Hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai
2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương; tài nguyên và môi trường là hai nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng, tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh …
Trong khuôn khổ Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành cả ngày 16/3 để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương; tài nguyên và môi trường.
Đây là phiên chất vấn đầu tiên tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đây là hai nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng, tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, quản lý Nhà nước, không chỉ tập trung vào 2 bộ quản lý trên, mà còn liên quan đến các bộ, ngành khác.
Làm chủ sản xuất xăng dầu trong nước
Trong nhóm lĩnh vực công thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận sự quan tâm của các đại biểu trên nhiều lĩnh vực quản lý ngành.
Đó là giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản; giải pháp để thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.
Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là những giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19.
Nêu vấn đề xuất khẩu nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu Trung Quốc thời gian qua cho thấy sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa nội địa, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này.
Giải đáp chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, hàng hóa ùn ứ cho thấy chiến lược sản xuất, tiêu thụ nông sản còn luẩn quẩn, bế tắc.
Để giải bài toán này, Bộ trưởng cho biết không dưới 3 lần Bộ Công Thương có kiến nghị Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và các địa phương cần có quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, bám sát tín hiệu thị trường.
Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu giữ cách làm cũ thực sự bị động. Các địa phương cần có quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng kế hoạch, đề án sản xuất theo yêu cầu từng thị trường.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Công Thương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trao đổi, hướng dẫn thông tin và tập huấn nghiệp vụ ngành hàng cho doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm, để các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp hướng dẫn về quy cách hàng hóa, tiêu chuẩn, tập quán tiêu dùng địa phương. “Đây cũng là cách để chúng ta có thể chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, tiểu ngạch, sang chính ngạch,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Về nỗ lực giải quyết ùn tắc nông sản ở biên giới, cơ quan chức năng của Việt Nam đã có rất nhiều cuộc họp và trao đổi với đối tác phía Trung Quốc. Tình hình dịch ở các tỉnh phía Bắc nước ta và Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero COVID,” nhiều thành phố bị phong tỏa, nên đã gây không ít khó khăn.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp xây dựng một đề án liên quan vấn đề này. Cụ thể, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ xây dựng đề án xuất khẩu qua biên giới theo chính ngạch, với các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể. Hiện Bộ đã trình Chính phủ, khi Chính phủ thông qua, đây sẽ là cơ sở để triển khai.
Đối với vấn đề “nóng” hiện nay về tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua, Bộ trưởng Công Thương cho biết, những ngày qua, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến do đứt gãy nguồn cung ở những nước có sản lượng lớn và tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, làm thị trường xăng dầu thế giới đảo lộn, tăng biên độ từ 40-60%. Trong nước, nguồn cung gặp khó khăn bởi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất đột ngột, có lúc xuống chỉ còn 55%, khi cao hơn cũng chỉ đạt 80%.
Trước tình hình này, ngay từ đầu tháng 1, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp chỉ đạo hệ thống, yêu cầu tất cả những doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu phải nhập đủ sản lượng do nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt để bảo đảm nguồn cung trong nước.
“Với chỉ đạo quyết liệt này, đến giữa tháng 2, nguồn cung xăng dầu đủ đáp ứng được đến hết tháng 3. Bộ cũng chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu trong tháng 3 vượt sản lượng nhập khẩu bình thường. Nguồn cung không lúc nào thiếu,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Về giá, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính đã điều hành theo đúng quy định của pháp luật, 10 ngày/lần và bám sát diễn biến giá thế giới. Biên độ giá tăng của thế giới là 40-60% nhưng biên độ của Việt Nam chỉ 29-40%.
Để đạt được như vậy, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã điều hành rất linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu, dù số dư Quỹ không lớn nhưng đã cố gắng đưa ra mức hỗ trợ từ 500-1.500 đồng/lít xăng dầu, vì thế giá xăng dầu đã giảm.
Gần đây, khi giá tăng, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc giảm thuế bảo vệ môi trường để góp phần giảm giá xăng dầu trong nước, giúp phục hồi kinh tế.
Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu lên 2 vấn đề cử tri và doanh nghiệp rất quan tâm. Đó là có tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, không bán hàng; giá tăng liên tục trong nhiều kỳ, cần làm rõ nguyên nhân để cử tri, nhân dân hiểu rõ.
Về giá xăng tăng cao, Phó Thủ tướng cho biết Nhà máy Nghi Sơn sản lượng bị suy giảm; sự phối hợp giữa các kênh phân phối chưa tốt. Tỷ lệ cửa hàng đóng cửa tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng, người dân lo ngại thiếu xăng dầu.
