Hoàn thành sửa chữa nhiều đoạn đường sắt quốc gia trước Tết Nguyên đán
Nhiều gói thầu các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt vốn trung hạn 2021 – 2025 vượt tiến độ, đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán.
Hoàn thành vượt tiến độ
Thông tin về các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt, ông Mai Minh Việt, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt cho biết, năm 2023, ban đã khởi công toàn bộ 5 dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thuộc trung hạn 2021 – 2025 gồm:
3 dự án cải tạo, nâng cấp trên tuyến đường sắt Hà Nội – TPHCM (đoạn Hà Nội – Vinh; đoạn Vinh – Nha Trang; đoạn Nha Trang – Sài Gòn), tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.000 tỷ đồng; dự án cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc, hơn 475 tỷ đồng; dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống), gần 1.900 tỷ đồng.
“Đến nay các dự án được triển khai cơ bản đáp ứng được tiến độ”, ông Mai Minh Việt cho biết.
Cụ thể, với 3 dự án tuyến Hà Nội – TPHCM, đoạn Hà Nội – Vinh có 4 gói thầu xây lắp 3 gói đã thi công, riêng gói thầu XL01 hoàn thành vượt tiến độ. Dự án hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao năm 2023 với giá trị 250 tỷ đồng.
Đoạn Vinh – Nha Trang gồm 4 gói thầu xây lắp, trong đó 3 gói thầu đang triển khai thi công, vượt tiến độ 2 gói; hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn với giá trị 320 tỷ đồng.
Đoạn Nha Trang – Sài Gòn gồm 3 gói thầu xây lắp, trong đó 2 gói thầu thi công vượt tiến độ, hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn với giá trị 386,5 tỷ đồng.
Dự án cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc có 2 gói thầu xây lắp đã triển khai thi công đáp ứng tiến độ, trong đó đã hoàn thành vượt tiến độ 5/8 ga (Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương, Lạng Sơn, ga cảng Vật Cách); 3 ga Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương đã được kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành để bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 1/2024. Dự án hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn với giá trị 222,5 tỷ đồng.
Theo ông Việt, việc hoàn thành các hạng mục, công trình này đúng và vượt tiến độ, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt, dần đưa các tuyến đường sắt, đặc biệt là tuyến huyết mạch Bắc – Nam vào cấp, đồng tốc, đồng tải trọng, từ đó nâng cao an toàn, tốc độ chạy tàu, cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt.
Về kế hoạch năm 2024, đại diện Ban QLDA đường sắt cho biết: Ban sẽ tổ chức khởi công 2 dự án sử dụng nguồn vốn ODA gồm Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét (dự kiến ngay sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024) và Dự án cải tạo khu gian Hòa Duyệt – Thanh Luyện.
Đồng thời, lập kế hoạch và phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công 2 dự án mới là Dự án tách cầu chung Lục Nam (Cẩm Lý) Km 24 134, tuyến đường sắt Kép – Hạ Long và Dự án nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên quốc lộ 1.
Vừa thi công, vừa chạy tàu
Được biết, đặc thù các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt là vừa thi công vừa chạy tàu, nên yêu cầu về nhân lực cho công tác đảm bảo an toàn chạy tàu và biện pháp thi công rất khắt khe.
Thông tin từ hiện trường thi công dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh – Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM, ông Nguyễn Văn Diệp – phụ trách dự án cho biết, đang phối hợp với tư vấn, nhà thầu khẩn trương hoàn thành các hạng mục gói thầu xây lắp 03 – cải tạo kiến trúc tầng trên đường sắt Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa với tổng chiều dài 28km. Nhà thầu đangtập trung thi công, cố gắng nghiệm thu hoàn thành trước 20km để bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng trước Tết Nguyên đán 2024.
Tương tự, tại dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang – Sài Gòn hai gói thầu xây lắp 01, 02 đều vượt tiến độ hợp đồng. Hiện cơ quan chức năng đã nghiệm thu hoàn thành 65/77km cải tạo kiến trúc tầng trên đường sắt qua địa bàn các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, dự kiến sẽ bàn giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa vào khai thác trước Tết.
Tại khu vực phía Bắc, ông Nguyễn Xuân Phương, phụ trách Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội – Vinh cho biết, vừa bàn giao các hạng mục công trình gói thầu Cải tạo, nâng cấp đoạn Km 19 850 – Km 140 478 (từ TP Hà Nội đến tỉnh Thanh Hóa).
Đáng nói, gói thầu được triển khai thi công từ tháng 3/2023, ngày hoàn thành theo hợp đồng là ngày 11/12/2024. Như vậy, công trình đã vượt tiến độ rất nhiều, rút ngắn thời gian so với kế hoạch khoảng một năm.
“Mặc dù điều kiện thi công khó khăn do vừa thi công sửa chữa vừa chạy tàu nhưng với sự phối hợp và tạo điều kiện của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc mở nhiều điểm chạy chậm đã được giải quyết, đảm bảo tàu vẫn chạy và vẫn đảm bảo thời gian thi công”, ông Diệp cho biết.
Đánh giá cao việc sửa chữa vượt mốc kế hoạch, ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng: Việc hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác các công trình sửa chữa, nâng cấp đường sắt trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho vận tải đường sắt, nhất là vào cao điểm vận tải khách dịp Tết. Các công trình cải tạo cầu, đường không chỉ giúp tăng tốc độ chạy tàu mà còn làm giảm tiếng ồn, giảm xóc lắc. Còn với công trình ga, việc đưa vào sử dụng công trình kiến trúc nhà ga, phòng đợi tàu, mái che, ke ga… sẽ nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()