Hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng vào cuối năm 2015
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Bộ Chính trị, Chính phủ đã đánh giá, nhận định đúng thực trạng của hệ thống ngân hàng, điều kiện tái cơ cấu ngân hàng... Từ đó xác định việc xử lý triệt để những tồn tại, yếu kém đã tích tụ nhiều năm của hệ thống ngân hàng và xây dựng hệ thống ngân hàng hiện đại là vấn đề lâu dài và phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh đã trả lời phỏng vấn chung quanh vấn đề này.
PV: Xin đồng chí cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng?
Đồng chí Nguyễn Phước Thanh: Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành ngân hàng để cùng với cơ cấu lại đầu tư và cơ cấu lại doanh nghiệp thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 (Đề án 254) đã nêu rõ mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2011-2015 là: “Tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng”.
Để đạt được mục tiêu nói trên, Đề án 254 đưa ra năm nguyên tắc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, trong đó có ba nguyên tắc then chốt:
– Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và từng tổ chức tín dụng là một quá trình thường xuyên, liên tục nhằm khắc phục những khó khăn, yếu kém và chủ động đối phó với những thách thức.
– Khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống, một số tổ chức tín dụng có mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn cao sẽ được áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt theo quy định của pháp luật.
– Không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước. Quá trình chấn chỉnh, củng cố và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất và chi phí của ngân sách nhà nước.
Quán triệt mục tiêu và nguyên tắc nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp tại Đề án 254, phấn đấu hoàn thành về cơ bản các mục tiêu của Đề án vào cuối năm 2015.
PV: Việc sáp nhập, thanh lọc các đơn vị yếu kém có làm cho hệ thống ngân hàng mạnh lên, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Phước Thanh: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy mua lại, sáp nhập, hợp nhất (M&A) là một giải pháp phổ biến, hiệu quả để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, có nhiều lợi thế so với các biện pháp khác, nhất là các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước đã không làm gián đoạn hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo toàn được quyền và lợi ích của cổ đông, khách hàng, tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn nhân lực. M&A là một hoạt động bình thường trong chiến lược phát triển của mỗi định chế tài chính và toàn hệ thống nói chung nhằm hình thành những định chế hoặc những tổ hợp tài chính lớn hơn, mạnh hơn thông qua việc tăng cường hiệu quả kinh tế nhờ quy mô; đồng thời, tạo lợi thế cạnh tranh nhằm gia tăng thị phần hoạt động.
Theo định hướng tại Đề án 254, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích việc M&A giữa các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực thực hiện chủ trương này thông qua một loạt các giải pháp, trong đó khuyến khích việc M&A để tạo nên những định chế tài chính quy mô hơn, mạnh mẽ hơn về năng lực cạnh tranh và tiềm lực tài chính, mang lại những lợi ích cho các tổ chức tín dụng tham gia M&A nói riêng và ngành ngân hàng nói chung. Bên cạnh đó, việc sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng cũng được xem là một trong các giải pháp được khuyến khích để các tổ chức tín dụng lành mạnh, có kinh nghiệm quản trị điều hành tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, giảm thiểu chi phí và nguồn lực của Nhà nước trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Để hạn chế các tiêu cực có thể phát sinh sau M&A các ngân hàng (như vấn đề nhân sự dôi dư, xung đột văn hóa quản trị doanh nghiệp, không đồng bộ trong hệ thống công nghệ thông tin, trùng lắp hệ thống mạng lưới…), Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng dự kiến M&A phải xây dựng Đề án sáp nhập tổng thể, trong đó phân tích các thế mạnh, hạn chế của từng tổ chức tín dụng, dự kiến các vướng mắc, khó khăn phát sinh, đưa ra các giải pháp và lộ trình cụ thể xử lý các hạn chế, vướng mắc này sau M&A, các giải pháp và lộ trình chuyển giao, tích hợp các hệ thống công nghệ thông tin, kiểm soát nội bộ, sắp xếp kiện toàn mạng lưới, sắp xếp nhân sự các cấp, nâng cao năng lực quản trị điều hành, kế hoạch phát triển năng lực tài chính…
Với biện pháp trên, về cơ bản, các tổ chức tín dụng sau khi sáp nhập, hợp nhất đều hoạt động hiệu quả hơn, có những bước tiến bộ hơn so với trước sáp nhập, gia tăng lợi ích cho các cổ đông và cán bộ, nhân viên của các tổ chức tín dụng này, góp phần từng bước lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
PV: Theo chỉ đạo của Thống đốc, quá trình sắp xếp sẽ diễn ra bao lâu? Bao giờ thì kết thúc? Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng gì sau khi kết thúc lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Phước Thanh: Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và từng tổ chức tín dụng là một quá trình thường xuyên, liên tục nhằm khắc phục những khó khăn, yếu kém và chủ động đối phó với những thách thức. Theo đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cho các giai đoạn khác nhau với lộ trình phù hợp, bảo đảm từng bước lành mạnh hóa về tài chính và hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong giai đoạn 2012-2013, Ngân hàng Nhà nước tập trung hỗ trợ thanh khoản, bảo đảm an toàn hệ thống, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém nhất hệ thống, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật thị trường; trong giai đoạn 2014-2015, ngân hàng Nhà nước ưu tiên xử lý những Ngân hàng thương mại không đề xuất được phương án tái cơ cấu khả thi hoặc không triển khai phương án tái cơ cấu được duyệt. Những kết quả mà ngành ngân hàng đạt được trong thời gian qua chính là tiền đề quan trọng và là bước đệm chuyển giao sang giai đoạn tiếp theo của quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hướng tới mục tiêu dài hạn “Đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế”. Theo định hướng này, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ có một số ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực, đứng vững trước cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()