Hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển tín dụng tiêu dùng
Mặc dù có sự phát triển hơn trong mấy năm trở lại đây nhưng thị trường tín dụng tiêu dùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân dẫn đến tình trạng tín dụng “đen” gia tăng với lãi suất thực tế lên đến hàng trăm % mỗi năm. Vì vậy đòi hỏi hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển tín dụng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.
Hình ảnh tại Tọa đàm |
Đó là nhận định của các chuyên gia tài chính tại Toạ đàm“Tài chính tiêu dùng – Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển” do báo Đầu tư tổ chức hôm nay (25/3) tại Hà Nội.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước -NHNN) cho biết, tiêu dùng là động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển sản xuất và tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế. Cùng với sự phát triển kinh tế thì mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng, theo đó nhu cầu về tài chính tiêu dùng phục vụ đời sống cũng tăng cao.
Theo bà Tùng, cho vay tiêu dùng một mặt giúp đáp ứng nhu cầu của người dân chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đại diện NHNN cho biết, trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV thông tin, dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung đã đạt mức khá cao đạt 1,8 triệu tỷ đồng tới năm 2020, chiếm 20% dư nợ cho vay nền kinh tế. Tính riêng nhóm các công ty tài chính tiêu dùng thì dư nợ đạt khoảng khoảng 130.000 tỷ đồng.
Theo thông tin công bố trên website của riêng 3 công ty lớn nhất thị trường là FE Credit, Home Credit và HD Saison, tổng số lượng khách hàng giao dịch đã lên đến 30 triệu tại 37.000 điểm bán.
Tuy nhiên, bà Tùng cho biết, qua theo dõi hoạt động cho vay tiêu dùng, cần phải nhìn nhận thực tế rằng, mặc dù ngành ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn do các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; quá trình thẩm định cấp tín dụng khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không đảm bảo.
Trong khi đó, hoạt động cấp tín dụng nói chung, trong đó có cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng vẫn phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn và an toàn hệ thống. Thời gian qua, hoạt động cho vay tiêu dùng, đặc biệt tại các công ty tài chính bộc lộ một số rủi ro tiềm ẩn về nợ xấu.
Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội còn chưa được bổ sung nguồn vốn kịp thời để cho vay các chương trình tín dụng chính sách phục vụ tiêu dùng của người nghèo, các đối tượng chính sách, đặc biệt là cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên… trong khi nhu cầu của người dân là rất lớn.
Đặc biệt, một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân tại các vùng sâu, vùng xa, do chưa có nhiều thông tin về tín dụng ngân hàng nên bị các kênh cho vay không chính thức tiếp cận cho vay với lãi suất cao. Một số khách hàng tìm đến các kênh tín dụng phi chính thức do thói quen tiêu dùng, mục đích vay vốn không hợp pháp hoặc không đủ điều kiện vay vốn tại các nguồn cung cấp tín dụng chính thức, phát sịnh nhiều vụ việc tranh chấp, ảnh hưởng đến danh tiếng của các công ty tiêu dùng do nhầm tưởng các đối tượng vay vốn là công ty tài chính tiêu dùng.
Vì thế, bà Tùng cho biết, trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân.
Góp ý một số giải pháp phát triển thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, bền vững, TS. Cấn Văn lực cho rằng, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý. Cùng vớ đó, các công ty tài chính, cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch bệnh.
Đồng thời, vị này cũng kiến nghị cần chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng, Mobile Money…)
Cũng về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) kiến nghị, nâng cao nhận thức người dân là rất quan trọng. Cần phải để người dân gánh chịu rủi ro để tự mình nhận lấy bài học. Chính phủ cần tính đến việc phá sản tư nhân để các khoản nợ được giải quyết. Ngoài ra, cũng phải bảo vệ tổ chức cho vay./.
Ý kiến ()