Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo
Cơ quan soạn thảo dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi, bổ sung) đang lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện dự thảo Luật, sẽ trình Bộ Tư pháp thẩm định vào giữa tháng 5 tới. Mới nhất (ngày 26/4) tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra Hội thảo lấy ý kiến dự luật này. Đại diện cơ quan soạn thảo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho rằng, những sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật nhằm tạo điều kiện thông thoáng giúp hoạt động quảng cáo phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa.
Quy định pháp luật hiện hành còn chồng chéo, bất cập khiến doanh nghiệp quảng cáo trong nước gặp nhiều khó khăn, dẫn đến những vi phạm trong hoạt động. Vấn đề nổi cộm trong thời gian dài và gây khó khăn cho doanh nghiệp quảng cáo thời quan qua là việc các địa phương chưa phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn, mà nguyên nhân một phần do độ “vênh” giữa các luật chuyên ngành liên quan. Từ năm 2013 (khi Luật Quảng cáo có hiệu lực), quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại các thành phố hầu hết bị “treo”. Lý do bởi quy định “vị trí mới đặt quảng cáo ngoài trời phải được đấu thầu” trong Luật không khả thi.
Tại nhiều khu vực ở Hà Nội, các biển quảng cáo ngoài trời đủ các hình dáng, lộn xộn… gây mất mỹ quan đô thị, do quảng cáo còn lẫn lộn cả biển quảng cáo và biển hiệu (biển hiệu lộn xộn nhiều hơn biển quảng cáo). Song, nhìn nhận công bằng, nguyên nhân là “tại cả đôi bên” - cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội tạm dừng chấp thuận nội dung thông báo giới thiệu sản phẩm quảng cáo, không tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của bất cứ đơn vị nào, dù vị trí đó đã nằm trong quy hoạch cũ hay xin làm mới. Và nhiều doanh nghiệp đã làm liều, đặt biển quảng cáo tùy tiện, lộn xộn, sai vị trí. Năm 2018, Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2050.
Nhưng đến nay đã sáu năm, Hà Nội vẫn chưa triển khai cụ thể, cũng chưa xem xét gia hạn màn hình LED khiến doanh nghiệp khó tìm kiếm được khách hàng quảng cáo cũng như giải trình hồ sơ pháp lý với địa phương nơi lắp đặt màn hình. Chưa kể, một vướng mắc khác do một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời (Bộ Xây dựng quy định) đã lạc hậu, không thích hợp với thực tế quảng cáo bằng màn hình LED - một công nghệ mới, khiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có văn bản đề nghị điều chỉnh, sửa đổi.
Quảng cáo là một phần trong cuộc sống hằng ngày và là ngành đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam kỳ vọng hành lang pháp lý thông thoáng được hoàn thiện để ngành quảng cáo phát triển; đồng thời, tạo công cụ quản lý nhà nước hiệu quả, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan đến công trình quảng cáo trên hành lang an toàn giao thông, đất nông nghiệp… và thủ tục cấp phép quảng cáo để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch.
Đã đến lúc cần thay đổi một số chính sách lớn để cho hoạt động quảng cáo mang tính đồng bộ và thống nhất với các luật chuyên ngành hiện hành. Với quảng cáo ngoài trời, trước hết là quy hoạch quảng cáo; thứ hai là thủ tục hành chính; thứ ba là kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Quảng cáo là ngành sáng tạo, là lĩnh vực đa ngành (kinh tế, công nghệ, văn hóa-nghệ thuật và cảnh quan đô thị), buộc chính các doanh nghiệp phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn. Quảng cáo phải nâng tầm thương hiệu, quảng cáo cần được tiếp cận theo cách mới - là ngành công nghiệp văn hóa. Song, muốn xây dựng bức tranh mới cho ngành quảng cáo thật sự là ngành công nghiệp văn hóa, trước hết cần hoàn thiện hành lang pháp lý.
Ý kiến ()