Hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Do tiềm lực còn nhiều hạn chế, việc đầu tư cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế đột phá để giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được cho là các hoạt động tập trung vào đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình sản xuất, quy trình quản lý dựa trên công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới cách thức tiếp cận và phát triển thị trường. Trong đó, đổi mới công nghệ có vai trò và tác động quan trọng đối với các nội dung và hoạt động đổi mới khác.
Đối với các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hằng ngày phải đối diện với những khó khăn, thách thức cho sự tồn tại, lại ít có điều kiện tiếp cận các cơ chế, chính sách của Nhà nước thì việc giúp họ hiểu được bản chất và cơ hội do đổi mới sáng tạo đem lại cho sự phát triển doanh nghiệp rất quan trọng. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn công nghệ và hỗ trợ xúc tiến đầu tư đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp là những hoạt động rất cần thiết, cần được tiến hành thường xuyên, có hệ thống và chuyên nghiệp.
Thực hiện chủ trương và chiến lược của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ với mục tiêu cung cấp các hỗ trợ đồng bộ cho doanh nghiệp, từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và kết nối đầu tư.
Có thể kể đến các chương trình như: Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài; chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; chương trình phát triển sản phẩm quốc gia… Đáng chú ý, thông qua chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ đã được doanh nghiệp hấp thu và làm chủ; hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ; năng suất lao động trung bình tăng mạnh sau đổi mới công nghệ, sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường; doanh thu của các doanh nghiệp tăng hơn hai lần, lợi nhuận tăng khoảng 2,4 lần so với trước. Với những thành công bước đầu này, trong giai đoạn tới, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia để đưa các nhiệm vụ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng nguồn vốn ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ.
Các hoạt động nêu trên đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý và tạo nên chuỗi hỗ trợ có hệ thống, tập hợp được các nguồn lực cần thiết trong nước và quốc tế để cùng triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động đổi mới sáng tạo đã phát sinh những bất cập cần sớm được tháo gỡ.
Theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), quản lý đổi mới sáng tạo đang bị phân tán với nhiều bên tham gia và hạn chế về điều phối. Nhiều trường hợp Bộ Khoa học và Công nghệ không đủ thẩm quyền để giải quyết một số vấn đề chính sách về đổi mới sáng tạo, trong khi đó, nhiều chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo mang tính vượt khung so với luật pháp hiện hành và đòi hỏi phải có quyết định liên ngành. Hoạt động đổi mới sáng tạo và thực thi chính sách, hỗ trợ đổi mới sáng tạo đôi khi không có sự phối hợp, điều phối và thậm chí còn cạnh tranh với nhau, dễ dẫn đến khả năng trùng lặp và lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, việc xây dựng và thực thi chính sách cũng đang thiếu sự tham vấn của khu vực tư nhân và thiếu quy trình phản hồi từ khu vực tư nhân một cách có hệ thống để thiết kế chính sách đổi mới sáng tạo sát thực hơn.
Để giải quyết các bất cập nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần thống nhất quản lý nhà nước về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành, các cấp trung ương và địa phương trong bối cảnh mới. Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý và công tác quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, các hệ thống đổi mới sáng tạo vùng, ngành, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam, trong đó doanh nghiệp có vai trò là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Tạ Việt Dũng, cần chú trọng xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, vượt trội để thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.
Ý kiến ()