Hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Ngày 3/7, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 đến năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023-2025.
Đại biểu phát biểu ý kiến tham luận tại hội nghị |
Tham dự hội nghị có đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện 13 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực phía nam có 308 xã, chiếm 8,97% xã được phân định của cả nước tại 13 tỉnh, thành phố. Dân số của cả khu vực hơn 17 triệu người, trong đó có hơn 1,7 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 9,94%.
Phần đông người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng không có nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển sản xuất nông nghiệp và đối diện nguy cơ cao của tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, hạn hán. Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 ước bình quân 1,89%.
Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần rất lớn trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Chương trình đã tập trung đầu tư phát triển các hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh ở vùng địa bàn đặc biệt khó khăn.
Cùng với chương trình của Trung ương, các địa phương đã lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội địa phương như giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế phục vụ chuyển đổi sản xuất… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Mặc dù Chương trình mới đưa vào tổ chức tại địa phương chỉ khoảng 1 năm nhưng một số chỉ tiêu ước đến ngày 31/12/2023 hoàn thành, vượt kế hoạch được giao, như: Tỷ lệ xã, thôn có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông, cứng hóa; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới, nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt rất cao.
Một số chỉ tiêu về con người như: Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi… đã đạt và vượt so với khu vực khác.
Tuy nhiên, do vốn Chương trình phân bổ chậm nên việc giải ngân chậm, khó khăn. Nhu cầu nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia rất lớn nhưng việc lồng ghép các nguồn lực tại địa phương còn hạn chế do các quy chế chưa cụ thể, rõ ràng. Các địa phương gặp khó trong giải quyết hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vì nhiều địa phương không có quỹ đất công…
Giai đoạn 2021-2023, các tỉnh, thành phố phía nam được phân bổ hơn 2.700 tỷ đồng. Đến tháng 5/2023, các địa phương giải ngân hơn 700 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 25%.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, trong khi chờ Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi các quy định phù hợp thực tiễn, Uỷ ban Dân tộc tập trung xây dựng, hoàn thiện các chính sách đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo kế hoạch thực hiện chương trình trong năm 2023, đặc biệt là giải ngân nguồn vốn năm 2022 chuyển sang. Các cấp, các ngành tăng cường phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cụ thể, tăng tính hiệu quả trong thực hiện chương trình.
Các địa phương rà soát thật kỹ để có báo cáo đúng thực tế, kết quả cụ thể các dự án, những vướng mắc, kiến nghị điều chỉnh phù hợp từng khu vực, địa bàn…
Các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; mục tiêu ý nghĩa của chương trình này trong phát triển kinh tế-xã hội vùng khó khăn để người dân cùng tham gia xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nguồn:https://nhandan.vn/hoan-thien-chinh-sach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-post760576.html
Ý kiến ()