Hoàn thiện hành lang pháp lý cho công nghiệp quốc phòng
Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (CNQP) được ban hành năm 2008, Pháp lệnh Động viên công nghiệp (ĐVCN) được ban hành năm 2003 đã tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để ngành CNQP nước ta phát triển mạnh mẽ, công tác ĐVCN ngày càng nền nếp hơn.
Để ngành CNQP nước ta lớn mạnh hơn, sẵn sàng cho mọi tình huống bảo vệ Tổ quốc và vươn tới năng lực xuất khẩu, để thể chế hóa quan điểm mới của Đảng về phát triển CNQP cũng như thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 thì đây là thời điểm chín muồi để xây dựng, ban hành luật về CNQP và ĐVCN.
Tầm vóc mới của công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp
Kể từ khi Pháp lệnh CNQP, Pháp lệnh ĐVCN được ban hành đến nay, nền CNQP và công tác ĐVCN của nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp quốc phòng đã có bước nhảy vọt cả về quy mô và chất lượng…
Thành tựu xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8 đến 10-12-2022 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân. Trong thời gian triển lãm mở cửa đón nhân dân vào tham quan, hàng nghìn người dân từ khắp nơi đổ về xếp hàng dài để được chứng kiến thành quả CNQP Việt Nam và bạn bè quốc tế. Những vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) do các cơ sở CNQP Việt Nam nghiên cứu, phát triển, sản xuất được trưng bày tại triển lãm đã gây ấn tượng mạnh cho nhân dân và bạn bè quốc tế, cho thấy ngành CNQP Việt Nam đạt tầm vóc mới. Thành quả rất lớn đó có được là từ chủ trương, chính sách phát triển CNQP của Đảng, Nhà nước ta, trong đó có Pháp lệnh CNQP, Pháp lệnh ĐVCN.
Dây chuyền sản xuất các linh kiện bán dẫn xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Điện tử Sao Mai (Z181), Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. |
Thiếu tướng Lương Thanh Chương, Phó chủ nhiệm Tổng cục CNQP cho biết, Bộ Quốc phòng đã tiến hành tổng kết thi hành Pháp lệnh CNQP. Kết quả tổng kết cho thấy, sau 12 năm, việc xây dựng và phát triển CNQP Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Công tác nghiên cứu khoa học, thiết kế, sản xuất, sửa chữa VKTBKT đã có bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, thiết thực, phục vụ đắc lực nhiệm vụ nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu sản xuất quốc phòng và nhu cầu trang bị của Quân đội. Công tác đầu tư tiềm lực cho khoa học công nghệ và nghiên cứu thiết kế sản xuất, sửa chữa VKTBKT luôn được chú trọng. Trong giai đoạn 2008-2021 có hơn 80% VKTBKT do CNQP sản xuất là kết quả của các đề tài nghiên cứu.
Đến nay, CNQP đã cơ bản làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo, sản xuất được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược thuộc trang bị của sư đoàn bộ binh; các loại đạn pháo phản lực, đạn pháo chiến dịch; đạn súng pháo phòng không; các loại khí tài quan sát ngắm bắn cho bộ binh và pháo binh. Đã đóng được tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu pháo, các loại tàu tuần tiễu, tàu cứu hộ, cứu nạn và các tàu bổ trợ khác. Bước đầu nghiên cứu, chế tạo thành công một số VKTBKT hiện đại, vũ khí công nghệ cao.
Đã sản xuất được nhiều chủng loại vật tư, nguyên vật liệu nền tảng phục vụ cho sản xuất vũ khí, khí tài, đạn dược. Đã nghiên cứu, chế tạo các dòng radar, máy thông tin thế hệ mới; nghiên cứu thành công các hệ thống trinh sát vô tuyến điện, máy gây nhiễu, hệ thống tự động hóa chỉ huy tác chiến điện tử cho các quân khu; nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái trinh sát hạng nhẹ; xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin và tác chiến không gian mạng, các hệ thống mô phỏng phục vụ huấn luyện…
Công nghệ sửa chữa VKTBKT đã được nâng cấp về số lượng, chất lượng, chủng loại ngày càng tốt hơn, nhanh hơn; sau sửa chữa đạt độ tin cậy và ổn định cao, đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Các nhà máy CNQP đã tận dụng tối đa công năng dôi dư, trình độ công nghệ, trang thiết bị, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất quốc phòng, kết hợp với đầu tư mới để sản xuất các sản phẩm kinh tế, tạo nguồn lực tài chính tái đầu tư cho sản xuất quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế-xã hội. Từ chỗ sản xuất các sản phẩm còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị thấp, đến nay, nhiều nhà máy đã phát huy thế mạnh ở lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp, pháo hoa, đóng tàu, cơ khí, may mặc, điện tử, viễn thông, quang học; từng bước xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm của mình. Doanh thu kinh tế ở nhiều sản phẩm quốc phòng từng bước tăng trưởng.
