Hoàn thiện chính sách pháp luật để tiếp tục thu hút đầu tư
Ngày 23-6, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, thảo luận hai dự án Luật và thông qua hai dự án Luật khác.
Tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư
Ðầu giờ làm việc buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Luật Hải quan (sửa đổi) với 454 phiếu tán thành, chiếm 91,16% tổng số đại biểu QH.
Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Ðầu tư (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng, còn một số quy định trong dự thảo Luật chưa thật sự phù hợp, có thể gây cản trở hoạt động đầu tư trong tương lai. Ðại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) và một số đại biểu khác cho rằng, không nên liệt kê các quyền của nhà đầu tư như dự thảo Luật mà nên quy định theo hướng nhà đầu tư được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và phù hợp quy định trong các văn bản pháp luật khác. Bên cạnh đó, nếu quy định các nhà đầu tư sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh lại phải đăng ký đầu tư như trong dự thảo Luật sẽ tăng thêm thủ tục hành chính và tăng thêm chi phí cho nhà đầu tư. Nhiều ý kiến đề nghị, cần có sự đột phá hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, theo hướng bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Về cơ chế ưu đãi đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa rõ ràng, thiếu sự thống nhất với các Luật khác, vì vậy ban soạn thảo cần rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan, như các luật về thuế, đất đai… nhằm tạo sự thống nhất, cũng như khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, bảo vệ môi trường, năng lượng sạch, nông nghiệp, nông thôn, lâm – ngư nghiệp, giáo dục, y tế… Ðại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, việc làm rõ các cơ chế ưu đãi theo các mức ưu tiên khác nhau sẽ tạo sự thống nhất, minh bạch trong đầu tư. Ðồng thời, cần xác định các ngành nghề hạn chế đầu tư, tránh ảnh hưởng tới thị trường trong nước cũng như lợi ích quốc gia.
Nâng cao hiệu quả thi hành án
Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 429 phiếu tán thành, chiếm 86,14% tổng số đại biểu QH.
Thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS), nhiều ý kiến tán thành quy định tòa án hoặc cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án mà không cần có đơn yêu cầu của người được thi hành án. Trường hợp người được thi hành án có đơn đề nghị không thi hành án, từ bỏ quyền, lợi ích của mình theo bản án, quyết định của tòa án thì cơ quan thi hành án lập biên bản ghi nhận việc đó và đình chỉ thi hành án. Các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Phương Thị Thanh (Bắc Cạn) cho rằng, điều này góp phần nâng cao tính thống nhất và nghiêm minh của pháp luật, đồng thời góp phần cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi hành án.
Nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật giao TAND ra “quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành”. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, nếu chỉ quy định giao TAND ra “Quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành án” như dự thảo Luật thì vẫn mang tính hình thức, không giải quyết được những vấn đề vướng mắc hiện nay. Vì vậy, đề nghị cho giữ quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của TAND như quy định của Luật THADS hiện hành, nhưng cần có cơ chế bảo đảm trách nhiệm của TAND đối với bản án, quyết định mà mình đã tuyên và thực hiện tốt hơn nữa những quy định này.
Về xác minh điều kiện thi hành án, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật về việc sửa đổi quy định về xác minh điều kiện thi hành án theo hướng, giao trách nhiệm này cho cơ quan THADS, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho người được thi hành án tự mình hoặc nhờ cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định xác minh điều kiện của người phải thi hành án để cung cấp thông tin cho cơ quan THADS. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị, cần quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền thụ lý, giải quyết trong trường hợp kết quả xác minh điều kiện thi hành án của cơ quan THADS và kết quả xác minh của người được thi hành án khác nhau.
Ðề cập hiệu quả trong công tác thi hành án, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp cố tình không thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.
PHÓ CHỦ TỊCH QH UÔNG CHU LƯU:
Chưa thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35
Tại kỳ họp này, QH đã thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HÐND bầu hoặc phê chuẩn và dự kiến thông qua tại kỳ họp này. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu QH về nội dung sửa đổi, cho nên QH quyết định chưa thông qua Nghị quyết sửa đổi tại kỳ họp này và lùi đến kỳ họp sau. QH nhất trí vẫn tiếp tục thực hiện lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tại QH, HÐND vào cuối năm nay theo quy định tại Nghị quyết 35.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()