Hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ, Tập đoàn, Hội đồng thẩm định để hoàn thiện dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII.
Sau gần 4 năm thực hiện Quy hoạch điện VII, ngành điện đã đạt được những thành tựu quan trọng như sản lượng điện thương phẩm tăng bình quân gần 11%/năm; công suất nguồn điện tăng nhanh, trong giai đoạn 2011 – 2014 đưa vào vận hành trên 13.000 MW, nâng tổng công suất nguồn điện hiện nay của cả nước lên trên 34.000 MW. Từ chỗ thiếu điện, đến nay không những đã cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, mà còn có dự phòng…
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành điện cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập, như: một số nguồn điện và cung cấp khí không đáp ứng tiến độ, dẫn đến phân bố công suất nguồn điện không đồng đều giữa các vùng; phát triển lưới điện truyền tải 220 kV đạt thấp, dẫn đến một số thành phố lớn, khu vực trung tâm phụ tải bị quá tải, ảnh hưởng đến đến độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng; việc sử dụng điện của nền kinh tế nói chung còn chưa hiệu quả, tiết kiệm, năng suất lao động ngành còn thấp…
Để khắc phục những bất cập nêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ, Tập đoàn, Hội đồng thẩm định để hoàn thiện dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII nhằm hướng tới mục tiêu đảo đảm cấp đủ điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân; tăng cường độ tin cậy và an ninh cung cấp điện; khuyến khích tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng; thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường để thu hút đầu tư phát triển điện; khuyến khích sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước để bảo đảm sản xuất điện bền vững; khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thủ tướng lưu ý, điều chỉnh Quy hoạch điện VII phải tập trung vào một số nội dung. Cụ thể, về nguồn than, cần cân đối chi tiết giữa khả năng cung cấp của các mỏ than, vùng than trong nước cho các nhà máy điện sử dụng than trong nước; nguồn than nhập khẩu của các nhà máy điện sử dụng than nhập, bảo đảm tính khả thi về nguồn cung cấp than và các công trình hạ tầng (cảng, đường vận chuyển,…).
Cùng với đó, phát triển sớm hơn chuỗi dự án khí – điện sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) tại Sơn Mỹ, nhằm đa dạng hóa nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện, nâng cao an ninh năng lượng quốc gia, bù đắp nguồn khí thiên nhiên thiếu hụt khi các mỏ khí khai thác tại bể Nam Côn Sơn bị suy giảm…
Theo CPV
Ý kiến ()