Hoàn thiện luật quản lý đất đai để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
Sau khi xây dựng nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến từ các cơ quan quản lý, tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ và trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố và lấy ý kiến góp ý Luật Đất đai (sửa đổi)”. (Ảnh HỒNG THÁI) |
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, Quốc hội đã đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Căn cứ kết quả tổng kết thực tiễn và nghiên cứu, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về cơ bản, bố cục được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm hai chương (bổ sung thêm một chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư thành hai chương). Cụ thể, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), gồm: 16 chương; 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ tám điều.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra tám điểm đổi mới quan trọng. Thứ nhất, dự thảo quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là người đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của hiến pháp về sở hữu đất đai và quyền con người…
Thứ hai, hoàn thiện đồng bộ các quy định về việc xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất ở ba cấp, gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển.
Thứ ba, công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, thuê đất, chủ yếu giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm huy động các nguồn lực xã hội…
Thứ tư, phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn để khơi thông nguồn lực; đồng thời phải đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, thiết lập các cơ chế quản lý của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất, kiểm soát và quản lý biến động của thửa đất được cập nhật theo thời gian thực từ địa phương về Trung ương…
Thứ năm, tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; chỉ thu hồi đất sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ…
Thứ sáu, chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý về hành chính sang thực hiện đồng bộ các công cụ kinh tế, quy hoạch, hành chính để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai; bỏ khung giá đất, đồng thời hoàn thiện các quy định về giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch…
Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện các quyền của người sử dụng đất để thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, vốn hóa thị trường, phát huy nguồn lực đất đai, nhất là quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm.
Thứ tám, hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác, đất mặt nước sử dụng đa mục đích, sử dụng không gian ngầm, trên không,… để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát triển.
Đánh giá về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Quốc hội vào tháng 10/2022, TS Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam cho rằng: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng công phu, nghiêm túc, đã thể chế hóa được các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII).
Đáng chú ý, dự thảo Luật đã có nhiều quy định mới có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp trong thời kỳ mới, trong đó có những điểm có tính đột phá như: Bổ sung quy định thời hạn sử dụng ổn định lâu dài đối với đất rừng sản xuất giao cho cộng đồng dân cư, đơn vị vũ trang, ban quản lý rừng và một số trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức sử dụng của hộ gia đình, cá nhân; quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (so với hạn mức không quá 10 lần theo quy định của Luật Đất đai 2013). Bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp…
Dự thảo cũng có một số quy định mới về quyền của người sử dụng đất, như: Bổ sung quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định không phụ thuộc vào nơi cư trú, nơi đóng trụ sở; sửa đổi quy định về điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo hướng trường hợp thực hiện thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa thì không yêu cầu phải có giấy chứng nhận… Đây là những điểm mới rất quan trọng, góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những bất cập hiện tại; đồng thời đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, nhất là các tổ chức kinh tế trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn ở nước ta…
Ý kiến ()