Hoàn thành tốt chức năng của đội quân sản xuất
Ngay từ ngày đầu thành lập, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vừa làm nhiệm vụ chiến đấu, phát triển lực lượng, vừa tăng gia sản xuất (TGSX) tự túc lương thực, thực phẩm để nuôi quân, mua sắm vũ khí, trang bị để chiến đấu; hoàn thành tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy.
Những dấu mốc và đóng góp quan trọng
Ngày 23-8-1956, Bộ Quốc phòng (BQP) ban hành Nghị định số 030/NĐ thành lập Cục Nông binh để tham mưu cho Quân ủy Trung ương và BQP về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế. Đã có nhiều mô hình quản lý ra đời từ đó đến nay thay thế nhau như: Tổng cục Xây dựng Kinh tế, Cục Kế hoạch-Kinh tế, Tổng cục Kinh tế, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế. Ngày 24-12-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 249/1998/QĐ-TTg tổ chức lại Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế để thành lập hai cơ quan trực thuộc BQP là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Cục Kinh tế.
Dây chuyền sản xuất dây cáp hiện đại tại Tập đoàn Công nghiệp -Viễn thông Quân đội. Ảnh YÊN MINH. |
Nhìn lại chặng đường kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Quân đội ta luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; tự túc lương thực, thực phẩm, thuốc men; tích cực TGSX tại chỗ để cải thiện đời sống. Hàng trăm binh trạm, công xưởng của các đơn vị quân đội đã ra đời, nhất là các binh trạm dọc tuyến đường Trường Sơn làm nhiệm vụ TGSX, cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội, xây dựng căn cứ hậu cần tại chỗ trên các vùng chiến lược.
Sau khi nước nhà thống nhất, lực lượng lao động sản xuất (LĐSX), xây dựng kinh tế (XDKT) của quân đội là lực lượng xung kích, nòng cốt, tham gia đắc lực vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khai hoang, phát triển các khu kinh tế mới theo quy hoạch và kế hoạch chung của nhà nước, nhất là trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… cung cấp nhiều sản phẩm cho xã hội. Nhiều tuyến đường giao thông như: Đường Đông Trường Sơn, đường ống, các công trình công nghiệp dầu khí Vũng Tàu, thủy điện Hòa Bình, nhiệt điện Phả Lại, sân bay, bến cảng… được LĐSX, XDKT của quân đội tham gia xây dựng; góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn về kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước; giúp cho đất nước giảm chi ngân sách; tránh được lãng phí nguồn lực, góp phần quan trọng vào ổn định xã hội và hội nhập quốc tế.
Trong quá trình LĐSX, XDKT, nhiều đơn vị quân đội đã phát triển thành các ngành kinh tế mũi nhọn như ngành hàng không dân dụng Việt Nam (phát triển từ Trung đoàn 919 Không quân), ngành khai thác dầu khí (phát triển từ công binh hải quân…). Nhiều doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) đã trở thành thương hiệu hàng đầu của nền kinh tế hiện nay như: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp số một Việt Nam về viễn thông, xếp thứ 24/150 nhà mạng viễn thông lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt trên 6 tỷ USD; góp phần đưa viễn thông, công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của đời sống và tạo sự bùng nổ trong viễn thông Việt Nam; Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đứng trong tốp 25 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới (nắm giữ 50% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container của cả nước; 91,5% thị phần khu vực TP Hồ Chí Minh)… Hằng năm, lực lượng LĐSX, XDKT đóng góp ngân sách nhà nước hàng tỷ đô-la, đạt bình quân 20% tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn nhà nước trong 5 năm trở lại đây.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay, lực lượng LĐSX, XDKT của quân đội cũng góp sức cùng Chính phủ, BQP thực hiện nhiều giải pháp chống dịch hiệu quả. Riêng Viettel đã hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường cung cấp miễn phí giải pháp đào tạo trực tuyến cho học sinh, sinh viên… với trị giá hàng nghìn tỷ đồng; xây dựng app Sức khỏe Việt Nam, bảo đảm hoạt động hội họp thông qua cầu truyền hình trên quy mô lớn cho Bộ Y tế, BQP…; doanh nghiệp dệt may quân đội (Tổng công ty 28, Nhà máy Z176…) đã tham gia sản xuất khẩu trang, hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch với năng lực đạt 1-1,5 triệu khẩu trang/ngày… Các đơn vị, DNQĐ đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào quỹ mua vaccine phòng, chống Covid-19 theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước; đồng thời bằng chính nguồn lực từ các hoạt động lao động, TGSX của đơn vị, đã cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ bà con, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách bị tác động bởi dịch Covid-19, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm sản xuất kinh doanh ổn định, có lãi.
Khai thác dich vụ container tại cảng Cát Lái của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn. Ảnh: YÊN MINH. |
Trên chặng đường mới
LĐSX, XDKT là truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta. Tuy nhiên, để hoạt động LĐSX, XDKT của quân đội ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần cùng toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, các lực lượng tham gia LĐSX, XDKT quân đội cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, toàn quân cần giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chức năng, nhiệm vụ, chủ trương, đường lối kết hợp kinh tế với quốc phòng của Đảng, Nhà nước; làm cho mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ tham gia LĐSX, XKDT của quân đội; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tinh thần vượt khó vươn lên để đóng góp sức mình cho đất nước; góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và phục vụ các hoạt động an sinh xã hội. Các đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp công lập cũng cần phát huy hơn nữa thế mạnh của mình để tổ chức LĐSX, XDKT đúng quy định, tăng nguồn thu để tái đầu tư cơ sở, thiết bị cho đơn vị, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Hai là, các đơn vị LĐSX, XDKT quân đội, nhất là các DNQĐ cần tận dụng các cơ hội phát triển của nền kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng sản xuất. Tăng cường ứng dụng công nghệ để phát huy ngày càng tốt hơn vai trò, loại hình sản xuất chủ yếu của đơn vị mình, nhất là cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để phát huy hơn nữa thế mạnh, năng lực sản xuất, vừa bảo đảm cho các hoạt động quốc phòng, vừa phục vụ dân sinh theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước cũng như yêu cầu của phát triển và hội nhập quốc tế trong giai đoạn cách mạng mới.
Ba là, khắc phục triệt để những hạn chế, thiếu sót. Quản lý, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực của quân đội. Tổ chức lại mô hình sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh. Xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng thực sự trở thành những điểm sáng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo. Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNQĐ đến năm 2025 và những năm tiếp theo; bảo đảm sau sắp xếp, các DNQĐ được tổ chức tinh gọn về biên chế, về quy mô hoạt động, mạnh về năng lực quản lý, quản trị; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; bảo đảm đủ các nguồn lực, tài chính để phát triển và hội nhập trong kỷ nguyên số.
Bốn là, tích cực, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường, đối tác, nhất là tại các thị trường chiến lược; không ngừng đổi mới phương thức, nội dung hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu ngày càng nhiều hơn thành tựu tiêu biểu của quân đội trong LĐSX, XDKT đối với các nước; góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy quan hệ kinh tế, chính trị và đối ngoại quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả thời bình và khi có tình huống.
Ý kiến ()