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ, công nhân lành nghề chuyên ngành đặc thù CNQP đã tăng mạnh về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ nhân lực về đóng tàu, viễn thông và vũ khí công nghệ cao.
Đại tá Hoàng Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cơ điện và Vật liệu nổ 31 (Nhà máy Z131), Tổng cục CNQP cho biết, trước khi Pháp lệnh CNQP ra đời, hoạt động của Nhà máy còn manh mún, chắp vá. Pháp lệnh CNQP ra đời đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để Nhà máy phát triển sản xuất, nhất là trong việc tự chủ vay vốn ngân hàng mở rộng đầu tư dây chuyền sản xuất, hợp tác với các doanh nghiệp ngoài Quân đội để sản xuất các mặt hàng kinh tế. Nhờ vậy, quy mô của Nhà máy đã lớn mạnh hơn rất nhiều lần.
Hàng nghìn doanh nghiệp được rà soát động viên công nghiệp
Trao đổi về kết quả tổng kết thực hiện Pháp lệnh ĐVCN, Thiếu tướng Lương Thanh Chương cho biết, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hai đợt tổng khảo sát năng lực công nghệ sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp (DNCN) trên cả nước. Việc khảo sát đã giúp Bộ Quốc phòng có cơ sở đánh giá tiềm lực nền công nghiệp, khả năng huy động năng lực của DNCN thực hiện nhiệm vụ quốc phòng khi có chiến tranh; đồng thời giúp các bộ, ngành, địa phương chủ động huy động nguồn lực, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng, làm cơ sở để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong từng giai đoạn và xây dựng kế hoạch nhà nước về ĐVCN.
Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị một số yếu tố cơ bản, làm căn cứ để triển khai kế hoạch nhà nước về ĐVCN như đánh giá thực lực, tính toán nhu cầu trang bị của Quân đội; dự báo mức tiêu hao trong chiến tranh; triển khai khảo sát khả năng sản xuất, sửa chữa của các DNCN; ban hành đầy đủ hệ thống biểu mẫu, hướng dẫn xây dựng kế hoạch ĐVCN của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, UBND cấp tỉnh.
Trên từng hướng, từng khu vực, từng địa phương đã tiến hành đầu tư, xây dựng được các dây chuyền ĐVCN sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị cho Quân đội. Số lượng các dây chuyền được xây dựng mới tăng; trình độ sản xuất của các dây chuyền ĐVCN bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, nghiệm thu, đưa vào trang bị quân sự và cấp phát cho các đơn vị sử dụng trong huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu. Việc sản xuất, sửa chữa trang bị để duy trì năng lực dây chuyền ĐVCN ở các DNCN được thực hiện theo đúng quy định của pháp lệnh.
Công tác quản lý dây chuyền ĐVCN được thực hiện ở 3 cấp (quân khu, bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, doanh nghiệp công nghiệp); định kỳ tiến hành kiểm kê, báo cáo về cơ quan quản lý theo phân cấp. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng, kịp thời đưa ra khỏi danh mục quản lý, thu hồi các dây chuyền sản xuất loại trang bị không còn trong biên chế Quân đội, không đúng đối tượng ĐVCN, không còn khả năng ĐVCN do DNCN đã giải thể, chuyển đổi mục đích kinh doanh.
Thực hiện kế hoạch huấn luyện hằng năm của Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên môn cho người lao động, lực lượng tham gia trong các dây chuyền ĐVCN. Công tác diễn tập ĐVCN được thực hiện theo đúng quy định.
Như vậy, Pháp lệnh CNQP và Pháp lệnh ĐVCN đã có đóng góp rất quan trọng vào việc thúc đẩy nền CNQP của nước ta lớn mạnh như hôm nay, đưa công tác ĐVCN vào nền nếp để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Đến nay có thể khẳng định, hai pháp lệnh đã hoàn thành sứ mệnh quan trọng của mình.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()