Hoàn thành ký túc xá hơn 2.000 chỗ ở cho sinh viên ĐHQG Hà Nội
Đây là một trong những dự án thành phần đã được Thủ trướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án Quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hơn 2.000 chỗ ở tại Khu ký túc xá số 4 và Nhà công vụ số 1 được đưa vào khai thác sử dụng sẽ bổ sung cho Đại học Quốc gia Hà Nội nguồn cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động đào tạo giáo dục; tạo điều kiện thu hút sinh viên, giảng viên đến học tập và làm việc.
Việc hoàn thành hai công trình này còn là cơ sở thúc đẩy việc tiếp tục triển khai đầu tư các công trình thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung QG-HN02, triển khai đầu tư dự án Trung tâm giáo dục Quốc phòng và dự án Trường Đại học Khoa học Tự nhiên trong thời gian tới.
Theo Bộ Xây dựng, các công trình ký túc xá sinh viên bao gồm 5 khu được xây dựng trên phần đất có diện tích 88,8 ha với tổng diện tích sàn dự kiến 494.270m2, đáp ứng nhu cầu chỗ ở của gần 43.000 sinh viên.
Giai đoạn 1, đầu tư xây dựng 108.739m2 sàn. Trong đó, Khu ký túc xá số 4 bao gồm các công trình nhà D2, D3, D4, D5 và hạ tầng kỹ thuật có quy mô phục vụ cho hơn 2.000 sinh viên.
Nhà công vụ số 1 là nơi ở của các chuyên gia, giáo viên thỉnh giảng trong nước và quốc tế, là tổ hợp dịch vụ, nơi tổ chức các hội nghị của Đại học Quốc gia Hà Nội với 97 phòng ngủ, hội trường 130 chỗ, khu ăn uống, giặt là, sân thể thao… được xây dựng đạt chuẩn khách sạn 3 sao.
Cùng với việc bàn giao Khu ký túc xá số 4 và Nhà công vụ số 1 cho Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Xây dựng đã trao quyết định chủ đầu tư dự án Khu Nhà công vụ (QG-HN06) cho Đại học Quốc gia Hà Nội để khai thác, sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. Như vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có cơ sở điều kiện chủ động để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Khu nhà công vụ cùng với dự án đầu tư xây dựng Trường đại học Việt Nhật.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Quy hoạch Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc được tham khảo mô hình quy hoạch các khu đại học từ nhiều nước trên thế giới. Đây là đại học hàng đầu Việt Nam, tiệm cận trình độ của thế giới, không chỉ cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước mà còn nhằm đáp ứng yêu cầu cấu trúc lại hệ thống đô thị Việt Nam, đặc biệt là thủ đô Hà Nội.
Để dự án triển khai nhanh, đảm bảo tiến độ đề ra, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát quy hoạch, tăng dự trữ đất, giảm đầu tư hạ tầng. Cùng đó, việc lập kế hoạch thực hiện các đồ án phải có lộ trình cụ thể, tránh quy hoạch treo, chú trọng xã hội hóa nguồn lực trong đầu tư các dự án thành phần.
Để nâng cao chất lượng dự án, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chú trọng chất lượng thiết kế cơ sở, tuân thủ chặt chẽ những quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đảm bảo môi trường, mỹ quan khu vực cũng như góp phần phát triển đô thị Hòa Lạc xanh, bền vững.
Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi lần đầu năm 2003 với tổng mức đầu tư ước hơn 7.230 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác.
Năm 2008, dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định giao Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư thay Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 21 dự án thành phần với tổng nhu cầu vốn đầu tư của Đại học Quốc gia Hà Nội khoảng 25.872 tỷ đồng, trong đó bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA và các nguồn khác. Tổng thời gian thực hiện Đề án là 13 năm, chia thành 3 giai đoạn./.
Ý kiến ()