sách riêng để xử lý hài hòa. Bên cạnh đó, về điều kiện tự nhiên, địa hình vùng Tây Nguyên khác so với các tỉnh Nam Trung Bộ: Có địa hình cao, là cao nguyên đá xếp tầng có độ cao trung bình từ 600-800 m so với mực nước biển, khí hậu cận xích đạo có hai mùa mưu và khô rõ rệt.
Phương án phân vùng 2 |
Phải có cơ chế quản lý, liên kết vùng hiệu quả
Phát biểu tại cuộc họp, đa số chuyên gia ủng hộ phương án 2 với nhiều yếu tố hợp lý hơn, góp ý điều chỉnh một số nội dung, đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề về phân vùng, quy hoạch.
GS.TS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, trước khi nghiên cứu các phương án phân vùng thì phải đặt câu hỏi phân vùng để làm gì?
Theo ông Thái, trước đây chúng ta đã có nhiều quy hoạch, nhưng vấn đề phát triển vùng, liên kết vùng còn nhiều hạn chế. Vấn đề cần đặt ra là cần thể chế về chính sách, pháp luật để quy hoạch gắn kết các tỉnh thành, gắn kết nguồn lực. Nếu không thì phân vùng, quy hoạch chỉ là sự cộng dồn của các địa phương.
“Nhân quy hoạch về phân vùng này thì cần kiến nghị thêm về cơ chế điều hành, điều tiết trong các vùng. Đây là điểm yếu nhất từ quy hoạch đến thực tiễn”, ông Thái nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS. Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, chúng ta đã có những quy hoạch, nhưng thiếu 3 vấn đề về thể chế rất lớn, đó là cơ quan điều phối vùng, chính sách tài khóa vùng, chính sách liên kết vùng. Trong đó, cơ quan điều phối vùng, chính sách tài khóa vùng thì không hiện diện trong các văn bản pháp luật, còn vấn đề liên kết vùng được đề cập đến nhiều, nhưng việc thực hiện còn mờ nhạt trên thực tiễn.
Từ đó, ông Trần Trọng Hanh kiến nghị Bộ KH&ĐT cần nghiên cứu phân vùng kỹ càng hơn, có căn cứ khoa học, tính tối ưu; nghiên cứu các thể chế phát triển vùng; thành lập hội đồng vùng, có chính sách tài khóa vùng, liên kết vùng giữa Nhà nước, thị trường và dân sự.
TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc phân định các vùng, cần tạo các vùng kinh tế trọng điểm, vùng đặc thù để tạo ra động lực cho phát triển. Đại biểu kiến nghị vùng Thủ đô và vùng TPHCM là 2 vùng đặc thù.
Bên cạnh đó, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, khi đã có phân vùng thì phải xây dựng quy chế hợp tác trong nội vùng, để khắc phục hạn chế hiện nay các tỉnh phải tự xúc tiến hợp tác với nhau. Ông Nghiêm đề xuất cần có quỹ hợp tác vùng, do Chính phủ quyết định, bởi không có quỹ thì không thể đẩy mạnh hợp tác.
Hoàn thiện phương án trình Chính phủ quyết định
Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ KH&ĐT đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các phương án phân vùng, sau đó tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện phương án.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là quy hoạch có tính tích hợp đa ngành, nhằm đưa ra phương hướng phát triển tổng thể, đồng bộ của toàn vùng. Quy hoạch vùng làm nổi bật lên những đặc trưng, tạo ra không gian kết nối, hỗ trợ và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần, bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Qua ý kiến của các chuyên gia (đa số đồng thuận với phương án 2), Phó Thủ tướng nhấn mạnh lại những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện như: Mục tiêu của phân vùng, cơ chế hợp tác, liên kết vùng, những tác động về chính sách thông qua kết cấu hạ tầng, thu hút nguồn vốn đầu tư, không gian phát triển của vùng…
Theo Phó Thủ tướng, phân vùng phải tính đến sự tương đồng về yếu tố địa lý, tự nhiên, kinh tế-xã hội, văn hóa, dân tộc… phát huy tiềm năng lợi thế của vùng, các địa phương để phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời ứng phó với các thách thức, phát huy sự gắn kết trong nội vùng. Ngoài các vùng kinh tế còn cần các vùng đặc thù để tạo động lực phát triển.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ KH&ĐT tổng hợp các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ quyết định về phương án phân vùng ngay trong tháng 6 này.
Ý kiến ()