Hoàn thiện pháp luật thanh tra nhằm tăng cường thu hồi tài sản bị chiếm đoạt
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi nhằm khắc phục các bất cập, chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, đồng thời, phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm, đặc biệt là sớm bổ sung các quy định về thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong quá trình thanh tra.
Thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong hoạt động thanh tra. Xung quanh nội dung này, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản, qua rà soát cho thấy, pháp luật thanh tra hiện hành có một số vấn đề như sau.
Trưởng đoàn thanh tra khi cần thiết có thể kiểm kê tài sản liên quan đến nội dung thanh tra của đối tượng thanh tra. “Khi cần thiết” ở đây được hiểu là trường hợp khi thanh tra, nếu phát hiện giữa sổ sách, chứng từ với thực tế có chênh lệch, bất hợp lý, hoặc có dấu hiệu chiếm dụng, chiếm đoạt, có hành vi chiếm dụng, chiếm đoạt tài sản.
Trong quá trình thanh tra, khi xét thấy cần ngăn chặn ngay việc vi phạm pháp luật, hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý, trưởng đoàn thanh tra yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển phân tích: Khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản thì trưởng đoàn thanh tra có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra. Khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra nhà nước hoặc của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì người ra quyết định thanh tra có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra.
Theo đó, người ra quyết định thanh tra quyết định thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép, hoặc bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra. Việc thu hồi được thực hiện khi có căn cứ kết luận tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra. Quyết định thu hồi phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền, tài sản phải thu hồi, trách nhiệm của cơ quan thực hiện, thời gian thực hiện, trách nhiệm của đối tượng có tiền, tài sản bị thu hồi. Người ra quyết định thu hồi tiền, tài sản có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định thu hồi đó.
Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, việc thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, bị sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra theo quy định của Luật Thanh tra cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thực sự phát huy được vai trò của hoạt động thanh tra với tính chất là hoạt động nhằm phát hiện sớm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi tham nhũng. Đồng thời, chưa bảo đảm nguyên tắc xử lý tài sản tham nhũng đã được Luật Phòng, chống tham nhũng quy định, đó là tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật; thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3 nguyên nhân và 3 giải pháp trong thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt
Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những khó khăn, vướng mắc này là do các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản bị sử dụng trái phép, bị chiếm đoạt hoặc thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra qua hoạt động thanh tra còn có một số hạn chế, bất cập. Đại biểu chỉ rõ:
Thứ nhất, quá trình phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với hành vi tham nhũng, hoạt động thanh tra đóng vai trò quan trọng. Ở giai đoạn này, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nguy cơ tẩu tán tài sản của đối tượng thanh tra là cần thiết, trong nhiều trường hợp sẽ là tiền đề cho việc thu hồi tài sản sau này. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật và có căn cứ cho rằng đối tượng có hành vi tẩu tán tài sản, người có thẩm quyền chỉ được phép thực hiện một biện pháp mang tính chất ngăn chặn, đó là yêu cầu tổ chức tín dụng phong toả tài khoản của đối tượng thanh tra.
Thứ hai, thu hồi tiền, tài sản qua hoạt động thanh tra là một kênh rất quan trọng để sớm thu hồi tiền, tài sản bị sử dụng trái phép, bị thất thoát, bị chiếm đoạt do hành vi trái pháp luật gây ra. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thanh tra hiện hành, đoàn thanh tra là chủ thể trực tiếp thanh tra chỉ có quyền kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật về việc thu hồi tiền, tài sản, còn việc ra quyết định thu hồi thuộc thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp cơ quan thanh tra đưa ra kiến nghị, nhưng việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị không triệt để, nghiêm túc, hiệu quả chưa cao.
Thứ ba, theo quy định của Luật Thanh tra, việc áp dụng một trong các biện pháp như tạm giữ tiền, đồ vật sử dụng trái phép, phong toả tài khoản, hay kiểm kê tài sản của đối tượng thanh tra chỉ được thực hiện đối với tiền, tài sản liên quan đến nội dung thanh tra, hay nói cách khác là tiền, tài sản trong phạm vi thanh tra. Trường hợp phát hiện tiền, tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, nhưng không thuộc phạm vi thanh tra thì người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra cũng không được áp dụng một trong các biện pháp trên, kể cả trong trường hợp phát hiện dấu hiệu của việc chuyển dịch tài sản.
Trên cơ sở đó, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề xuất một số nội dung có thể nghiên cứu, xem xét bổ sung vào pháp luật thanh tra.
Một là, bổ sung một số biện pháp ngăn chặn mà cơ quan thanh tra có thể áp dụng nhằm ngăn chặn nguy cơ tẩu tán tiền, tài sản. Theo đó, cùng với việc nghiên cứu giao trưởng đoàn thanh tra có thẩm quyền quyết định phong toả tài khoản của đối tượng thanh tra, thì cũng cần nghiên cứu giao trưởng đoàn thanh tra có thể áp dụng cả biện pháp tạm giữ tiền, đồ vật, giấy tờ nếu có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra sẽ tẩu tán các tài sản này.
Hai là, để bảo đảm việc thu hồi có hiệu quả, cần nghiên cứu bổ sung quy định cho phép đoàn thanh tra hoặc thanh viên viên thực hiện việc xác minh, kê biên đối với tài sản của đối tượng thanh tra cần thu hồi trước khi kiến nghị với người có thẩm quyền. Các quy định này nếu được bổ sung cũng sẽ góp phần tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của đoàn thanh tra, thanh tra viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Riêng đối với trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm, thì cùng với việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự, cần nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, chuyển tiếp đối với các biện pháp ngăn chặn mà trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra đã thực hiện để ngăn ngừa nguy cơ tẩu tán tài sản, dịch chuyển tiền, tài sản trong quá trình chuyển giao.
Ba là, một trong những nhiệm vụ mới mà các cơ quan thanh tra nhà nước các cấp được pháp luật về phòng, chống tham nhũng giao là kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Do đó, để khắc phục vướng mắc trong trường hợp phát hiện tiền, tài sản không thuộc phạm vi thanh tra, nhưng có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, hoặc có căn cứ cho rằng tiền, tài sản đó là kết quả của hành vi tẩu tán, chuyển dịch của đối tượng thanh tra là người có chức vụ, quyền hạn, thì Luật Thanh tra cũng cần bổ sung quy định trưởng đoàn thanh tra, hoặc thanh tra viên có quyền yêu cầu cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập cung cấp thông tin có liên quan để trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp phù hợp, hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra cho thấy, trong giai đoạn từ 1/7/2011 đến 31/12/2021, toàn ngành thanh tra đã triển khai 77.916 cuộc thành tra hành chính và 2.170.153 cuộc thanh tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 376.007 tỷ đồng và 33.238 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 486.114 tỷ đồng, 95.505 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật đối với 18.390 tập thể, 40.044 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 46.926 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.253 vụ, 1.292 đối tượng.
Ý kiến ()