“Dự trữ, nhập khẩu, sản xuất có khoảng 3 triệu tấn thì nguyên nhân chính là điều phối phối hợp giữa nhà phân phối cấp 1, cấp 2, cấp 3 với cửa hàng xăng dầu là có vấn đề. Cái này phải làm rõ,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về giải pháp, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo các khâu sản xuất, nhập khẩu và phân phối. Chính phủ đã chỉ đạo Nhà máy Bình Sơn sản xuất tăng 105%, Nghi Sơn cam kết sản xuất trở lại, nhập khẩu cho quý II/2022 tăng thêm là 2,4 triệu m3. Dự trữ cũng đảm bảo đúng quy định.
Chính phủ đã giao cho thanh tra, các cơ quan pháp luật làm rõ việc dự trữ hiện có theo đúng quy định không. Việc đóng cửa một số cửa hàng phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý triệt để.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết xăng dầu là mặt hàng phải kiểm soát và bình ổn giá. Trước hết, tính tới việc giảm phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bảo đảm theo cơ chế thị trường nhưng phải so sánh, tính toán việc ảnh hưởng tới sản xuất, lạm phát.
Về giải pháp trong lâu dài, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định tinh thần dứt khoát phải làm chủ sản xuất xăng dầu trong nước và theo quy hoạch sẽ có nhà máy lọc dầu có quy mô sản xuất 10 triệu m3 tại Vũng Tàu.
Kết luận đối với lĩnh vực này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, đảm bảo cung cầu, về giá xăng dầu trong bất cứ tình huống và hoàn cảnh nào.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có giải pháp tổng thể, căn cơ để kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đảm bảo an ninh năng lượng ngay từ trong nước; xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh; nghiên cứu, đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống; thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch, rạch ròi giữa dự trữ quốc gia, dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh, đầu mối về xăng dầu.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai
Đăng đàn trả lời nhóm lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tập trung vào 3 nhóm vấn đề quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; lợi dụng đấu thầu để “thổi giá đất”; xả thải của các nhà máy, xử lý chất thải công nghiệp…
Về phản ánh của đại biểu đối với những bức xúc trước hiện tượng đấu giá đất có chuyện “bắt tay ngầm,” nhà đầu tư bỏ giá trên trời rồi bỏ cọc, điển hình là vụ đấu giá ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất, gây sốt đất ảo, thiết lập giá đất mới trong quá trình giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận việc đấu giá đất không chỉ thổi giá mà còn có tình trạng dìm giá, “quân xanh-quân đỏ.”
Hiện tượng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng, làm biến động thị trường bất động sản, thất thoát tài sản, ảnh hưởng toàn bộ đến nền kinh tế, hệ lụy đặc biệt tới cả ngành ngân hàng.
Về chuyện “quân xanh-quân đỏ,” Bộ trưởng khẳng định phải tăng cường thanh tra, kiểm tra từ phía các cơ quan công quyền; bởi đã có thực trạng suy thoái của cán bộ, cùng với nhà đấu giá lợi dụng việc này.
Theo Bộ trưởng, phải có chế tài mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề “đấu giá bỏ cọc”. Bên tham gia đấu giá bỏ cọc thì phải có chế tài xử lý mạnh để họ không tham gia được; có chế tài “đánh” vào kinh tế để đảm bảo sức răn đe.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng. Có nhiều nguyên nhân, góc độ pháp luật, điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau về đấu giá, đất đai, tài chính, thuế. Do nhiều luật nên quy định đang bị thiếu hụt; một loại tài sản như đất đai không thể so với các loại tài sản khác khi đấu giá. Đất đai phải có phương pháp, trình tự đấu giá khác…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin, về vấn đề găm đất, nâng giá, Bộ đang tính toán. Có những doanh nghiệp găm đất, để chờ giá lên, không muốn đầu tư dự án thì phải dùng công cụ về thuế.
“Công cụ về thuế sẽ làm cho người đang ôm đất bỏ đất ra. Giá đất đang cao có thể thấp xuống,” Bộ trưởng nói. Trong khi đó, người thu nhập trung bình ở Việt Nam đang thiếu nhà cửa. Do đó, Bộ trưởng cho biết, các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, công chức, viên chức sẽ được xây dựng để có giá phù hợp.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, bảo đảm căn cứ và yêu cầu của thực tiễn để nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật có liên quan, cũng như các văn bản hướng dẫn luật để khắc phục vướng mắc, hạn chế, bất cập hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị khẩn trương hoàn thành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất; tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê, nhưng chậm đưa vào sử dụng, các hành vi gây ô nhiễm đất, thoái hóa đất. Hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai…
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thật tốt dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại đợt 2 Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3./.
Ý kiến ()