Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Tại Phiên họp thứ 48 diễn ra vào ngày 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội tại phiên họp. |
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định quan điểm, cần thiết phải pháp điển hóa nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào 1 đạo luật chung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự.
Việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.
Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Bảo đảm sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở; xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
“Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong việc xác định, phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thực hiện và giới hạn, phạm vi, cách thức thực hiện để tránh việc lạm dụng, tùy tiện, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”, Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng gồm 5 chương, 35 điều.
Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm điều kiện hoạt động, quan hệ công tác, tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật xác định đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia phối hợp, hỗ trợ Công an chính quy trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã; tham gia xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Dự thảo Luật điều chỉnh thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thành nhiệm vụ chung của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ”, tránh trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, phường, thị trấn chính quy và chính quyền cơ sở.
Về sắp xếp, bố trí lực lượng, dự thảo Luật quy định các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được sắp xếp, bố trí thống nhất thành 1 lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí thành Tổ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã.
Dự thảo Luật cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bộ trưởng Tô Lâm Báo cáo tại phiên họp. |
Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với những lý do chính như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhất là sau khi Bộ Công an triển khai thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy theo Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị và theo quy định của Luật Công an nhân dân.
Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh thấy rằng, về cơ bản các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các quy định của pháp luật có liên quan; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, còn có những ý kiến khác nhau như các quy định về tuyển chọn, thành lập, công nhận chức danh; nơi làm việc, trang bị, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận và các chế độ, chính sách khác như trong dự thảo Luật có thể dẫn đến việc “chuyên nghiệp hóa”, “chính quy hóa” lực lượng này, làm phát sinh kinh phí, trùng dẫm với một số quy định của pháp luật có liên quan.
Có ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể hơn về dự kiến tổng số người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sau khi thành lập; nguồn kinh phí cần thiết để đảm bảo cho lực lượng này hoạt động (như nơi làm việc, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, trang phục, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp…), làm căn cứ trình Quốc hội cho ý kiến.
Do đó đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp tục rà soát kỹ từng nội dung dự thảo Luật nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan và bảo đảm tính khả thi.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cũng cho rằng dự thảo Luật này có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức “lực lượng”, kinh phí, ngân sách bảo đảm và nhiều vấn đề liên quan đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; nội dung của dự thảo Luật chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc cho thực hiện thí điểm trong một thời gian, tại một số địa phương nhất định để có thời gian tổng kết, đánh giá kỹ tính khả thi của chính sách trước khi ban hành Luật; hoặc đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành nghị định quy định việc sử dụng Công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, mà chưa cần ban hành Luật.
Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tư ở cơ sở, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cơ bản thống nhất với quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở như dự thảo Luật song đề nghị xác định rõ hơn vị trí, địa vị pháp lý của lực lượng này để phù hợp với quan điểm của Đảng về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xác định rõ hơn vị trí của lực lượng này để làm căn cứ xác định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bố trí lực lượng và xác định danh gọi của cá nhân tham gia lực lượng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở theo tinh thần là lực lượng quần chúng tự nguyện.
Về tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Ủy ban đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn, trình độ văn hóa, độ tuổi, thời hạn phục vụ; quy trình tuyển chọn; bố trí lực lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tế nguồn nhân lực ở địa bàn cơ sở của mỗi địa phương; đề nghị không tuyển chọn vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đối với những người đang là Dân quân tự vệ, người đã được sắp xếp vào lực lượng dự bị động viên để tránh chồng chéo trong việc huy động, sử dụng lực lượng.
Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của Công an cấp huyện trong công tác tuyển chọn; bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quản lý, giám sát đối với lực lượng này và nghiên cứu quy định theo hướng cộng đồng dân cư bình bầu, giới thiệu dưới sự chủ trì của Ban công tác Mặt trận; Công an phối hợp với các cơ quan, tổ chức thẩm định nhân sự, đề xuất để Ủy ban nhân dân công nhận./.
Ý kiến ()